Phá án tàu cá vẽ biển số giả tổ chức cho người xuất, nhập cảnh trái phép

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau mới bàn giao hồ sơ khởi tố điều tra vụ án truy xét đường dây tội phạm 'Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép' liên quan đến tàu cá vẽ biển số giả CM 99840 TS khai thác thủy sản vi phạm vùng biển Thái Lan bị bắt giữ.

Ban Chuyên án CM324 - BĐBP tỉnh Cà Mau họp triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ban Chuyên án CM324 - BĐBP tỉnh Cà Mau họp triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Theo điều tra ban đầu của Ban Chuyên án CM324 BĐBP tỉnh Cà Mau, trước đó, ngày 22/9/2023, ông Ngô Văn Luận (SN 1968, ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) mua tàu cá KG 90309 TS của ông Nguyễn Văn Lễ (Kiên Giang) với giá 490 triệu đồng.

Đến ngày 7/10/2023, ông Ngô Văn Luận bán lại tàu cá KG 90309 TS cho ông Phạm Văn Dũng (SN 1978, thường trú tại Khu phố 6, phường Vĩnh Thông, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) với giá 350 triệu đồng. Hình thức thanh toán là ông Dũng trả cho ông Luận 250 triệu đồng tiền mặt, còn lại 100 triệu đồng ông Luận hùn vốn cùng ông Dũng để cùng sử dụng tàu cá KG 90309 TS khai thác thủy sản trên biển (làm nghề cào chân châu).

Đồng thời, ông Luận giao lại cho ông Dũng chịu trách nhiệm quản lý điều hành mọi hoạt động của tàu cá KG 90309 TS và sửa chữa tàu. Lợi nhuận khai thác, ông Dũng được hưởng nhiều hơn ông Luận. Cùng với đó, ông Luận giới thiệu Phan Văn Tình (SN 1990), Phan Văn Thiệt (SN 1988, cùng thường trú tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho ông Dũng để làm thuyền viên tàu cá trên.

Khi mua tàu xong, ông Dũng thuê thợ sửa chữa và sơn lại số đăng ký (CM 99840 TS) và làm giả hồ sơ đăng ký tàu cá. Sau đó, ông Dũng thuê ông Tình làm thuyền trưởng, ông Thiệt, ông Trần Văn Phương, ông Nguyễn Việt Khái và ông Nguyễn Văn Thanh làm thuyền viên tàu cá, khi tàu cá khai thác tại tọa độ 07046,3’N-100053,8’E, cách phao đèn ở cửa Kênh Songkhla (Thái Lan) 46,7 hải lý thì bị lực lượng chức năng của Thái Lan bị bắt giữ.

Tàu cá vi phạm vùng biển Thái Lan bị bắt giữ (Ảnh: Đồn Biên Phòng Sông Đốc cung cấp).

Tàu cá vi phạm vùng biển Thái Lan bị bắt giữ (Ảnh: Đồn Biên Phòng Sông Đốc cung cấp).

Qua nhiều nguồn tin, Ban Chuyên án CM324 BĐBP tỉnh Cà Mau biết được 5 ngư dân (Tình, Thiệt, Phương, Khái, Thanh) cùng làm việc trên 1 tàu cá và đã bị Thái Lan bắt giữ.

Đơn vị chức năng xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép”, theo quy định tại Điều 348, Bộ luật hình sự và tham khảo tại Điều 3, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, về “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản” và Hướng dẫn số 1557/VKSNDTC-V1 ngày 25/4/2021 của VKSNDTC, về việc “Hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng các điều 347, 348 và 349 Bộ Luật hình sự” liên quan trực tiếp đến 3 đối tượng (Ngô Văn Luận, Phạm Văn Dũng, Phan Văn Tình).

Trao đổi nghiệp vụ với VKSND, Công an tỉnh Cà Mau, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau thống nhất xác định: Vụ việc có dấu hiệu tội phạm “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép”, theo quy định tại Điều 348, Bộ luật hình sự và đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự.

Ngày 15/7/2024, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép”, quy định tại Điều 348 Bộ Luật hình sự, xảy ra tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Đồng thời bàn giao hồ sơ vụ án cho Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục điều tra, xử lý theo luật định.

Trọng Nghĩa - Hoàng Tá

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/pha-an-tau-ca-ve-bien-so-gia-to-chuc-cho-nguoi-xuat-nhap-canh-trai-phep-post522422.html