PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo: Cộng đồng tham gia và được hưởng thụ giá trị đa dạng sinh học

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi là nhà khoa học có nhiều năm công tác, giảng dạy và tham gia xây dựng các chính sách liên quan đến biển, nghề cá và môi trường. Trong chuyến công tác tại Đồng Nai mới đây, ông đã dành thời gian chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về nghề nghiệp, vấn đề bảo vệ và khai thác giá trị tự nhiên phục vụ lợi ích cộng đồng.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo

* Gắn bó với biển, đảo

* Không sinh ra ở miền biển nhưng phần lớn cuộc đời ông gắn bó với biển. Cơ duyên nào tạo nên sự gắn bó này?

- Tôi không sinh ra ở miền biển nhưng dành phần lớn cuộc đời gắn bó với biển, nghiên cứu và giảng dạy về biển. Quê tôi ở bên bờ sông Hồng thơ mộng, từ nhỏ tôi được vui chơi, tắm sông và có những suy nghĩ nguồn nước. Sau này, ở trường đại học, tôi nghiên cứu nhiều về khoa học trái đất, về biển và vỡ lẽ ra nhiều vấn đề. Lúc làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan, tôi chọn đề tài về vùng cửa sông - nơi gặp gỡ đất với biển.

Tôi đọc, viết, đi thực tế nhiều nơi trong nước và trên thế giới thấy biển mang lại giá trị lớn quá. Sau này, tôi chắt lọc những điều mình biết viết thành bài báo, bài nghiên cứu liên quan đến khoa học về biển, đảo; bảo vệ chủ quyền biển đảo; môi trường; biến đổi khí hậu biển... Hiện tại, tôi vẫn viết sách và làm tư vấn độc lập; tham gia xây dựng chính sách liên quan đến biển, đảo và môi trường; đi nói chuyện về biển, đảo khi có cơ hội và thực hiện nhiệm vụ của mình với cử tri.

* Công tác nhiều năm trong các cơ quan nhà nước nhưng gần đây ông mới tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm 2021-2026), ông mong muốn điều gì?

- Tôi kinh qua nhiều vị trí công tác từ quản lý, giảng dạy đến diễn thuyết trên các diễn đàn, tham gia xây dựng chính sách với mong muốn lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam và giúp thế hệ sau hiểu nhiều hơn về biển, đảo, về các giá trị biển của Việt Nam.

Giữa năm 2019, tôi nghỉ hưu và được mời về hoạt động với tư cách Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (Vinafis). Trong quá trình hiệp thương để giới thiệu người ứng cử bầu Đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi được Ban lãnh đạo và cử tri của Hội tín nhiệm giới thiệu đại diện cho Hội ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Tôi xin rút nhường cho những người trẻ, còn công tác nhưng cử tri của Hội và bà con nơi cư trú kiên quyết giới thiệu.

Phó giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Cát Tiên Nguyễn Văn Thanh tặng sách kỷ yếu cho PGS-TS Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: L.An

Phó giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Cát Tiên Nguyễn Văn Thanh tặng sách kỷ yếu cho PGS-TS Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: L.An

Trở thành người đại biểu của nhân dân, tôi đi theo các chương trình giám sát, tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân và phản ánh của hội viên Hội Nghề cá cả nước. Từ đó, chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân. Tôi muốn góp phần đưa tiếng nói của họ lên nghị trường.

* Cộng đồng phải được hưởng thụ giá trị đa dạng sinh học

* Tham gia sự kiện tại Đồng Nai lần này, ông đánh giá như thế nào về bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Cát Tiên?

- Vườn quốc gia Cát Tiên là một trong những vườn quốc gia lớn ở miền Nam Việt Nam và cũng là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới lưu giữ “kho báu” vô giá của thiên nhiên. Nơi đây có hệ động thực vật phong phú và nhiều cảnh quan sinh thái tiêu biểu cho thiên nhiên hoang dã miền Đông Nam bộ. Trong vườn có 10 khu đất ngập nước, trong đó có Bàu Sấu, được công nhận là khu Ramsar của Việt Nam. Không chỉ có giá trị cao về mặt sinh cảnh, vùng đất ngập nước nội địa ven sông này còn có giá trị lớn trong bảo tồn các loài quý hiếm trên cạn và thủy sinh.

Không chỉ tham gia công tác, giảng dạy ở nhiều nơi, trong quá trình công tác và nghiên cứu PGS-TS Nguyễn Chu Hồi đã chủ trì hơn 50 đề tài, dự án các cấp quốc gia, khu vực và quốc tế liên quan đến quản lý vùng bờ và biển; tác giả và đồng tác giả của hơn 50 cuốn sách chuyên khảo và giáo trình; viết và đứng tên chính khoảng 240 bài báo nghiên cứu xuất bản trên các báo và tạp chí chuyên ngành biển, đảo, môi trường trong và ngoài nước.

Vườn quốc gia Cát Tiên ít bị tác động bởi con người nhưng đang là “điểm nóng” đa dạng sinh học với nhiều loài có nguy cơ tiệt chủng như: ngan cánh trắng, quắm cánh xanh, bò tót, nai rừng, voi… Đó là hệ quả của phát triển kinh tế nhanh; khai thác thủy điện và cát; vấn đề xâm phạm tài nguyên thiên và sự phối hợp quản lý giữa các bên liên quan chưa tốt.

Tôi cho rằng cần phải đánh giá các mối nguy cơ trên diện rộng, trên cơ sở đó xây dựng biện pháp bảo vệ phủ hợp. Làm tốt công tác bảo vệ, giá trị kinh tế sẽ xuất hiện. Đó là du lịch sinh thái, là thu hút được tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, ngân hàng thế giới và tổ chức môi trường khác.

* Theo ông, để cộng đồng, người dân tham gia và hưởng thụ các giá trị đa dạng sinh học cần phải làm gì?

- Phát triển và bảo vệ đa dạng sinh học phải cân bằng 3 mảng phúc lợi: kinh tế, xã hội, môi trường và trách nhiệm giữa các thế hệ. Các cụ ta dặn: “đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “làm sao có của ăn, của để”. Tức là chúng ta phải bảo vệ và phát triển các giá trị mới khai thác được. Tuy nhiên, khai thác và sử dụng các giá trị cộng đồng phải theo hướng bền vững, khôn khéo và trong giới hạn cho phép.

Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học mục đích sâu xa là để bảo vệ các giá trị phục vụ lợi ích con người. Vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên và môi trường hệ sinh thái rừng, đất ngập nước nói chung đòi hỏi phải tuân theo nguyên tắc từ cộng đồng, dựa vào cộng đồng, làm lợi cho cộng đồng.

Việc cần làm là tuyên truyền cho cộng đồng hiểu vai trò và lợi ích của rừng, đất ngập nước với đất nước, cộng đồng trong ứng phó biến đổi khí hậu. Vận động người dân trên địa bàn mình quản lý tự giác, tự nguyện tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Phát huy sáng kiến và vận động cộng đồng địa phương tham gia mô hình đồng quản lý, cùng chia sẻ lợi ích. Phát huy vai trò của người uy tín trong việc lôi cuốn cộng đồng tham gia cải thiện sinh kế dựa vào tự nhiên.

Lê An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202205/pgs-ts-nguyen-chu-hoi-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-nguyen-pho-tong-cuc-truong-tong-cuc-bien-va-hai-dao-cong-dong-tham-gia-va-duoc-huong-thu-gia-tri-da-dang-sinh-hoc-3117234/