Phá đường dây sản xuất ma túy do người Trung Quốc đứng đầu ở Kon Tum (Bài 2): Giây phút 'cân não' trước giờ thu 'mẻ lưới' lớn
Nếu thời điểm hàng trăm chiến sĩ ập vào để bắt quả tang các đối tượng mà vẫn chưa phát hiện ra ma túy đã thành phẩm thì mọi cố gắng trong 8 tháng qua trở thành 'công cốc'. Chính vì vậy, việc tính toán thời gian các đối tượng người Trung Quốc đã điều chế ra ma túy 'đá' là hết sức quan trọng.
Từ nguồn tin bên kia biên giới
Trước diễn biến thay đổi của tình hình tội phạm ma túy, ngay từ cuối năm 2018 lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tập trung phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, rà soát đối tượng, kịp thời phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở trong nước.
Trung tướng Phạm Văn Các – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: "Thông qua kênh hợp tác phòng, chống ma túy với Bộ Công an Trung Quốc, đầu năm 2019 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhận được thông tin một số đối tượng quốc tịch Trung Quốc kết cấu với một số đối tượng người Việt gốc Hoa ở trong nước chuẩn bị vận chuyển một lô máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất ma túy tổng hợp tại Việt Nam".
Ngay sau đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá. Trung tướng Phạm Văn Các – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy được phân công làm Trưởng ban chuyên án. Ngoài ra, Cục trưởng Cục Kỹ thuật, nghiệp vụ Bộ Công an; Ban Giám đốc Công an TP. HCM là Ban Chỉ đạo chuyên án.
Sau 8 tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, với hàng trăm đợt cán bộ, chiến sĩ tham gia ở nhiều tỉnh, thành phố, Ban Chuyên án đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phạm tội, Ban Chuyên án đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cho phá án. Trung tướng Phạm Văn Các và Thiếu tướng Nguyễn Mạng Trung - Cục trưởng Cục kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo phá án.
Giây phút "cân não" trước giờ thu "mẻ lưới" lớn
Trung tướng Phạm Văn Các chia sẻ, trước lúc quyết định thu "mẻ lưới" lớn này, điều làm Ban chuyên án đắn đo nhất đó là liệu thời gian 20 ngày kể từ lúc chúng thuê xưởng đã đủ để sản xuất ra ma túy "đá" hay chưa. Nếu thời điểm ập vào không phát hiện ma túy đã thành phẩm thì mọi nỗ lực của anh em trong suốt 8 tháng qua đều trở thành "công cốc".
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thời điểm này cũng trực tiếp chỉ đạo Ban Chuyên án phải lập tức bắt ngay các đối tượng, tuyệt đối không để chúng thực hiện xong hành vi sản xuất ma túy. Đặc biệt là không được để bất kỳ một gam ma túy "đá" nào do các đối tượng người Trung Quốc sản xuất ra tuồn vào thị trường Việt Nam.
Sau khi họp bàn, xác định được thời điểm phù hợp, đến khoảng 6 giờ ngày 6/8/2019 tại khu Làng nghề, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, gần 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng đồng loạt đột kích vào nhà xưởng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên, nơi các đối tượng đang tiến hành sản xuất ma túy tổng hợp.
Tại đây, Ban Chuyên án khống chế, bắt quả tang 7 đối tượng đều là người Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy. Trong đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ được đối tượng Thái Tự Lực và Tống Kiến Hoàng cùng sinh năm 1963, quốc tịch Trung Quốc là đối tượng chủ mưu cầm đầu.
Trong đó, Thái Tự Lực là đối tượng có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc và mới được ra tù. Còn Tống Kiến Hoàng được gọi là "kỹ sư" chuyên về sản xuất ma túy tổng hợp. Các đối tượng còn lại có nhiệm vụ vận hành máy móc, thiết bị.
Vật chứng thu giữ được tại hiện trường là 140 lít dung dịch dạng sệt, qua giám định nhanh có thành phần methamphetamin (ma túy đá). Trên 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong các thùng phi, can nhựa, chai lọ thủy tinh…phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy.
Khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy. Với lượng hóa chất, tiền chất nêu trên nếu sản xuất trót lọt thì ước tính các đối tượng sẽ sản xuất 1 tấn ma túy tổng hợp dạng "đá".
Tóm gọn đường dây sản xuất ma túy biên giới
Ngay sau khi bắt quả tang 7 đối tượng người Trung Quốc đang sản xuất ma túy thành công, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng, các đơn vị địa phương đồng loạt triển khai 10 tổ công tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành khám xét và triệu tập các đối tượng để lấy lời khai, xác minh, thu thập chứng cứ.
Tại các địa điểm khám xét nêu trên, lực lượng chức năng thu giữ 157 thùng hóa chất các loại, 380 bao hóa chất dạng bột, 84 can hóa chất các loại sử dụng vào sản xuất ma túy tổng hợp.
Trung tướng Phạm Văn Các cho biết thêm, sau khi triệt phá đường dây tại Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Công an Trung Quốc đã đến Kon Tum phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trao đổi các thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ phục vụ truy bắt các đối tượng có liên quan ở Trung Quốc.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 8 đối tượng, Công an Trung Quốc khởi tố thêm 18 đối tượng. Hiện nay, lực lượng chức năng 2 nước vẫn tiếp tục phối hợp điều tra mở rộng triệt để chuyên án này.
Được biết, đây là lần đầu tiên Lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam cho phép Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác lập đấu tranh chuyên án chung giữa Việt Nam với nước ngoài để triệt phá toàn bộ đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia.
Từ kết quả, kinh nghiệm đấu tranh chuyên án này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia bất thường từ ngày 9 – 13/9/2019 tại Hà Nội. Hội nghị này đã ra một tuyên bố chung đó là, các quốc gia và tổ chức cảnh sát các nước thống nhất cùng xác lập chuyên án đấu tranh chung, cử điều tra, trinh sát viên sang phối hợp đấu tranh chuyên án.