Phà Ghép - chứng tích lịch sử bất tử bên dòng sông Yên
Chiến tranh đã lùi xa, song ký ức về những trận chiến đấu, đêm đêm vượt qua mưa bom, bão đạn hòa nhịp trong tiếng sóng của dòng sông Yên phá thủy lôi, nối phà cho hàng trăm chuyến xe qua an toàn luôn in đậm tâm trí của các chàng trai, cô gái dân quân trên quê hương Hải Châu năm xưa.
Ông Lê Ngọc Vinh, nguyên chiến sĩ Trung đội trực chiến xã Hải Châu (nay là phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn) hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu bảo vệ Phà Ghép. Ảnh: Trần Thanh
Những ngày tháng 4 lịch sử, tôi về lại vùng quê Hải Châu, với mong muốn tìm được những người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Phà Ghép. May mắn, tôi tìm gặp được ông Lê Ngọc Vinh, tổ dân phố Năm Châu, phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn), nguyên chiến sĩ trung đội trực chiến xã Hải Châu năm xưa. Vốn là diêm dân tại địa phương nhưng ở thời kỳ cả nước cùng chung sức để chống giặc Mỹ xâm lược, ông cũng hăng hái góp sức mình cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, thống nhất nước nhà. Cùng tôi dạo bước thăm lại bến Phà Ghép năm xưa, ông Vinh bồi hồi lật dậy những dòng ký ức: Sau thất bại của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã tiến hành “Chiến tranh cục bộ” đưa quân ồ ạt vào miền Nam và phát động “Chiến tranh phá hoại” miền Bắc bằng không quân. Đầu năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng ném bom lên từng tấc đất, mạch sông của nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc, trong đó có tỉnh Thanh Hóa ta. Phà Ghép trong thời kháng chiến chống Mỹ, là một phần của Quốc lộ 1A, nối đôi bờ sông Yên - giữa xã Quảng Trung (Quảng Xương) với phường Hải Châu. Cùng với Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép có vị trí chiến lược là “mạch máu” giao thông nối hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam, nên trong những năm tháng đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ xác định đấy là những vị trí chiến lược. Bởi thế, từ năm 1965 đến năm 1972, Phà Ghép luôn được ví là “tọa độ lửa”, “túi bom” và pháo tầm xa của không quân Mỹ. “Bom đạn có thể phá hủy nhiều cầu cống, xóm làng, nhưng không thể đè bẹp được ý chí, tinh thần kiên cường, quả cảm, bám trụ trận địa của người dân Hải Châu chúng tôi” – ông Vinh nói.
Tháng 4-1965, thời gian cao điểm khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân, lực lượng dân quân và Nhân dân phường Hải Châu đã hăng hái ra trận. Nhiều gương điển hình trong chiến đấu đã được lịch sử ghi nhận, như: Liệt sĩ Lê Ngọc Giản – người trực tiếp tải đạn, tiếp đạn thay pháo thủ cùng bộ đội phòng không bắn rơi máy bay và anh dũng hy sinh; đồng chí Xuân Viết, Chỉ huy Trung đội dân quân, hiên ngang chiến đấu ngay trên bến Phà Ghép, bảo vệ cho công nhân đưa phà qua sông. Đó còn là cô dân quân Lê Thị Lý, một mình một thuyền vừa tải đạn, tiếp đạn cho bộ đội chiến đấu bên bờ Bắc Phà Ghép; thanh niên Vũ Hồng Út, được làm lễ truy điệu sống trước khi lái ca nô qua bãi thủy lôi Mỹ để thông dòng cho phà qua. Kỳ diệu thay, sau khi thủy lôi nổ, anh không bị thương và bước lên bờ an toàn trong niềm vui tột cùng của mọi người dân...
