PGS.TS Phạm Quang Long: Lạ nhất trong tranh luận là ai cũng coi mình đúng
Thỉnh thoảng lại thấy giới truyền thông đưa tin rác thải vũ trụ ngày càng nhiều. Nhưng có một thứ rác thải cũng gây nguy hại không kém là rác thải văn hóa nhưng lại ít được nói tới.
PV: Thưa PGS.TS Phạm Quang Long, ông đã xem phim “Đất rừng phương Nam” chưa?
- Tôi thấy người ta tranh luận rất ồn ào nên đã đi xem.
Từ góc nhìn của mình ông nói gì về việc người ta tranh luận vừa rồi?
- Đọc các ý kiến khác nhau của những người xem có nghề (đạo diễn, nhà văn, nhà biên kịch, nhà ở phê bình, nhà báo và một số người làm chuyên môn) tôi thấy có ba luồng ý kiến khác nhau. Loại thứ nhất khen nhiều.
Loại thứ hai chê không ít. Loại thứ ba vừa khen vừa chê. Có điều thú vị là cả ba loại ý kiến đều dựa trên hai cứ liệu (nhưng góc nhìn khác nhau) là nghệ thuật (đồng nghĩa hư cấu, sáng tạo) và sự kiện lịch sử (đã là sự kiện lịch sử thì phải tôn trọng tính khách quan của nó).
Thêm nữa phim này dựa vào tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, sử dụng cốt truyện và nhân vật của tiểu thuyết thì đừng đi quá xa so với nguyên tác… Tôi thấy ai cũng có lý cả nhưng cũng thấy cứ tranh cãi kiểu này thì không bao giờ chấm dứt vì mỗi loại ý kiến đều từ góc nhìn của mình.
Chỉ một phát ngôn của một người đẹp hay một cuốn sách, một bộ phim mới ra, cũng có thể bùng nổ một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Chuyện khác nhau về quan điểm sống, quan điểm học thuật, dẫn đến tranh luận là hết sức bình thường. Chuyện bày tỏ chính kiến khác nhau cũng là bình thường. Tranh luận còn thúc đẩy sự phát triển, nhờ tìm ra những kiến giải mới, tiệm cận tới chân lý gần hơn thông qua tranh luận. Nhưng đó là tranh luận có văn minh, văn hóa. Tranh luận như chúng ta đang thể hiện trên mạng xã hội vừa qua chỉ đem lại tổn thương, khi thay vì tranh luận, người ta “bỏ bóng đá người”, lao vào công kích cá nhân.
Vâng, đó là điều chúng tôi đang muốn đề cập đến. Vậy theo ông, tranh luận như vừa rồi có ổn không?
- Lạ nhất của tranh luận vừa qua là ai cũng cho mình đúng. Nhớ khi còn đi học, thầy tôi khuyên “đừng nghĩ rằng trong khoa học xã hội mình nói thế là chân lý. Chỉ cần có lý là tốt lắm rồi”. Quả là chí lý.
Theo ông, chúng ta đang thiếu điều gì trong các cuộc tranh luận như tranh luận về một bộ phim vừa rồi trên mạng xã hội?
- Tôi gọi cuộc tranh luận vừa rồi là chỉ vì một bộ phim mà tâm thế xã hội chia rẽ. Khác nhau về quan điểm là dễ hiểu và bình thường. Bách nhân bách tính. Thế không còn lẽ phải, đúng sai nữa à?
Có chứ. Cái đó mãi tồn tại nhưng có phải bao giờ cũng dễ nhận ra đâu? Xung quanh phim “Đất rừng phương Nam” có sự khác biệt, thậm chí chia rẽ quan điểm. Bình thường như xưa nay vẫn thế. Nhưng những cực đoan ở sự khen chê và hời hợt trong cách tìm phương án xử lý lại không bình thường.
Thỉnh thoảng lại thấy giới truyền thông đưa tin rác thải vũ trụ ngày càng nhiều. Nhưng có một thứ rác thải cũng gây nguy hại không kém là rác thải văn hóa nhưng lại ít được nói tới. Rác thải mà nếu không dọn dẹp kịp thời chúng còn gây họa lớn hơn vì nó cứ làm cho con người loay hoay mãi giữa tốt xấu, đúng sai, độc hại hay có ích…
Xin cảm ơn ông!