PGS Vũ Quang Hiển: Người thầy tận tâm với nghề, tận tụy với trò, tận hiến với Sử
'Sự ra đi của thầy là mất mát lớn đối với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ngành Lịch sử của nước nhà', Giáo sư Vũ Dương Ninh chia sẻ.
Thông tin, Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển - nguyên giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội qua đời ngày 29/8 khiến nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp nghẹn ngào tiếc thương.
Người thầy mang trong mình phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh không kìm nén được cảm xúc khi nói về cậu học trò, sau này trở thành đồng nghiệp cùng giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Tôi biết nhiều hơn về thầy Hiển khi thầy về công tác tại Khoa Lịch sử. Thầy Hiển là một giảng viên có chuyên môn vững vàng, chịu khó nghiên cứu, chịu khó đọc, chịu khó viết và thường xuyên cập nhật thông tin mới. Cũng chính vì vậy, trong các bài viết của thầy rất nhiều ý tưởng hay.
Thầy còn là người đạo đức, chừng mực, có trách nhiệm với học trò, đồng nghiệp. Từng đi bộ đội và là thương binh, thầy mang trong mình phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ. Đứng trước những phức tạp, khó khăn của cuộc sống, thầy Hiển luôn giữ vững lập trường, niềm tin và sự lạc quan", Giáo sư Vũ Dương Ninh nói.
Tới thăm thầy Hiển trong khi điều trị bệnh, đối với Giáo sư Vũ Dương Ninh, đây là khoảng thời gian khó quên, khiến ông cảm động và trân quý hơn tấm lòng của người học trò đặc biệt này.
"Thầy Hiển luôn nhắc học trò nhắn tôi đừng tới thăm thầy nữa. Thầy nói rằng không thể để người thầy 90 tuổi đến thăm trò chỉ mới hơn 70. Thế nhưng, khi tôi đến, dù bệnh tật, đau đớn là vậy, thầy vẫn tỉnh táo, hăng say nói với tôi các vấn đề chuyên môn, thế sự.
Lửa nghề trong thầy chưa bao giờ tắt. Sự ra đi của thầy là mất mát lớn đối với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ngành Lịch sử của nước nhà", Giáo sư Vũ Dương Ninh xúc động.
Là người có nhiều thời gian gặp gỡ, gắn bó với Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra của thầy Hiển - người thầy thẳng thắn, sắc sảo, bản lĩnh, tận tâm với nghề, tận tụy với trò và tận hiến với Sử.
"Thầy không phải là giáo viên dạy trực tiếp tôi thời cấp 3, đại học hay cao học nhưng tôi có may mắn được thầy dành tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ gần 20 năm qua.
Kỷ niệm khó quên nhất là năm 2015, tôi cùng thầy thường xuyên gọi điện, nhắn tin, trao đổi về môn Lịch sử, cùng lên tiếng để giữ lại tên môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2015, sau được thay bằng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khoảng thời gian đó, ngôi nhà của thầy Hiển ở đường Lương Thế Vinh và nhà thầy Phan Huy Lê ở ngõ Vọng Đức trở thành nơi hội ngộ quen thuộc của tôi và thầy Hiển.
Với tôi, thầy Hiển là một nhà giáo, một nhà khoa học xuất sắc về kiến thức chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành Lịch sử Đảng và Lịch sử quân sự Việt Nam", thầy Trần Trung Hiếu xúc động chia sẻ.
Căn dặn học trò phải "sống đúng với nghề"
Còn trong ký ức của thầy Lê Đình Hiển, giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Đông Bắc Ga (Thanh Hóa), Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển là một thầy giáo nhiều tuổi, bận bịu và vô cùng tâm huyết.
"Còn nhớ năm 2018, tôi đã trực tiếp mời thầy tham gia vào Diễn đàn khối C trên facebook và làm chuyên gia cố vấn môn Lịch sử trực tuyến cho học sinh và giáo viên cả nước. Khi đó, Diễn đàn khối C là diễn đàn học tập khối C lớn nhất Việt Nam với gần 200.000 thành viên.
Năm 2019, chúng tôi tiếp tục mời thầy tham gia Hội giáo viên dạy môn Lịch sử, một diễn đàn của hơn 12.000 giáo viên dạy Lịch sử cả nước với vai trò quản trị viên. Thầy đã có nhiều đóng góp cho Hội. Tính thầy nhiệt tình, cẩn trọng, nghiêm túc. Trong công việc, thầy rất nhiệt huyết, nói và làm đều đi đôi với nhau, có lẽ vì tính cách, dòng máu của một người lính vẫn luôn luôn chảy trong thầy", thầy Lê Đình Hiển nhớ lại.
Là học trò kề cận bên Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vân, hiện đang công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia nói rằng, việc thầy bị bệnh hết sức bất ngờ vì trước đó, thầy có thể trạng rất tốt.
Dù có lúc tin, có lúc không tin, có lúc phải tự trấn an bản thân vượt qua bạo bệnh, thầy vẫn luôn dành thời gian cho công việc, chủ động sắp xếp để gặp học trò, nghiên cứu sinh, trả lời phỏng vấn báo chí. Thầy đã cố gắng để có thể làm nhiều hơn, hoàn thành trọn vẹn những việc còn dang dở.
"Chứng kiến quá trình thầy chiến đấu với bệnh tật, tôi rất khâm phục thầy. Với ý chí, nghị lực của một người lính, thầy đã rất can trường.
Trong những ngày cuối đời, thầy căn dặn tôi phải sống hết mình, sống đúng với nghề, nghiêm túc phấn đấu cho sự nghiệp. Thầy ví con người giống như cái cây, đã cố gắng nở ra những bông hoa thì phải làm sao để kết được trái ngọt.
Những câu chuyện thầy kể, những lời thầy nói sẽ còn mãi trong tâm trí tôi. Đó cũng là động lực để tôi làm nghề, làm người tử tế, không phụ sự tin yêu của thầy", Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vân nói.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển đã qua đời vào hồi 9h50 ngày 29/8/2022 (tức ngày 3/8 năm Nhâm Dần).
Lễ viếng được tổ chức vào hồi 16h ngày 31/8/2022 (tức ngày 5/8 năm Nhâm Dần) tại Nhà tang lễ - số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 17h cùng ngày. An táng tại nghĩa trang quê nhà: xã Khánh Thiện - huyện Yên Khánh - tỉnh Ninh Bình.