PGS.TS Trần Đắc Phu: Đi chợ 2 ngày/lần tại Hà Nội vẫn 'hơi dày'
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong bối cảnh các ca dương tính xuất hiện tại các chợ, nơi tập trung đông người thì người dân nên bố trí đi chợ 2 lần/tuần. Bởi việc đi chợ 2 ngày/lần như hiện nay vẫn là 'hơi dày'.
Thời gian gần đây, số ca dương tính tại Hà Nội luôn ở mức xấp xỉ 3 con số. Số ca ghi nhận ngoài cộng đồng cũng chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", đặc biệt là số ca ho sốt ghi nhận tại cộng đồng thứ phát trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến 12h hôm nay (4/8) đã lên đến 476 ca.
Cũng tính đến ngày hôm nay, Hà Nội đã phong tỏa ít nhất 5 chợ do liên quan đến các ca dương tính là tiểu thương. Trong đó có chợ đầu mối Long Biên, chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ, quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Minh Khai, chợ Đồng Xá (quận Bắc Từ Liêm), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm).
Trước tình hình trên, ngày 4/8, trao đổi nhanh với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Đắc Phu – chuyên gia Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, người dân đi chợ 2 ngày/lần như hiện này vẫn là "hơi dày".
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn vừa qua là hết sức nhanh và cần thiết để kịp thời ngăn chặn nguồn lây nhiễm ngoài cộng đồng. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch tại các tỉnh phía Nam phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, tại Hà Nội, số ca dương tính có xu hướng lan rộng ngoài cộng đồng, nhất là ở những nơi tập trung đông người như các chợ, siêu thị.
Trong khi đó, chợ lại là nơi có dịch tễ phức tạp, khi có ca mắc thì việc truy vết dịch tễ cũng khó khăn, do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân nên đi chợ với tần suất 2 lần/tuần, thay vì 2 ngày/lần như hiện nay. Người dân nên tập trung mua những đồ thiết yếu, đồ thật sự cần thiết và mua đủ dùng cho vài ngày.
"Để đảm bảo lượng hàng hóa cần mua, trước khi ra chợ, người dân nên kê khai hàng hóa vào danh sách những đồ cần mua và mua nhanh, mua gọn. Không nên kéo dài thời gian ở những khu vực có nguy cơ", PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để tránh nguy cơ lây nhiễm, Hà Nội và Ban quản lý các chợ cần đảm bảo các gian hàng đủ điều kiện thông thoáng, lối mua hàng 1 chiều, 100% người dân đến chợ đảm bảo khoảng cách an toàn và quét mã QR Code để hỗ trợ công tác truy vết khi phát hiện ca F0. Trước khi đến chợ mua hàng, người dân cần rửa tay sát khuẩn để tránh lây nhiễm cho người bán hoặc qua hàng hóa để lây nhiễm cho khách hàng khác. Sau khi mua hàng về cần rửa tay, sát khuẩn…
Liên quan đến mô hình bảo vệ các "vùng xanh" an toàn như TP.HCM đã triển khai trong thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, những ngày qua, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã triển khai "vùng xanh" an toàn, điển hình là quận Hoàng Mai đã khởi động hơn 50 "vùng xanh" ở khắp các phường, tổ dân phố.
Bên cạnh đó cần xác định "vùng đỏ" đã bị phong tỏa rất chặt, F0 không thể lây nhiễm ra cộng đồng, còn "vùng xanh" là vùng an toàn, chưa có ca bệnh không để cho dịch bệnh xâm nhập và lây lan.
Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, nên nhân rộng hiệu quả các mô hình này tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, để dễ dàng trong việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh và có đáp ứng phù hợp ở từng địa bàn.