PGS.TS Nguyễn Thành Đạt: Mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên không giống như trước kia
Tiếp theo chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/10), để bạn đọc có thêm thông tin từ góc nhìn của một giảng viên đến từ miền Trung, xin giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong với PGS.TS Nguyễn Thành Đạt, Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế Đại học Đà Nẵng, Giảng viên Khoa Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.
PGS.TS Nguyễn Thành Đạt từng sinh sống, học tập và làm việc tại Australia. Sau khi trở về Việt Nam, ông tham gia giảng dạy, làm việc tại Đại học Đà Nẵng. Bên cạnh công việc giảng dạy và hoạt động chuyên môn tại Đại học Đà Nẵng, bản thân ông có cơ hội tham gia hoạt động Đoàn, tổ chức nhiều hoạt động, chương trình cho sinh viên Đại học Đà Nẵng.
Thưa ông, hiện nay có nhiều thứ khiến các bạn sinh viên bị phân tán không thể tập trung cho việc học tập trên lớp. Ông thường làm gì để sinh viên tập trung hơn vào các giờ giảng của mình?
PGS.TS Nguyễn Thành Đạt: Có thể nói rằng hiện nay với sự phát triển của Internet và các thiết bị thông minh, các bạn sinh viên rất dễ bị phân tán cho việc học tập trên lớp. Đặc biệt gần đây, sự phát triển của các sản phẩm truyền thông ngắn là minh chứng cho việc dường như công chúng không thích việc phải quá tập trung trong một thời gian dài. Để giúp thu hút và “kéo” các bạn sinh viên về với bài giảng trên lớp thì tôi thường sử dụng đa dạng các hoạt động như thuyết giảng, giải bài tập, hỏi đáp… và cố gắng tương tác với sinh viên càng nhiều càng tốt. Việc này cũng giúp bản thân cảm thấy hứng thú hơn với việc giảng dạy của cá nhân tôi.
Còn từ phía sinh viên, theo ông, các bạn cần phải làm gì để có được những giờ học tập trung trên lớp?
PGS.TS Nguyễn Thành Đạt: Ở phía các bạn sinh viên, để có thể tập trung trên lớp tôi nghĩ rằng điều đầu tiên là cần có một thái độ và mục tiêu nghiêm túc với việc học của mình. Khi có nhận thức đúng sẽ giúp tăng tính kỷ luật và động lực để các bạn tập trung hơn. Thứ hai, sinh viên phải chủ động trong việc học của mình, cần phải khai thác tối đa thời gian ở trên lớp cùng giảng viên. Thay vì chỉ đến lớp và nghe giảng viên truyền đạt kiến thức, các bạn hãy chủ động tìm hiểu vấn đề trước và dành thời gian trên lớp để cùng giải đáp các thắc mắc, thảo luận các quan điểm với giảng viên. Điều này không chỉ giúp các bạn tập trung mà còn làm cho giờ học trở nên sinh động, thú vị hơn. Học tập không chỉ là ghi nhớ mà còn là việc hiểu sâu và phản biện, áp dụng lý thuyết vào thực tế. Vì vậy, trong giờ giảng của mình tôi luôn mong các bạn sinh viên hãy thoải mái và trao đổi thay vì tâm lý ngại phản biện, đặt câu hỏi cho giảng viên. Và cuối cùng, chăm sóc sức khỏe và duy trì lối sống khoa học sẽ giúp sinh viên duy trì được sự tập trung và tinh thần học tập tốt nhất.
