PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: 'FED giảm lãi suất, dòng vốn sẽ đảo chiều vào Việt Nam'

Chuyên gia đánh giá Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất sẽ giúp dòng vốn đảo chiều chảy vào Việt Nam. Trước hết, Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các nước phát triển.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH)

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH)

Ngày 18/9, FED đã giảm lãi suất 0,5 điểm %, đưa mặt bằng lãi suất xuống mức 4,75% - 5%. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED trong 4 năm qua. Nếu loại trừ các đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, lần gần nhất Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có mức cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % đã là 16 năm trước (2008).

Động thái cắt giảm lãi suất của FED có thể xem là quyết định đáng chú ý nhất của thị trường tài chính toàn cầu trong tuần này, tạo ra tác động không nhỏ tới các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Để đánh giá quyết định của FED tác động thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam? VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH):

Có khá nhiều băn khoăn về quyết định cắt giảm lãi suất tới 0,5 điểm % của FED, ông đánh giá thế nào về quyết định này? Vì sao FED ra quyết định cắt giảm lãi suất?

Thực tế thì trước khi FED ra quyết định cắt giảm lãi suất, đã có những khảo sát dự báo mức độ cắt giảm là 0,25 điểm % hay 0,5 điểm %. Kết quả là có 63% tin rằng FED sẽ cắt giảm 0,5 điểm %.

Điều đó cho thấy động thái của FED phần nào đã được biết trước. Phản ứng của thị trường chứng khoán và vàng của Mỹ đã củng cố thêm cho điều này khi hầu như không có cú sốc nào lớn xảy ra.

Tôi cho rằng có ít nhất 3 lý do dẫn tới quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % của FED.

Một là lạm phát của Mỹ đã giảm xuống 2,5% và đang có xu hướng giảm, xuống mức mục tiêu 2%.

Hai là nền kinh tế Mỹ đã bộc lộ những dấu hiệu suy thoái, dù các dự báo cho rằng vẫn tốt. Mức độ xấu đi của nền kinh tế Mỹ diễn ra nhanh hơn những gì FED dự kiến, khiến tổ chức này bắt buộc phải hành động.

Ba là sức ép từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khiến lãnh đạo FED không thể thờ ơ. Bởi nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục xấu đi, ông Jerome Powell có thể bị mất chức chủ tịch FED khi nước Mỹ có tổng thống mới.

Chủ tịch FED nói rằng tổ chức này không cam kết thực hiện các động thái tương tự ở các cuộc họp tới. Tuyên bố này có thể hiểu là sẽ không có thời kỳ nới lỏng nào cả, không có lãi suất siêu thấp trong tương lai?

Đúng là như vậy. Và đây cũng là một biểu hiện điển hình cho sự thiếu quyết đoán, mập mờ chính sách của giới lãnh đạo FED.

Thực tế là lâu nay, ông Jerome Powell thường cho mọi người ăn “bánh vẽ” về việc cắt giảm lãi suất. Điều này xuất phát từ việc thiếu khả năng dự báo của ông ấy. Ông ấy luôn chờ thực tế cụ thể rồi mới hành động, điều rất trái ngược với những người tiền nhiệm.

Chính sách tiền tệ luôn có độ trễ. Việc đợi khi có số liệu chính thức rồi mới ra quyết định là quá muộn, có thể gây những hệ lụy nghiêm trọng, nhất là khi tốc độ và mức độ trở xấu của nền kinh tế nhanh hơn dự báo. Trong trường hợp tồi tệ nhất là nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh cứng, lâm vào suy thoái.

Theo ông, việc FED cắt giảm lãi suất như trên có tác động như thế nào tới Việt Nam?

Việt Nam sẽ bớt được áp lực tỷ giá và có thêm dư địa để giảm lãi suất. Ngoài ra, việc FED giảm lãi suất sẽ khiến dòng vốn đảo chiều, Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các nước phát triển.

Tất nhiên, những tác động này không thể diễn ra ngay, vì dòng vốn không thể đảo chiều lập tức và vì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không thực sự hấp dẫn khối ngoại.

 Việc FED giảm lãi suất sẽ khiến giá vàng tăng (Ảnh minh họa: YT)

Việc FED giảm lãi suất sẽ khiến giá vàng tăng (Ảnh minh họa: YT)

Đối với các kênh tài sản, vàng nhiều khả năng sẽ tăng. Vừa rồi vàng giảm, nhưng tôi cho rằng sự sụt giảm của vàng là hệ quả của động thái chốt lời, kiểu “tin ra là bán”. Còn về dài hạn, FED giảm lãi suất thì USD sẽ giảm, USD giảm thì vàng tăng. Chưa kể giá vàng còn chịu tác động từ xu hướng gom vàng trên thị trường hiện nay.

Về triển vọng tăng trưởng tín dụng nhờ dư địa giảm lãi suất được tạo ra từ quyết định của FED, tôi cho rằng không nên kỳ vọng nhiều. Nguyên do là việc tăng trưởng tín dụng không chỉ phụ thuộc vào nguồn cung vốn giá rẻ (lãi suất thấp) mà còn tùy theo nhu cầu của nền kinh tế. Động thái của FED có thể giúp chúng ta duy trì lãi suất thấp nhưng không thể giải quyết vấn đề ở phía cầu tín dụng.

Vậy theo ông, những tác động nhất định từ động thái của FED tới chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ tác động thế nào tới tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm 2024?

Tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng sẽ là không lớn trong giai đoạn cuối năm 2024. Chúng ta sẽ nhìn thấy tác động rõ rệt hơn từ đầu năm 2025 trở đi, do chính sách luôn có độ trễ. Tôi vẫn hi vọng năm nay kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6%.

Ông có thể đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà đầu tư chứng khoán và cho nhà điều hành tiền tệ trong bối cảnh này?

Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, thật khó để đưa ra lời khuyên lúc này, bởi chúng ta còn phải chờ dòng vốn ngoại vào thị trường như thế nào. Trong khi đó, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay cũng chưa có gì thật sự rõ ràng. Nếu là một thị trường mới nổi, tác động từ FED chắc chắn sẽ rõ rệt hơn, còn giờ chủ yếu là khối nội chơi với nhau thôi.

Với nhà điều hành tiền tệ, thận trọng sẽ là yếu tố cần thiết, bởi một cú cắt giảm của FED chưa nói lên được nhiều điều, nhất là khi Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh đây chưa phải là xu hướng. Dù vậy, việc FED giảm lãi suất cũng tạo ra những dư địa nhất định để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, không cần phải đảo chiều chính sách.

Ngoài ra, thời điểm USD xuống giá như thế này rất thích hợp để mua vào, nhằm nâng cao dự trữ ngoại hối cũng như tăng dự trữ vàng. Đây cũng đang là xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Yến Thanh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/pgsts-nguyen-huu-huan-fed-giam-lai-suat-dong-von-se-dao-chieu-vao-viet-nam-post178401.html