PGS Văn Như Cương và những câu chuyện chưa bao giờ kể

40 năm kể từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với PGS Văn Như Cương, nhà thơ - nhà báo Trần Hữu Việt đã lưu giữ rất nhiều kỷ niệm về sự 'tiếp duyên' giữa người thầy đáng kính với các thế hệ trong gia đình anh. Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện cùng con trai cố nhà văn Hữu Mai về vùng ký ức đầy yêu thương, khắc khoải.

Thưa anh, được biết anh và gia đình đã có khoảng thời gian khá dài tiếp xúc với PGS Văn Như Cương. Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm về người thầy đặc biệt này?

- Kỷ niệm thì có nhiều, nhưng để tôi kể chuyện này. Cách đây khoảng 40 năm, trong tiểu thuyết "Vùng trời" (tập 1) vừa xuất bản của cha tôi (cố nhà văn Hữu Mai - PV) có nhân vật một ông giáo già suốt đời bỏ công nghiên cứu để tìm cách chứng minh rằng, có một hằng số toán học khác có thể thay thế con số pi (π) mà theo ông là chưa chính xác. (Pi tỷ số giữa chu vi đường tròn với đường kính của đường tròn đó, được sử dụng trong rất nhiều công thức toán học, đặc biệt là lượng giác và hình học).

Một hôm cha tôi có khách, tôi khi ấy còn nhỏ, đang học trung học cơ sở được ngồi hóng chuyện. Vị khách giới thiệu mình là thầy giáo dạy môn hình học, rất thú vị với ý tưởng của nhân vật trong cuốn sách và ngỏ ý tìm gặp nguyên mẫu.

Sau khi nghe cha tôi giải thích đó chỉ là một nhân vật hư cấu, hai bên đã quay sang trò truyện vui vẻ về văn chương. Cha tôi rất vui vì có một bạn đọc hiểu biết và giàu năng lực cảm thụ văn học như thế. Vị khách đó tên là Văn Như Cương.

Đó là lần đầu tôi gặp ông và phải bẵng đi nhiều chục năm sau tôi mới có dịp gặp lại khi con trai tôi thi đỗ vào lớp 10 trường Lương Thế Vinh. Khi tôi hỏi con muốn tặng phần thưởng gì, cháu chỉ xin, nếu được, cho gặp thầy hiệu trưởng Văn Như Cương, thần tượng của cháu.

Buổi gặp ấy đa phần là anh em văn nghệ sĩ bạn tôi, cháu được xếp ngồi cạnh thầy. Thầy hỏi, con xin gặp thầy, có muốn nói điều gì không? Cháu đáp, con xin cảm ơn thầy ạ.

"Con thi đủ điểm vào trường, lại chưa đi học ngày nào, sao lại phải cảm ơn?" - thầy hỏi vui. Thấy cháu lúng túng, tôi nói đỡ, cháu muốn cảm ơn thầy vì đã dựng lên ngôi trường tuyệt vời để các cháu được đến học tập.

Thầy cười: "Nếu vậy thì tôi cũng phải cảm ơn cháu nội một nhà văn mà tôi ngưỡng mộ đã chọn vào học ở trường của tôi!"

Hôm ấy, ông đã trò chuyện thân mật với cháu, nói cho cháu nghe về khát vọng, hoài bão của thanh niên thời nay một cách giản dị: “Làm gì thì làm, nhưng phải trở thành người tử tế”.

Tôi nhìn thấy ở ông qua ánh mắt của con mình một nhà sư phạm minh triết và hấp dẫn. Sở dĩ tôi nhớ kỷ niệm riêng tư này bởi thấy nó giống như sự tiếp duyên từ ông tới cháu, từ thầy đến trò qua cái cầu nối văn chương.

Và tôi cũng biết, ông luôn dành sự ưu ái cho con cháu, người thân của văn nghệ sĩ, giúp hết sức trong phạm vi có thể. Điều đó có thể xuất phát từ tình yêu của ông với văn chương. Nếu không trở thành một nhà sư phạm đau đáu với nền giáo dục, tôi nghĩ chắc chắn ông sẽ là nhà văn.

Nhà thơ Trần Hữu Việt thăm PGS Văn Như Cương khi ông nằm trên giường bệnh

Nhà thơ Trần Hữu Việt thăm PGS Văn Như Cương khi ông nằm trên giường bệnh

Nếu để nói về nét đặc biệt trong cá tính, tài năng của thầy Văn Như Cương, anh sẽ chia sẻ gì?

- Theo quan sát của tôi, ông là người thẳng thắn, rõ ràng, có khí phách. Những năm cuối đời, mặc dù bị bệnh hiểm nghèo nhưng ông luôn lạc quan, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Những lúc khỏe lại, ông hay mời anh em văn nghệ, cùng đàn, hát những bài hát tiếng Nga và nói chuyện… tiếu lâm.