Ngoài giờ học, không ít bạn sinh viên cũng thường hay bị mất tập trung trong sinh hoạt hằng ngày, có khi lên kế hoạch làm việc này nhưng sau đó lại bị phân tán sang việc khác, cuối cùng không việc nào hoàn thành. Làm thế nào để các bạn sinh viên cải thiện được tình hình này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thành Đạt: Việc duy trì tập trung trong sinh hoạt hằng ngày và quản lý tốt thời gian là một thách thức lớn đối với nhiều người, không chỉ là bạn sinh viên. Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm bản thân để cải thiện vấn đề này: Thứ nhất, cần xác định rõ những việc “cần” và “bắt buộc” hoàn thành. Những việc này dù có trì hoãn thì các bạn vẫn phải thực hiện, vì vậy nên dành thời gian để hoàn thành chúng sớm. Thời gian không tự sinh ra, vì vậy nếu đằng nào cũng mất thời gian để làm thì các bạn nên chấp nhận và thực hiện một cách nghiêm túc. Tôi luôn quan niệm nếu bản thân dành thời gian và làm tốt một việc, giảm thiểu các sai sót thì sẽ không phải mất thời gian để chỉnh sửa, làm lại. Chẳng hạn, khi viết một bài luận, nếu các bạn tập trung viết tốt theo yêu cầu của giảng viên hướng dẫn thì các bạn sẽ không phải mất thời gian để viết lại. Như vậy chính việc tập trung hoàn thành tốt các công việc sẽ giúp các bạn có thêm nhiều thời gian để dành cho bản thân hơn.
Ngoài việc học, sinh viên Đại học Đà Nẵng đang quan tâm nhiều đến những vấn đề gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thành Đạt: Bên cạnh việc học thì sinh viên Đại học Đà Nẵng còn quan tâm đến nhiều vấn đề gắn liền với đời sống, sự phát triển bản thân của các bạn như cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp, các hoạt động ngoại khóa và phát triển kỹ năng mềm. Với sự cạnh tranh trong thị trường lao động hiện nay thì bên cạnh kiến thức, các bạn sinh viên còn phải trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết để có thể thích ứng với nhiều môi trường làm việc trong tương lai. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn quan tâm đến chính bản thân mình, như sức khỏe tinh thần, thể chất, phát triển bản thân và định hướng giá trị sống. Cùng với sự bùng nổ của thông tin thì điều kiện vật chất phát triển cũng là cơ hội để các bạn sinh viên có thể tìm hiểu và quan tâm đến bản thân, xác định đam mê, sở thích của mình hơn.
Có ý kiến cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội và các thiết bị cầm tay đã khiến cho mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên ngày nay không còn được gần gũi, thân thiết như trước đây. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
PGS.TS Nguyễn Thành Đạt: Phải thừa nhận rằng các nền tảng mạng xã hội và các thiết bị thông minh đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và tác động đến mọi mặt đời sống của chúng ta. Và hoạt động dạy học cùng với mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên không thể này ngoài xu thế này. Cũng cần phải kể ra một số hạn chế như nó làm giảm tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên, tác động đến sự kết nối giữa “thầy” và “trò” và đôi lúc việc giảng dạy online cũng làm mất đi “cảm xúc”.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại ta cũng có thể thấy được rất nhiều ưu điểm của các nền tảng mạng xã hội và thiết bị kết nối thông minh. Chẳng hạn như, đa dạng trong kết nối, giảng viên và sinh viên có thể kết nối trao đổi mọi lúc mọi nơi giúp việc hỗ trợ học tập trở nên linh hoạt hơn, sinh viên dễ dàng đặt câu hỏi và nhận hỗ trợ từ giảng viên. Việc phát triển các hình thức giảng dạy trực tuyến cũng giúp cho giảng viên duy trì sự hiện diện và tạo động lực học tập thông qua các nhóm, diễn đàn trao đổi với sinh viên. Nếu ngày xưa trong những ngày bão lũ việc dạy và học không thể triển khai thì ngày nay việc tổ chức lớp trở nên rất dễ dàng. Ngoài ra, việc sử dụng các nền tảng trực tuyến đôi khi cũng tạo ra một khoảng cách đủ thoải mái để sinh viên có thể tự tin hơn trong việc trình bày quan điểm, trao đổi với giảng viên.
