PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Giảng viên cao cấp, Trưởng khoa Văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM): Xây dựng 'cơ chế nhắc nhớ' để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, xây dựng 'cơ chế nhắc nhớ' là cách làm hiệu quả để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất Đồng Nai. Bằng cách đó, người dân sẽ tương tác và tham gia vào dòng chảy văn hóa.
Để làm được điều này, cần sự phối hợp của Nhà nước, nhà khoa học và văn nghệ sĩ. Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ xoay quanh nội dung này.
Thông điệp văn hóa qua các lễ hội
* Tại hội thảo khoa học Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ông đã có nhiều góp ý cho Đồng Nai nhằm phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của tỉnh, trong đó có gợi ý tổ chức các lễ hội văn hóa. Theo ông, điều này có tầm quan trọng như thế nào trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa?
- Lễ hội gắn với ký ức lịch sử - văn hóa cũng góp phần to lớn tạo dựng thương hiệu văn hóa và quảng bá, tuyên truyền thông tin về ký ức. Theo tôi, xứ Biên Hòa - Đồng Nai thiếu vắng một lễ hội cù lao Phố có quy mô lớn, gắn với các loại hình diễn xướng nghệ thuật quan trọng (có thể tham khảo mô hình nghệ thuật Ký ức Hội An ở tỉnh Quảng Nam), thiếu vắng một hệ thống các lễ hội tầm khu vực.
Địa phương có thể nghiên cứu liên kết với TP.HCM và Bình Dương để hình thành cung đường lễ hội theo hệ thống sông Đồng Nai - sông Sài Gòn, góp phần tái tạo con đường lịch sử di dân, mở mang bờ cõi khi xưa của bao lớp tiền nhân.
Có thể lấy Biên Hòa làm điểm khởi đầu với lễ hội Quan Đế các ngày 12-13 tháng Giêng, tiếp đến là lễ hội Nguyên tiêu của đồng bào người Hoa Chợ Lớn (TP.HCM) các ngày 14-15 tháng Giêng và dịch chuyển về Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) với lễ hội Bà Thiên Hậu ngày 16 tháng Giêng. Xen kẽ với chuỗi các hoạt động lễ hội, quần thể di tích ven sông Đồng Nai được “sống dậy”, cùng góp vào chuỗi hành lang ấy như những chứng nhân lịch sử trung thực nhất. Đánh thức dòng sông Đồng Nai còn là đánh thức miền kỷ niệm, đánh thức nền văn hiến của một vùng đất phương Nam hào khí, giàu nhân văn và bi tráng.
PGS-TS NGUYỄN NGỌC THƠ: “Tôi cho rằng, nghệ thuật hóa luôn luôn là con đường ngắn nhất để tác động đến cảm xúc của con người. Thông qua nghệ thuật hóa, chúng ta có thể truyền tải thông điệp về ký ức lịch sử - văn hóa”.
* Đồng Nai sẽ “thu hoạch” được gì nếu làm được những điều như ông đã nói?
- Lễ hội mỗi năm được tổ chức một lần với sự tham gia của người dân. Đây chính là một “cơ chế nhắc nhớ” để công chúng tiếp tục sống, tiếp tục tương tác và tiếp tục tham gia vào dòng chảy văn hóa đó. Nếu làm như vậy, chúng ta có được mục tiêu của việc duy trì, phát triển ký ức lịch sử văn hóa để duy trì văn hiến. Đồng thời, chúng ta cũng có được sự phát triển du lịch. Điều này đồng thời cũng mang đến thương hiệu, giá trị kinh tế cho Biên Hòa - Đồng Nai và thể hiện được vị thế “anh cả” của Đồng Nai ở vùng đất Nam bộ.
Cần sự gắn kết của “3 nhà”
* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Đồng Nai trong việc khai thác du lịch văn hóa?
- Đồng Nai được biết đến là địa phương phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và sắp tới đây sẽ trở thành đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Đó là một mặt rất sôi động của tỉnh. Bên cạnh đó, Đồng Nai vẫn có một khoảng lắng đọng, một khoảng rất trầm mặc mà theo tôi nghĩ rằng, sẽ làm nên linh hồn của Đồng Nai.
Tôi nghĩ rằng, hai yếu tố này cùng hòa quyện, làm nên sức mạnh về nguồn lực của tỉnh Đồng Nai trong lợi thế cạnh tranh so với các nơi khác. Chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh văn hóa Đồng Nai đa dạng, dung hòa, hội tụ và lan tỏa.
Đồng Nai có mật độ di sản dày đặc và rất đẹp. Vì vậy, ta có thể đánh thức dòng sông Đồng Nai, đánh thức cù lao Phố, đánh thức các lễ hội dân gian, cùng với đó là hệ thống các quần thể gắn liền với tính ký thác về ký ức lịch sử mang tính tinh hoa, mang tính trí thức như: Văn miếu Trấn Biên, quần thể khu tưởng niệm đại học sĩ Trịnh Hoài Đức… Tôi cho rằng, Đồng Nai có đủ trí và lực để làm điều đó.
* Ông có nhắc đến “cơ chế nhắc nhớ” trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Cụ thể đó là gì, thưa ông?
- Đó là thổi hồn cho di sản, di tích và tổ chức tốt những hoạt động mang tính lễ hội, mang tính chu kỳ. Nhắc nhớ là mỗi năm đều nhắc lại để người dân cùng tham gia. Tiếp cận ở các góc độ: du lịch, nghệ thuật, lịch sử, giáo dục… đều có thể tổ chức thành cơ chế nhắc nhớ.
* Vai trò của nhà quản lý và văn nghệ sĩ như thế nào trong cơ chế này?
- Thực ra cần có “3 nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học và văn nghệ sĩ. Cả 3 nhóm này phải hợp thành một khối, dưới sự định hướng của Đảng, sự quản lý của Nhà nước thì nhà khoa học và văn nghệ sĩ sẽ làm việc với nhau để tạo nên cái hồn cho di sản, tạo nên cơ chế nhắc nhớ một cách hữu cơ nhất. Ở đó, công chúng là đối tượng tương tác với di sản thông qua khối óc, bản tay của “3 nhà” nêu trên.
* Xin cảm ơn ông!
Hải Yến (thực hiện)