PGS. TS Trần Thành Nam: 'AI là công cụ hỗ trợ, không thay thế được sự nỗ lực của học sinh'
Tại talk show 'Thi cử nhẹ nhàng cùng AI – Nhẹ nhàng vượt ngàn bài thi' thuộc chương trình 'Tiếp sức mùa thi 2025', PGS. TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã có những chia sẻ sâu sắc, giúp học sinh định vị lại vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình ôn thi, đồng thời cảnh báo những rủi ro nếu sử dụng AI thiếu định hướng.
“AI không thể học thay bạn. Nó chỉ là công cụ giúp học dễ hơn nếu bạn biết cách sử dụng”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
AI – Người bạn đồng hành hay cái bẫy ngọt ngào?
PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, AI đang dần trở thành công cụ phổ biến trong học tập, đặc biệt trong giai đoạn ôn thi THPT khi học sinh có nhu cầu luyện đề, ghi nhớ kiến thức, xây dựng sơ đồ tư duy… Những công cụ như ChatGPT, Copilot, hay phần mềm tạo flashcard có thể hỗ trợ đáng kể trong việc tiết kiệm thời gian, hệ thống hóa thông tin.

PGS. TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục ĐHQG Hà Nội).
Tuy nhiên, ông cảnh báo, nếu lạm dụng AI mà không có tư duy phản biện, người học dễ rơi vào trạng thái “học hộ”, dẫn đến mất khả năng tự học và phân tích.
“Rất nhiều học sinh đặt câu hỏi, lấy đáp án từ AI mà không hiểu tại sao lại có kết quả như vậy. Dần dần, các bạn trở thành người tiêu dùng thông tin một cách bị động. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm trong học tập”, PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ thêm
“Tăng năng suất” hay “giảm chất lượng”?
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu tâm lý học đường, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, AI có thể tăng năng suất học tập, nhưng chỉ khi người học biết kiểm soát hành vi, có mục tiêu học rõ ràng và sử dụng AI như một trợ lý, không phải “người làm thay”.
Ông lấy ví dụ: Học sinh có thể dùng AI để gợi ý cách lập kế hoạch ôn thi, hoặc tạo bộ câu hỏi trắc nghiệm cá nhân hóa theo từng môn. Nhưng sau đó, các em phải tự làm, tự sửa lỗi, và tự đánh giá lại kiến thức của mình.
“AI là công cụ tuyệt vời giúp học sinh chủ động hơn trong học tập, nhưng AI không phải là phép màu. Học thực chất vẫn cần mồ hôi và thời gian”, PGS. TS Trần Thành Nam nói.
Vai trò của nhà trường và phụ huynh
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, một trong những nguy cơ hiện nay là học sinh tiếp cận AI sớm nhưng thiếu kỹ năng nhận diện thông tin sai lệch hoặc không có định hướng sử dụng đúng. Do đó, nhà trường và phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, giám sát và đồng hành cùng học sinh trong quá trình học tập với AI.

Talk show “Thi cử nhẹ nhàng cùng AI – Nhẹ nhàng vượt ngàn bài thi” nằm trong chuỗi hoạt động 'Tiếp sức mùa thi 2025'.
Ông đề xuất, giáo viên nên tích hợp các hoạt động sử dụng AI có định hướng trong lớp học, như giao nhiệm vụ học tập với sự hỗ trợ của công cụ AI nhưng yêu cầu học sinh phản biện, trình bày lại kiến thức theo cách của riêng mình.
“Cần dạy học sinh cách hỏi AI đúng, cách kiểm chứng thông tin, cách dùng AI để mở rộng tư duy chứ không phải để rút ngắn con đường học tập một cách máy móc”, PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ.
“AI không phải là đối thủ hay ‘ông thầy’ toàn năng. AI chỉ thực sự hữu ích khi học sinh giữ được sự chủ động, có tư duy phản biện và biết rõ mục tiêu học tập của mình”, PGS. TS Trần Thành Nam khẳng định.
Talk show “Thi cử nhẹ nhàng cùng AI – Nhẹ nhàng vượt ngàn bài thi” nằm trong chuỗi hoạt động 'Tiếp sức mùa thi 2025', do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp cùng Bộ GD - ĐT, Báo Thanh Niên tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Thiên Long.