Tôi rất thích ngồi xem ông đánh cờ với dịch giả Đoàn Tử Huyến. Với anh em văn nghệ sĩ, không phân biệt lớn nhỏ, ông luôn thể hiện sự thân thiết, chân tình, hòa đồng.

Ông nghiêm khắc nhưng đầy trắc ẩn. Tôi chứng kiến một kỳ thi vào trung học cơ sở tại trường Lương Thế Vinh. Gần như tất cả phụ huynh đưa con đi thi đều đứng chờ ở cổng trường, bồn chồn, lo lắng.

Bỗng xuất hiện một ông lão gầy gò mặc chiếc áo mỏng (dường như là mặc vội) mở cổng trường, thân mật trò chuyện với các ông bố bà mẹ đáng tuổi con mình, nhắc mọi người bình tĩnh, trật tự cho các con làm bài. Đó là thầy Văn Như Cương, lúc ấy đã ốm lắm rồi.

Cứ như tôi thấy thì ông là tổng hòa tính cách của một “đồ Nghệ” và một người đã từng du học ở Nga (ông làm luận án Tiến sĩ toán học ở Viện Toán học, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô năm 1971), thấm đẫm tinh thần và văn hóa Nga. Nói một cách ngắn gọn thì ông là một nhà sư phạm, một người thầy nghiêm-khắc-yêu- thương.

PGS Văn Như Cương ân cần trò chuyện với con trai nhà thơ Hữu Việt

PGS Văn Như Cương ân cần trò chuyện với con trai nhà thơ Hữu Việt

Nhiều người cho rằng, ở môi trường giáo dục, trường Lương Thế Vinh có nét đặc thù riêng, học sinh trường này bước ra ngoài vẫn có những dấu hiệu để nhận diện được. Anh đánh giá thế nào về mô hình giáo dục ở đây?

- Vừa rồi có một số ý kiến trên mạng xã hội facebook làm nhiều người nghĩ không đúng và chưa đầy đủ về ông và trường Lương Thế Vinh. Cho dù tôn trọng sự khác biệt và tự do ý kiến thì tôi vẫn thấy là một sự bất công. Tôi phản đối cách giáo dục hà khắc, áp đặt; nhưng tôi ủng hộ cách dạy dỗ “yêu cho roi cho vọt” theo nghĩa rộng của thành ngữ này.

Chúng ta vừa muốn con cháu chúng ta là “con ngoan trò giỏi” lại vừa muốn chúng được thoải mái, không bị kiểm soát, trừng phạt khi mắc lỗi trong bối cảnh xã hội không còn được an toàn như xưa với lứa tuổi của chúng, nếu không nói là rất nhiều cám dỗ, cạm bẫy.

Từ kinh nghiệm cá nhân (có thể không đầy đủ), tôi thấy thật sự yên tâm khi gửi gắm con mình vào môi trường giáo dục. Tôi không học ở trường Lương Thế Vinh một ngày nào, nhưng tôi có thể nhìn nó qua lăng kính của các con mình. Con tôi sau khi ra trường vẫn tha thiết muốn về trường chơi mỗi khi có dịp.

Hôm qua, khi nghe tin thầy mất, cháu đã khóc và nhắn một tin dài vuốt mỏi tay mới đọc hết những lời chia buồn đau đớn, chững chạc của một người lớn cho con gái thầy - cô giáo nghiêm khắc của cháu. Tôi không nói con mình đại diện cho số đông, nhưng tôi tin vào tình cảm, vào những điều tốt đẹp luôn hiện hữu sòng phẳng và luôn mang sức thuyết phục tự thân.

Có quan điểm tỏ ra lo ngại khi PGS Văn Như Cương qua đời liệu tinh thần trường Lương Thế Vinh có còn giữ được? Theo anh nên nhìn nhận câu chuyện này thế nào cho thấu đáo?.

- Sự lo ngại đó có thể hiểu được. Nhưng nếu không có cơ sở, sẽ dễ mất tỉnh táo, trở thành lo nghĩ, bi quan. Một ngôi trường có bề dày giáo dục gần 30 năm, lại phù hợp với xu thế hiện nay với những thành công đáng kể, không thể dễ dàng “mất tinh thần” được.

Lẽ dĩ nhiên, mọi sự vật, hiện tượng cần phải được nhìn nhận trong quá trình vận động của nó, tính đến sự thay đổi và tác động của khách quan để có những điều chỉnh phù hợp.

Tôi tin tâm huyết và tinh thần của thầy Văn Như Cương sẽ được tiếp nối một cách khỏe khoắn, thuyết phục bằng sự nỗ lực chung của tất cả mọi người.

Dưới góc độ của người cầm bút và một người quan sát, tôi thấy thầy đã làm nên một “hiện tượng Văn Như Cương” độc đáo trong giáo dục vài chục năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Cảm ơn nhà thơ-nhà báo Trần Hữu Việt về cuộc trò chuyện!

Thành Nam (thực hiện)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/pgs-van-nhu-cuong-va-nhung-cau-chuyen-chua-bao-gio-ke-20171010084246168.htm