PGS.TS Ngô Trí Long: Phải có các cơ chế tài chính để nhà đầu tư làm điện hạt nhân
Trao đổi với PetroTimes, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một bước đi quan trọng để thúc đẩy ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, Nghị quyết cũng đặt ra một số thách thức và rủi ro đối với nhà đầu tư.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, mà còn giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Một số cơ chế, chính sách trong Nghị quyết mang lại lợi ích, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những thách thức và rủi ro.
Những lợi ích của Nghị quyết
Về những lợi ích, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã chỉ rõ 5 điểm tích cực.
Thứ nhất là cơ chế linh hoạt trong đầu tư và đàm phán quốc tế. PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc cho phép đàm phán song song với các đối tác nước ngoài về hợp tác xây dựng và cấp tín dụng là một trong những điểm sáng của Nghị quyết. Cơ chế này giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tránh sự trì hoãn do thủ tục hành chính kéo dài, từ đó rút ngắn thời gian xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động.
Thứ hai là hình thức đấu thầu rút gọn. Vị chuyên gia cho rằng, chỉ định thầu theo quy trình rút gọn cho các gói thầu quan trọng, như hình thức hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay, giúp tối ưu hóa thời gian và giảm thiểu thủ tục phức tạp.
Thứ ba là việc tạo điều kiện thuận lợi về tài chính. Nghị quyết đề ra cơ chế huy động vốn linh hoạt từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm vốn vay, trái phiếu doanh nghiệp, ODA và vay ưu đãi. Điều này giúp chủ đầu tư có thể tăng tính chủ động trong việc huy động vốn mà không phải trình phương án huy động hoặc thế chấp tài sản. Hơn nữa, việc miễn áp dụng giới hạn dư nợ tín dụng đối với ngân hàng trong nước khi tài trợ cho dự án là một ưu đãi lớn, giúp dự án có nguồn vốn dồi dào để triển khai.
Thứ tư là ưu đãi đặc biệt cho tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, các chính sách ưu đãi về ngân sách Trung ương và hỗ trợ bồi thường, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng của dự án giúp bảo đảm đời sống của cộng đồng địa phương. Đồng thời, việc cấp phép khai thác khoáng sản mà không cần đấu giá quyền khai thác cũng giúp đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thứ năm là bảo đảm chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Nghị quyết đặt ra các cơ chế giám sát nghiêm ngặt, bao gồm việc thành lập Tổ công tác đặc biệt để giám sát các gói thầu và yêu cầu Kiểm toán Nhà nước kiểm tra hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay trước khi ký kết. Điều này giúp ngăn ngừa các nguy cơ thất thoát tài sản và tham nhũng trong quá trình triển khai dự án.
Thách thức và rủi ro đối với nhà đầu tư
Về thách thức và rủi ro đối với nhà đầu tư tham gia dự án, PGS.TS Ngô Trí Long cũng chỉ rõ 6 vấn đề cần, từ đó đưa ra một số đề xuất để giải quyết.
Đầu tiên, vấn đề về tài chính và vốn đầu tư: Các dự án điện hạt nhân yêu cầu một nguồn vốn đầu tư rất lớn, kéo dài trong suốt quá trình xây dựng và vận hành. Điều này có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất cao hoặc khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế. Do vậy, cần có các cơ chế tài chính ưu đãi cho các nhà đầu tư, chẳng hạn như bảo lãnh tín dụng từ Chính phủ, các khoản vay với lãi suất ưu đãi, hoặc các quỹ hỗ trợ đầu tư công. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể cam kết chia sẻ rủi ro tài chính với nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích lâu dài từ việc vận hành dự án.
Thứ hai, vấn đề về chính sách và pháp lý: Các nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định về pháp lý và chính sách liên quan đến điện hạt nhân, đặc biệt trong một lĩnh vực rất nhạy cảm và có yêu cầu an toàn cao như điện hạt nhân. PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần có các chính sách, quy định pháp lý rõ ràng và ổn định, giảm thiểu sự thay đổi đột ngột trong các quy định liên quan đến đầu tư, xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Nhà nước cần xây dựng các khuôn khổ pháp lý đặc biệt, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai dự án.
Thứ ba, vấn đề về hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ: Công nghệ điện hạt nhân yêu cầu chuyên môn cao và không phải nhà đầu tư trong nước nào cũng có đủ khả năng triển khai. Việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cũng là một thách thức lớn. Nhà nước có thể hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận với các dịch vụ tư vấn chuyên sâu và công nghệ tiên tiến trong ngành điện hạt nhân.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để thực hiện dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận một cách hiệu quả, cần có các chính sách đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và công nhân lành nghề có khả năng vận hành, bảo trì và giám sát an toàn các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
Thứ tư, vấn đề về quản lý và chia sẻ rủi ro: Việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân có thể gặp phải nhiều rủi ro lớn, từ các vấn đề về công nghệ, môi trường, đến rủi ro tài chính. Các nhà đầu tư sẽ khó khăn trong việc tự gánh vác hết tất cả các rủi ro này. Vì vậy, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, đồng thời thiết lập các quỹ dự phòng để xử lý các tình huống bất ngờ. Nhà nước cũng có thể bảo vệ các nhà đầu tư bằng cách đảm bảo họ không phải chịu toàn bộ hậu quả nếu có sự cố xảy ra, qua đó làm tăng tính hấp dẫn của dự án.
Thứ năm, vấn đề về khả năng tiêu thụ điện năng và đầu ra: Các nhà đầu tư cũng có thể lo ngại về vấn đề tiêu thụ điện năng khi nhà máy điện hạt nhân đi vào vận hành, đặc biệt khi thị trường điện chưa ổn định hoặc giá bán điện thấp. Chính phủ có thể đảm bảo các cam kết về tiêu thụ điện từ các dự án này, thông qua việc ký kết hợp đồng mua bán điện dài hạn với giá ổn định, hoặc cơ chế điều chỉnh giá điện hợp lý để đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Thứ sáu, vấn đề về hỗ trợ trong việc xử lý chất thải hạt nhân: Xử lý chất thải hạt nhân là một trong những vấn đề quan trọng và gây lo ngại trong các dự án điện hạt nhân. Nhà đầu tư sẽ cần sự hỗ trợ trong việc tìm kiếm các giải pháp an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần cung cấp các cơ chế hỗ trợ trong việc quản lý và xử lý chất thải hạt nhân, bao gồm các khu vực lưu trữ an toàn, nghiên cứu các công nghệ tái chế và giảm thiểu chất thải, đồng thời đảm bảo chi phí xử lý được hỗ trợ hợp lý.
“Để tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cần các giải pháp tổng thể như cơ chế tài chính hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo vệ quyền lợi pháp lý của nhà đầu tư và có các chính sách bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro mà còn thúc đẩy việc triển khai thành công dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.