Phá bỏ rào cản trên từng bước đi

'Chúng tôi hy vọng, trong 10 năm tới, sẽ không còn ai phải sống chung với chiếc xe lăn nữa'. Đó là ước mơ vô cùng bình dị nhưng cũng đầy tham vọng của đội ngũ các nhà sáng lập startup Wandercraft.

Từ ước muốn của người thân

Nicolas Simon (trong ảnh, thứ hai, từ phải sang) từng cảm thấy bất lực khi đối mặt căn bệnh Charcot của người anh trai. Chứng bệnh di truyền quái ác khiến các tế bào thần kinh dần thoái hóa đến mức tê liệt hoàn toàn. Theo đó, các cơ ở chân, bàn tay, bàn chân suy yếu, giảm vận động rồi dần mất cảm giác. "Tại sao chúng ta không có gì để cung cấp cho những bệnh nhân này? Cơ thể con người không được sinh ra để ngồi cả ngày như vậy!" Nicolas luôn dằn vặt mỗi ngày, khi chứng kiến người anh trai liên tục phải dùng xe lăn.

Với quyết tâm trở thành chuyên gia về robot, Nicolas đã trúng tuyển Trường đại học bách khoa Paris (École Polytechnique), cùng mục tiêu phải chế tạo bằng được một robot hai chân để giúp đỡ anh trai. Tài năng và nỗ lực của Nicolas ngay lập tức gây ấn tượng, và anh trở thành Chủ tịch Câu lạc bộ người máy. Những bản vẽ thiết kế nhanh chóng được đưa vào đời thực. Cần phải biết rằng, dù ở thời điểm đó hay tới tận bây giờ, chỉ có một số ít robot có khả năng đi bộ giống người và tất cả đều là những nguyên mẫu đắt tiền, độc nhất vô nhị.

Năm 2012, Nicolas thành lập Wandercraft với hai người bạn cùng lớp: Alexandre Boulanger và Matthieu Masselin (trong ảnh, lần lượt từ trái sang). Vài năm sau, ba người được hỗ trợ bởi doanh nhân Jean-Louis Constanza (trong ảnh, bên phải), cũng là cha của một cậu bé khuyết tật do mắc chứng bệnh thần kinh di truyền.

Hiện tại, công ty có hơn 80 nhân viên, trong đó quy tụ tới 12 tiến sĩ đầu ngành về chế tạo robot. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nicolas Simon khẳng định: "Chúng tôi cố gắng thu hút những người chơi hạng A trong mỗi lĩnh vực, những nhà toán học hàng đầu với tuổi đời còn rất trẻ. Ít có startup nào có thể tự hào về sự tập trung nhân tài như vậy".

Kiên định theo thời gian

Wandercraft vẫn luôn tập trung mọi nguồn lực với mục tiêu phá bỏ rào cản bằng cách tận dụng sự cơ động của robot hình người, giúp những người khuyết tật đi lại được. Thế nhưng, làm thế nào để robot có thể đi bộ một cách tự nhiên là trở ngại lớn nhất. Dự án đã trải qua vô số lần chậm tiến độ. Nhiều thời điểm bi quan tới mức tưởng chừng như mục tiêu không thể hoàn thành. Dẫu vậy, tất cả chưa bao giờ hoài nghi liệu họ có thể thành công hay không.

Tháng 12/2016, "bộ xương" cơ giới Atalanta đã thành công, khi giúp bệnh nhân chấn thương tủy sống đi lại rảnh tay. Những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của Atalanta cho kết quả rất đáng khích lệ. 100% số bệnh nhân liệt nửa người có thể đi bộ ít nhất 10 m với Atalanta mà không bị đau hay khó chịu. Với trọng lượng gần 70 kg, bộ xương ngoài này thích ứng với các cấu hình khác nhau từ 1,6 đến 1,9 m. Bên cạnh đó, việc bố trí sáu mô-tơ mỗi chân phục vụ hoạt động của 12 khớp khiến các chuyển động được tính toán chính xác đến từng milimet. Ngoài ra, bệnh nhân sử dụng sẽ kích hoạt một trong các chuyển động thông qua điều khiển từ xa hoặc lệnh thoại rồi ra hiệu ý định di chuyển bằng phần trên cơ thể. Atalanta cũng sở hữu một AI phân tích tình hình theo thời gian thực và cập nhật nó 1.000 lần mỗi giây.

Atalanta mang đến hy vọng sẽ không ai cần tới xe lăn nữa.

"Các phương pháp điều trị trước đây rất hạn chế, bởi dáng đi được hỗ trợ thường không giống thực tế và việc đi lại bằng nạng gây căng thẳng nhiều cho phần vai và chi trên của bệnh nhân. Sau hơn 10 năm nỗ lực tiến về phía trước, những đổi mới đột phá của chúng tôi đã giúp robot có khả năng tái tạo các chuyển động của cơ thể con người. Đây sẽ là cơ hội giúp những người bị suy giảm khả năng vận động có thể đi lại và trở lại cuộc sống gần như bình thường", Matthieu Masselin, Giám đốc điều hành Wandercraft giải thích.

Tới hy vọng cho cả xã hội

Đối với những người bình thường, việc đứng lên, đi lại hay ngồi xoay lưng trên ghế một cách thoải mái là điều mà chẳng ai cần phải suy nghĩ về nó. Tuy nhiên, với hàng triệu người khuyết tật trên thế giới, cuộc sống không hẳn dễ dàng như vậy. May mắn thay, Atalanta xuất hiện sẽ mang đến cơ hội giúp cải thiện khó khăn trên.

Năm 2019, Atalanta đã được bán trên thị trường với giá khoảng 176.000 USD và được sử dụng chủ yếu trong các cơ sở y tế và trung tâm phục hồi chức năng ở Pháp, Bỉ, Luxembourg và Mỹ... Hiện tại, người tiêu dùng cá nhân vẫn chưa đặt mua được chú robot của Wandercraft, nhưng đó chính là định hướng mà startup nước Pháp đang cố gắng đạt được.

"Wandercraft sẽ không dừng lại cho đến khi mọi bệnh nhân được phục hồi chức năng và sự độc lập mà họ xứng đáng có được. Nhưng muốn sản phẩm được thương mại hóa thì thiết bị phải nhẹ và gọn hơn hiện tại rất nhiều, đi kèm giá cả phải chăng hơn. Với số tiền tương đương một chiếc xe lăn điện cao cấp, Atalanta sẽ hướng tới mục tiêu đưa vào sử dụng hằng ngày, giúp người khuyết tật dần tự chủ cuộc sống của họ", Jean-Louis Constanza, Giám đốc kinh doanh Wandercraft khẳng định.

Dẫu vậy, vẫn còn vô vàn khó khăn cần giải quyết trước khi đạt được điều này. Từ việc thu nhỏ các bộ phận cho tới khả năng đi bộ lên xuống vỉa hè, hay các công việc liên quan lắp đặt các cảm biến nhằm xác định những chướng ngại vật để vượt qua chúng một cách an toàn. Về lâu dài, Wandercraft có kế hoạch tạo ra một bộ xương ngoài được cá nhân hóa và nâng cao hơn, mang lại khả năng bảo mật và quyền tự chủ hằng ngày cho những người khuyết tật. "Chúng tôi hy vọng, trong 10 năm tới, sẽ không còn ai phải sống chung với chiếc xe lăn nữa", Jean-Louis Constanza bật mí về ước mơ vô cùng bình dị nhưng cũng đầy tham vọng của đội ngũ nhân viên Wandercraft.

Ông nhấn mạnh: "Con trai tôi, người phải ngồi xe lăn vì bệnh di truyền, một ngày nọ đã hỏi tôi tại sao robot không thể giúp nó. Hiện tại, tôi có thể khẳng định rằng, hôm nay hoặc ngày mai, cháu hoàn toàn có thể sải bước trong trường đại học một cách tự do. Sẽ có ít ràng buộc hơn với những điều con tôi không thể làm trong cuộc sống hằng ngày".

QUỲNH ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhan-vat_1/pha-bo-rao-can-tren-tung-buoc-di-682284/