PGS. TS Trần Đình Thiên: 'Quy hoạch quốc gia cần mượn sức mạnh thời đại để đi lên'
Để Quy hoạch tổng thể quốc gia có thể phát huy được mục tiêu là tạo ra bước tiến mới cho đất nước, PGS.TS Trần Đình Thiên đặc biệt nhấn mạnh việc bản Quy hoạch này cần nhìn thấy trước cả những lợi thế mới chuẩn bị xuất hiện.
Tại hội nghị Thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 14/9, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc rất mới, chưa từng có trong tiền lệ, cần có tầm nhìn xa nhất là khi bối cảnh quốc tế có những thay đổi phức tạp.
Do đó, theo ông, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần lưu ý những yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển tổng thể của nền kinh tế.
Cụ thể, về hình thể đất nước Việt Nam có nhiều biên giới, ít phần nội địa, ông Thiên chỉ ra đây là điểm quy định bố trí kinh tế như thế nào để tận dụng được lợi thế của đất nước.
Đối với một đất nước nhiều biên giới thì không thể không mở cửa và phải coi mở cửa là yếu tố tạo ra sức mạnh. “Từ trước đến nay, Việt Nam đã mở cửa tốt, nhưng tận dụng lợi thế để mở cửa thì chưa tốt, vì chưa tạo ra được năng lực cần thiết để biến những thời cơ thành cơ hội do mở cửa mang lại”, ông Thiên đánh giá.
Liên quan đến vấn đề không gian biên giới lãnh thổ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, một quốc gia ở cạnh quốc gia nào là điều cần lưu ý trong bố trí kinh tế để tận dụng lợi thế và hạn chế khó khăn, nhất là về cửa khẩu và cảng biển.
Trong khi đó, bản Quy hoạch tổng thể quốc gia đã liệt kê những tiềm năng điều kiện sẵn có nhưng để Quy hoạch này đạt được mục tiêu đề ra là tạo bước tiến mới trong phát triển thì Quy hoạch cần nhìn thấy cả những lợi thế mới chuẩn bị xuất hiện.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
“Nhiều vùng, nhiều địa phương có những điểm bất lợi đang dần chuyển thành lợi thế dưới tác động của hội nhập quốc tế, của biến động tình hình thế giới. Nhất là trong bối cảnh biến động thế giới và khu vực sẽ làm xuất hiện những lợi thế mới của đất nước. Điều này rất quan trọng. Đó chính là cách Việt Nam mượn sức mạnh thời đại để đi lên”.
Phân tích thêm về điều này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, nhiều địa phương, nhiều vùng đang chứng kiến sự đảo ngược tình thế. Các tỉnh miền Trung vốn được coi là khó khăn như Quảng Bình, Quảng Trị đang xuất hiện những lợi thế mới. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, việc hình thành cấu trúc năng lượng mới cùng với thời đại kinh tế xanh đang thúc đẩy thay đổi tư duy về lợi thế phát triển của các địa phương.
Trong khi đó, thời gian vừa qua, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang suy giảm tốc độ tăng trưởng. “Tại sao nhân lực, công nghệ đổ vào vùng này nhiều mà vẫn suy giảm tăng trưởng? Đây là trung tâm phát triển lớn mà xảy ra tình hình đó là điều cần xem xét kỹ”, ông Thiên đặt câu hỏi.
Nhân cơ hội này, vị chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên tổng kết đánh giá lại các vùng trong cả nước. Không phải chỉ để kiểm điểm từng vùng mà để xác định vai trò mỗi vùng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, tạo ra sự cộng hưởng sức mạnh của nền kinh tế.
Một số vùng đề nghị nên chia thành các tiểu vùng, là cơ sở để kiến tạo vùng sau này bởi các vùng quá dài, quá rộng sẽ khó để liên kết với nhau. Trong liên kết vùng cũng không nhất thiết phải đặt các địa phương giống nhau vào một vùng mà đôi khi điểm khác biệt sẽ tạo nên lợi thế cho sự liên kết.
Nói thêm về chiến lược biển, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, khi đặt tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch quốc gia phải có tầm nhìn đại dương chứ không chỉ là kinh tế biển Đông. Những ngành nghề liên quan đến kinh tế biển chủ yếu hiện nay vẫn còn thô sơ, chủ yếu trên cạn và những ngành nghề dưới biển còn chưa có tầm nhìn tương xứng.
“Đại dương là của loài người, những nước nào gần biển đều đang muốn vươn ra đại dương, Việt Nam không thể chỉ giữ tầm nhìn ven bờ đến tận năm 2050. Trong khi những nước trong khu vực đã đưa ra tầm nhìn khác hẳn, công nghệ hiện đại, Việt Nam cần thay đổi tầm nhìn để thực hiện khát vọng trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển đến năm 2050”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Những góp ý của ông Thiên đều đồng nhất với định hướng nhiệm vụ lớn được đề ra cho Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong đó xác định các quan điểm lớn về phát triển quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.
Cùng với đó, Quy hoạch cũng xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay. Quy hoạch sẽ lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất (vùng lõi) để hình thành các vùng động lực quốc gia. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Mục tiêu chính: (i) Nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ. (ii) Kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia. (iii) Kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế. (iv) Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới; bảo vệ môi trường; bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên.
Nội dung chính: Tập trung nghiên cứu phân vùng chức năng, trong đó trọng tâm là bố trí không gian cho các ngành kinh tế chính, các đô thị lớn, các hành lang kinh tế. Xác định vùng trung tâm (động lực) tăng trưởng, các khu vực bảo tồn, các khu vực phòng ngừa thảm họa; kết nối hài hòa đô thị - nông thôn.
Nguồn: Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.