Với khí thế chiến đấu và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, trong 2 ngày mùng 3, 4-4-1965, dân quân du kích phường Hải Châu đã phối hợp cùng Trung đoàn 234 (đoàn Tam Đảo) và một số phường lân cận chiến đấu liên tục 5 giờ liền, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, góp phần bảo vệ Phà Ghép, Quốc lộ 1A và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đêm ngày 23-8-1967, máy bay Mỹ đánh phá, cắt đứt tuyến Quốc lộ 1A cách Nam Phà Ghép 600m. Chỉ trong 30 phút, hơn 760 người dân Hải Châu đã đào đắp hơn 390m3 đất đá nối liền tuyến đường cho xe qua lại, thuận lợi cho việc vận chuyển vũ khí, quân nhu phục vụ tiền tuyến. Hay, trong sự kiện ngày 23-10-1967, khi một tàu Hải quân Việt Nam chiến đấu với giặc Mỹ bị mắc cạn tại lạch Ghép, Đảng ủy phường Hải Châu đã huy động hơn 600 người vừa ngụy trang tàu, vừa nạo vét hơn 500m3 bùn, cát. Sau 7 giờ liên tục, tàu Hải quân đã thoát nạn, trở lại biển Đông hoạt động.
Sau 56 năm, những cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã từng chiến đấu bảo vệ Phà Ghép nay người còn, người mất. Là một trong số những người may mắn bước ra từ cuộc chiến, ông Lê Ngọc Vinh chưa từng quên những thời khắc hào hùng ấy. Ông nhớ lại, vào đầu năm 1972, giữa lúc Nhân dân ta đang khẩn trương thực hiện kế hoạch Nhà nước và đạt được những thành tựu quan trọng trong lao động, xây dựng quê hương. Giặc Mỹ lại gây chiến tranh phá hoại miền Bắc một lần nữa, Nhân dân Hải Châu lại cầm vũ khí, chiến đấu. Sự kiện đáng nhớ nhất những năm 1972 với ông Vinh chính là ngày 5-7-1972, một ca nô làm nhiệm vụ đẩy phà chở 5 ô tô khách qua bến Hải Châu bị trúng thủy lôi của giặc. Ca nô hỏng, phà trôi, tính mạng của hàng trăm người bị đe dọa. Đảng ủy phường Hải Châu lúc bấy giờ đã huy động gần 100 người xuống sông kéo phà vào bến, cấp cứu người bị thương, giải quyết tử sĩ và bảo đảm cho xe khách tiếp tục hành trình. Và cũng trong thời gian ấy, ông Vinh đã trực tiếp chiến đấu trong Trung đội trực chiến xã Hải Châu để góp phần làm nên chiến công bắn rơi 1 máy bay H7 của Mỹ vào ngày 23-8-1972.
Sau hơn 8 năm Mỹ đánh phá miền bắc, khu vực Phà Ghép đã chứng kiến bao trận mưa bom, pháo kích của máy bay và từ chiến hạm của đế quốc Mỹ. Thâm hiểm hơn, giặc Mỹ còn nghĩ ra kế sách thả ngư lôi phong tỏa khu vực này. Suốt thời gian ấy, mảnh đất này đã hứng chịu hơn 38.000 quả bom các loại của giặc Mỹ. Nhưng trong hoàn cảnh đó, người dân nơi đây đã lập nhiều chiến công, “mạch máu” giao thông chưa bao giờ ngưng trệ. Mỗi lần xe qua Phà Ghép đều là những lần “cân não” và sinh tử của quân và Nhân dân ta. Phà Ghép vẫn đứng đó, hiên ngang, anh dũng và ghi dấu biết bao tập thể, cá nhân anh hùng. Đó là Đại đội dân quân C94, đơn vị nữ dân quân Thanh Thủy, anh hùng Vũ Hồng Út, liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc và các đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân xã Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Thạch, Quảng Nham, Quảng Khê (Quảng Xương)...
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bến Phà Ghép giờ đã thay da đổi thịt, với sự xuất hiện của cây cầu Ghép kiên cố, hiện đại nối đôi bờ sông Yên huyền thoại. Những vùng đất, những con người nơi đây một thời găm những vết thương của chiến tranh đã dần đổi mới. Màu của sự no ấm đã phủ khắp trên những cánh đồng, bãi nuôi trồng thủy sản và khu dịch vụ du lịch, mang đến những sức sống mới cho vùng đất anh hùng Hải Châu.
(Bài viết có sử dụng tư liệu Lịch sử Đảng bộ phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn).