PGS.TS VŨ THƯ: TẠO HÀNG LANG PHÁP LÝ THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Phòng thủ dân sự là một trong 06 dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (10/2022). Quan tâm đến dự luật, PGS.TS Vũ Thư, Viện Nhà nước và pháp luật cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự là vô cùng cần thiết, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ cho hoạt động phòng thủ dân sự...

 PGS.TS Vũ Thư, Viện Nhà nước và pháp luật

PGS.TS Vũ Thư, Viện Nhà nước và pháp luật

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được bố cục thành 7 chương, 75 điều, nội dung Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 6 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động phòng thủ dân sự. Phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.

Tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng thủ dân sự, PGS.TS Vũ Thư cho rằng, phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng của phòng thủ quốc gia luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng; phòng thủ dân sự liên quan tới mọi lĩnh vực của đất nước và là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, với sự tham gia của mọi người dân. Trước những diễn biến khó lường, phức tạp của tình hình thiên tai, dịch bệnh, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, những biến động của tình hình thế giới, khu vực thì việc ban hành luật này là cần thiết.

Bình luận về quy định tại dự thảo Luật, PGS.TS Vũ Thư cho biết, Luật Phòng thủ dân sự được phát triển lên từ Nghị định 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 2019 Về phòng thủ dân sự và ra đời sau các luật quy định về thảm họa, sự cố ở các lĩnh vực khác nhau như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Phòng cháy, chữa cháy…Vì vậy cần phải xem xét vị trí, vai trò, mối quan hệ của Luật Phòng thủ dân sự với các văn bản pháp luật đã có. Từ đó, xác định nội hàm cần điều chỉnh và giá trị của các quy định của Luật Phòng thủ với các luật đã có, pháp luật về phòng thủ dân sự nói chung.

Theo PGS.TS Vũ Thư, trong Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự số 262/TTr-CP xác định về sự cần thiết vận hành Luật Phòng thủ dân sự nêu 2 lý do đáng chú ý: (1) Việc xây dựng đạo luật về phòng thủ dân sự là rất cần thiết nhằm bổ khuyết vào những khoảng trống của pháp luật hiện hành, bao quát đầy đủ hoạt động PTDS; (2) Việc xây dựng đạo luật về phòng thủ dân sự nhằm khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật, bao quát các quy định pháp lý về phòng thủ dân sựnâng thành một đạo luật để áp dụng thống nhất.

Phân tích về vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật liên quan khác và ngay trong nội dung dân chủ của dự Luật, PGS.TS Vũ Thư cho rằng, với 75 điều dự thảo Luật có thể làm được việc “bổ khuyết vào những khoảng trống của pháp luật hiện hành” và “bao quát đầy đủ hoạt động phòng thủ dân sự” (được hiểu là sự bao quát nét chung, cơ bản). Nhưng “khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật, dưới luật, bao quát các quy định…thành một đạo luật…” thì không thể. Vì vậy, Luật này chỉ có thể làm được việc bổ khuyết và quy định bao quát các vấn đề phòng thủ dân sự, không thể là Luật nhằm pháp điển hóa lĩnh vực PTDS.

PGS.TS Vũ Thư nhấn mạnh đây là Luật giữ vị trí, vai trò là quy định chung trong quan hệ với các văn bản pháp luật các lĩnh vực khác nhau về phòng thủ dân sự. “ Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự phải quy định bao quát và chung các quan hệ xã hội và là văn bản luật quy định chung về phòng thủ dân sự là “cái chung”. Các Luật, văn bản pháp luật khác về phòng thủ dân sự trong các lĩnh vực khác là “cái riêng”, quan hệ giữa chúng là cái chung và cái riêng. Nhưng về vai trò thì Luật Phòng thủ dân sự là Luật chi phối các Luật liên quan đến phòng thủ dân sự ở các lĩnh vực.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, theo PGS.TS Vũ Thư, phạm vi điều chỉnh chỉ nói về “hoạt động” trong khi vấn đề “tổ chức” rất quan trọng. Do đó, nên xác định “tổ chức” đi cùng với “hoạt động” như là sự kế thừa quy định tại Điều 1 của nghị định về phòng thủ dân sự hiện hành.

Về giải thích từ ngữ, trong dự luật cần xác định khái niệm “Phòng thủ dân sự” và khái niệm “thảm họa” là gì. PGS. TS vũ Thư cho rằng, đây là Luật áp dụng chung về phòng thủ dân sự, không thể lấy khái niệm ở Luật Quốc phòng để xem như quy định chung cho tất cả. Luật Quốc phòng chủ yếu là nêu khái niệm có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng không thể bao quát cho tất cả các lĩnh vực phòng thủ dân sự.

Ngoài ra, giữa các khái niệm “Phòng thủ dân sự”, “thảm họa” trong Luật Quốc phòng và “sự cố” trong dự thảo Luật có cách trình bày khác nhau cần thống nhất trong dự thảo Luật.

PGS.TS Vũ Thư cũng kiến nghị cân nhắc giải thích một số khái niệm có thể gây khó cho người đọc như: “giải pháp công trình và phi công trình”…

Liên quan đến quy định về chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự, theo PGS.TS Vũ Thư không cần thiết có quy định về chính sách trong một văn bản pháp luật. Vì pháp luật là sự thể chế hóa chính sách cụ thể là trong các quy định về quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm của các chủ thể pháp luật. Chính sách phòng thủ dân sự phải được thể hiện trong các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đó. Hợp lý hơn, nếu để ở dạng chung tư tưởng, quan điểm thì các chính sách có thể chuyển thành các quy định nguyên tắc.

Bên cạnh đó, PGS.TS cũng đóng góp nhiều quan điểm cụ thể đối với quy định về Hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự về các hành vi bị nghiêm cấm; áp dụng pháp luật; quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự;…

Trong đó, PGS. TS đề xuất nên chăng chỉ quy định trong Chương này nội dung của quản lý nhà nước. Không quy định quá cụ thể, những vấn đề cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý chỉ quy định chung cho các Bộ, ngành, cấp cụ thể hơn sẽ do các luật về từng lĩnh vực cụ thể quy định, vì ngoài Luật Phòng thủ dân sự, vẫn còn các luật về từng lĩnh vực của phòng thủ dân sự.

Một số vấn đề liên quan Luật sẽ dành cho nghị định của Chính phủ quy định chi tiết cùng với quy định về các Ban chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67597