Phá đường dây sản xuất ma túy đá ở Kon Tum (Bài 1): Các đối tượng người Trung Quốc dùng mánh khóe nào để có thể nhập cảnh, thuê xưởng sản xuất ma túy tại Việt Nam?

Sau 8 tháng điều tra và theo dõi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy đã phá thành công chuyên án sản xuất ma túy tổng hợp do người Trung Quốc cầm đầu tại tỉnh Kon Tum. Ngày 27/9, lần đầu tiên Trung tướng Phạm Văn Các – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Trưởng ban chuyên án 626T đã chia sẻ về những câu chuyện 'ngoài lề' chuyên án này.

Tội phạm ma túy tìm "đường sống" ở Việt Nam vì bị truy đuổi

Trung tướng Phạm Văn Các – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, những năm trước, tình hình tội phạm ma túy tại một số vùng ở Trung Quốc diễn biến rất phức tạp.

Trung tướng Phạm Văn Các – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an).

Trung tướng Phạm Văn Các – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an).

Chúng dụ dỗ người dân, xây dựng những làng, vùng quê có địa thế độc đạo, hiểm trở thành "lô cốt" sản xuất ma túy với số lượng lớn. Tuy nhiên, những đối tượng này không tồn tại được lâu do sự vào cuộc quyết liệt, quyết diệt trừ tội phạm về ma túy của Bộ Công an Trung Quốc.

Dự báo rằng Trung Quốc sẽ không phải là "mảnh đất màu mỡ" cho tội phạm ma túy hoạt động, những đối tượng này đã chuyển hướng tìm con đường sống sang một số quốc gia lân cận như Việt Nam, Lào, Campuchia.

Sau khi xác định được mục tiêu là Việt Nam, chúng bắt đầu xây dựng kế hoạch để đưa người, vận chuyển máy móc sản xuất bằng nhiều con đường khác nhau. Ngoài một số đối tượng có thể di chuyển bằng đường hàng không, nhiều đối tượng có lý lịch "đen" đã tìm cách vào Việt Nam bằng những con đường "tiểu ngạch".

Trung tướng Phạm Văn Các chia sẻ: "Bọn chúng nhập cảnh vào Việt Nam qua đường visa du lịch dưới mác là những thương gia, ông chủ tập đoàn sang tìm kiếm cơ hội làm ăn. Trong đó, đặc biệt có đối tượng đang mang án tù chung thân nhập cảnh trái phép vào nước ta bằng việc làm giấy tờ giả".

Sản xuất ma túy núp bóng xưởng sản xuất thuốc trừ sâu, diệt chuột

Sau khi nhập cảnh được vào Việt Nam, địa phương đầu tiên mà nhóm đối tượng người Trung Quốc này tìm đến là tỉnh Bình Định. Bọn chúng thuê nhà xưởng, vận chuyến máy móc, thiết bị, tiền chất (một số nhập từ Trung Quốc và một số đang được bày bán hợp pháp tại Việt Nam). Để có thể đi lại tại Việt Nam, nhóm đối tượng này thuê người Việt gốc Hoa để phiên dịch, hỗ trợ thuê nhà xưởng, mua hóa chất.

Do mâu thuẫn với chủ nhà xưởng tại Bình Định nên nhóm đối tượng này quyết định chuyển địa bàn đến TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nắm được thông tin Công an thành phố Hồ Chí Minh từng triệt phá rất nhiều đường dây sản xuất ma túy lớn, nhóm đối tượng này lại tiếp tục tìm đường sang các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Dương và cuối cùng dừng lại ở Đắk Hà (Kon Tum).

Trung tướng Phạm Văn Các nói rằng, thủ đoạn của những đối tượng này hết sức tinh vi, xảo quyệt. Chúng nói với chủ xưởng rằng thuê để sản xuất phân bón, thuốc diệt chuột và trả giá rất cao. Đặc biệt, chúng còn hứa hẹn khi sản xuất thành công sẽ cho chủ xưởng làm đại lý độc quyền để bán sản phẩm.

Sau khi đã thuê được nơi sản xuất, chúng xây dựng những lớp tôn quây kín xưởng, chúng bắt đầu vận chuyện máy móc, tiền chất vào để bắt đầu sản xuất ma túy tổng hợp. Khu xưởng này của bọn chúng không cho người Việt Nam đến gần, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Suốt khoảng thời gian điều chế ma túy "đá", tất cả các đối tượng đều ăn ngủ trong xưởng. Chỉ duy nhất một đối tượng người Trung Quốc được giao nhiệm vụ đi chợ mỗi ngày 2 lần để mua thức ăn, cơm nước cho cả nhóm. Tinh vi hơn, để tránh sự nghi ngờ của người dân xung quanh do mùi hóa chất bay ra, nhóm đối tượng này chỉ sản xuất ma túy vào ban đêm.

Trong lời khai của nhóm đối tượng này, sau khi đã điều chế thành phẩm ma túy "đá" với khoảng thời gian 20 ngày, bọn chúng sẽ di chuyển đến địa điểm mới để tiếp tục thực hiện những hành vi tội ác. Chắc chắn, ai nghe cũng phải giật mình khi chỉ trong khoảng thời gian đó, với những tiền chất, máy móc đang có trong tay thì số lượng ma túy "đá" mà chúng sẽ sản xuất ra ước khoảng 1 tấn.

May mắn thay, mọi hành vi của bọn chúng đã được lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nắm rõ ngay từ khi các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam cho đến khi bị bắt vào ngày 6/8/2019 vừa qua. Quá trình theo dõi và đi đến quyết định tóm gọn đường dây này như thế nào sẽ được chúng tôi nói tiếp trong bài 2: Giây phút "cân não" của trước khi tóm gọn "mẻ lưới" lớn.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/pha-duong-day-san-xuat-ma-tuy-da-o-kon-tum-bai-1-cac-doi-tuong-nguoi-trung-quoc-dung-manh-khoe-nao-de-co-the-nhap-canh-thue-xuong-san-xuat-ma-tuy-tai-viet-nam-20190927212656593.htm