Theo quan điểm của tôi, giảng viên phải là người hành động trước, chủ động tìm hiểu để sẵn sàng kết nối với sinh viên của mình.
Rõ ràng mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên không giống như trước kia bởi sự tác động từ sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu và tất cả chúng ta phải biết cách thích nghi. Điều quan trọng là cả hai bên cần tìm cách sử dụng công nghệ một cách cân bằng và hiệu quả để tăng cường tương tác và sự hiểu biết lẫn nhau. Việc áp dụng linh hoạt giữa giao tiếp trực tiếp và giao tiếp qua mạng sẽ giúp duy trì và phát triển mối quan hệ thân thiết trong bối cảnh hiện đại. Theo quan điểm của tôi, giảng viên phải là người hành động trước, chủ động tìm hiểu để sẵn sàng kết nối với sinh viên của mình.
Các bạn sinh viên ở Việt Nam hiện đang nhắc nhiều về AI (Trí tuệ nhân tạo). Theo ông, các trường đại học ở Việt Nam nói chung và giảng viên nói riêng cần ứng xử với AI như thế nào cho hiệu quả?
PGS.TS Nguyễn Thành Đạt: Cùng với sự phát triển của mạng xã hội trực tuyến, gần đây AI cũng trở thành một xu hướng phát triển, và là từ khóa thường xuyên được nhắc đến, trong đó có cả cộng đồng sinh viên. Tôi nghĩ, đầu tiên chúng ta cần phải có cách nhìn nhận đúng về AI. Rõ ràng AI là xu thế tất yếu, và là một phần của cuộc sống, hiện tại và trong tương lai gần. Vì vậy, chúng ta cần xem AI như là một công cụ để giúp hỗ trợ trong các hoạt động sản xuất, các mặt đời sống trong đó có cả giảng dạy và học tập. Không nên xem AI là công cụ “gian lận”. Các trường đại học và giảng viên cần có cách tiếp cận phù hợp, vừa khai thác tối đa lợi ích của công nghệ này, vừa giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.
Thứ nhất, các trường đại học nên xây dựng chương trình học tích hợp AI vào các môn học, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động, ứng dụng thực tiễn và các vấn đề liên quan đến đạo đức trong việc sử dụng AI. Điều này không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn giúp sinh viên có cơ hội ứng dụng công nghệ vào thực tế, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.
Thứ hai, chính giảng viên cũng cần phải biết sử dụng AI và được đào tạo về AI để có thể dẫn dắt, hướng dẫn sinh viên ứng dụng công nghệ này vào học tập, công việc chuyên môn của mình.
Thứ ba, chúng ta cũng cần nhấn mạnh đến các khía cạnh đạo đức, trách nhiệm xã hội khi sử dụng AI, giúp sinh viên sử dụng AI một cách có trách nhiệm, tránh việc lạm dụng hoặc tác động tiêu cực, đồng thời góp phần xây dựng ý thức xã hội và phát triển công nghệ theo hướng có lợi cho cộng đồng.
Và cuối cùng, trong khi AI có thể tăng cường hiệu quả học tập, giảng viên vẫn cần duy trì các phương pháp giảng dạy truyền thống nhằm xây dựng kỹ năng mềm, giá trị nhân văn và sự tương tác xã hội của sinh viên. Suy cho cùng, AI là công cụ hỗ trợ chúng ta trong tổng hợp, phân tích thông tin, quyết định vẫn nằm ở yếu tố “con người”. Vì vậy, sinh viên không nên bị phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ, mà phải phát triển toàn diện các khía cạnh khác của bản thân như cảm xúc, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện nội dung: Hiếu Nguyễn – Trần Anh
Hình ảnh & Video: Nguyễn Minh Hoàng
Thiết kế: Đức Hoàng
Cool Air, với thông điệp cổ vũ sinh viên tập trung hơn trong giờ học, bởi đây chính là món quà ý nghĩa với Thầy Cô, hân hạnh đồng hành cùng Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong.