Phá dỡ 6 tầng, bà chủ Mã Pì Lèng Panorama sướng rơn vì... vẫn 'hái lộc'?

Nhiều người cho rằng, việc cơ quan chức năng Hà Giang đề xuất phá dỡ đi 6 tầng vi phạm của công trình Panorama 7 tầng xây trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng, thì bà chủ khách sạn này vẫn 'sướng rơn' vì vẫn có thể thu lợi nhuận, chỉ là khoản thu, thời gian sẽ thay đổi so với những gì mà chủ Panorama đang thực hiện.

Thông tin mới nhất liên quan đến công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), mới đây, Sở Xây dựng Hà Giang đã có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả kiểm tra công trình.

Theo báo cáo, Sở Xây dựng Hà Giang cho biết chủ cơ sở chỉ cung cấp một bộ bản vẽ thiết kế công trình chưa qua thẩm định. Chủ đầu tư báo cáo hiện gia đình mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất trồng cây hàng năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất). Công trình Panorama nằm ngoài mốc giới danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, kết hợp sàn kết cấu thép làm không gian ngắm cảnh; gồm 7 tầng xây bám theo địa hình.

Qua đo đạc thực tế, cơ sở có diện tích xây dựng 226m2, diện tích sàn gần 476m2 và 78m2 sàn ngắm cảnh khung thép.

Theo khẳng định của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang thì cơ sở này nằm ngoài bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử danh thắng Mã Pì Lèng. Nhưng đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, nhà hàng Panorama nằm trong vùng hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng.

Công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng đang gây xôn xao dư luận.

Công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng đang gây xôn xao dư luận.

Đáng chú ý, về việc này, ông Hoàng A Chinh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang cho biết: "Sẽ không phạt theo hướng để cho tồn tại. Nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các thủ tục, giấy tờ thì nhà chức trách sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần nhà hàng."

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất UBND tỉnh giao cho UBND huyện Mèo Vạc cải tạo, chỉnh trang tầng âm và tầng nổi sát mặt đất để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. 6 tầng giật cấp bị đề nghị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.

Trước những thông tin về công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng, dư luận cho rằng nếu phá dỡ 6 tầng, bà chủ Mã Pì Lèng Panorama sướng rơn vì... vẫn "hái lộc"?. Bởi còn 1 tầng công trình thì vẫn hơn là bị phá dỡ hoàn toàn, tổn thất lớn.

Chia sẻ với PV, anh Hoàng Cư (Yên Bái) cho rằng: “Vị trí từ khách sạn Panorama nhìn khung cảnh xung quanh, dòng sông Nho Quế thật sự rất đẹp, điểm dừng chân này khá lý tưởng cho du khách đến Hà Giang. Tuy nhiên, việc xây dựng khách sạn Panorama 7 tầng sai phạm là không thể nào chấp nhận được, tại sao trước khi xây chủ khách sạn không xin giấy phép, cơ quan chức năng đồng ý rồi mới xây, bây giờ bị đề xuất phá dỡ 6 tầng giật cấp thì đồng nghĩa với số vốn đầu tư vào 6 tầng đó mất đi, nhưng bà nên chấp nhận vì đó lỗi do bà”.

Trong khi đó, chị Chu Tô (Hà Giang) nhấn mạnh cho rằng, khách sạn Panorama chỉ là một căn nhà xấu hoắc, vô duyên giữa khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên Mã Pì Lèng. “Nếu cá nhân, tổ chức nào cũng vô tư vi phạm như bà Vũ Thị Ánh, chủ nhân tòa nhà Mã Pì Lèng Panorama thì chỉ mấy năm nữa là vẻ hùng vĩ của đèo Mã Pì Lèng sẽ bị biến mất. Do vậy, cơ quan chức năng nên nhanh chóng xử lý, phá dỡ phần vi phạm và giữ nguyên hiện trạng ban đầu” - chị Tô bày tỏ.

“Việc mang tiền đi đổ xuống đất khi dựa vào mối quan hệ quen biết vài người như bà Vũ Thị Ánh thật lãng phí thời gian và của cải, cuối cùng bản thân bà lại là người phải hứng chịu. Nhưng pháp luật không cho phép lợi ích sai trái của một vài cá nhân làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên” - anh Văn Điệp (Cao Bằng) nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, anh Nhất Nam (Hà Nội) bày tỏ rằng, nếu ai cũng tùy ý xây dựng tràn lan trên thiên nhiên như trường hợp này thì cảnh quan thiên nhiên sẽ nhanh chóng biến mất. Hy vọng tỉnh Hà Giang sẽ nhanh chóng dỡ phần sai phạm xuống như đề xuất.

“Một bên ý kiến là bê tông làm thay đổi hiện trạng, một bên là thay đổi để phát triển kinh tế. Để một danh thắng mà không phát triển kinh tế là phí, nhưng làm gì cũng cần đúng quy hoạch, thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo thủ tục pháp lý. Cơ quan chức năng mà phá dỡ đi 6 tầng vi phạm của Panorama, thì bà chủ khách sạn này vẫn còn có thể thu được lợi nhuận, chỉ là khoản thu, thời gian thu sẽ thay đổi so với những gì mà chủ Panorama đang thực hiện” - anh Thanh Hà (Hà Nội) chia sẻ quan điểm.

Trước đó, bày tỏ quan điểm trước vấn đề này với PV Kiến Thức, Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Sự việc này là dấu hiệu vi phạm quy định của Luật xây dựng đã quá rõ. Luật xây dựng đã không cho phép, nguyên tắc đã không cho tồn tại thì không bao giờ có cớ để các đại gia lao vào xây dựng.

“Nguyên tắc đã vi phạm thì phải khôi phục tình trạng ban đầu”, - Luật sư Trương Quốc Hòe nhấn mạnh.

Hiện những thông tin xoay quanh công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng vẫn đang gây xôn xao dư luận và nhận được nhiều ý kiến tranh cãi. Tuy vậy, điều mà dư luận mong chờ nhất vẫn là kết quả xử lý từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang.

Khánh Hoài

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/ban-doc-dieu-tra/pha-do-6-tang-ba-chu-ma-pi-leng-panorama-suong-ron-vi-van-hai-loc-1287417.html