Phá lệ

Tôi vẫn muốn nhắc lại với niềm tự hào rằng, làng tôi là một ngôi làng đẹp, bình yên và nghĩa tình. Những chuyện làng tôi, nhất định là chỉ của riêng làng tôi thôi. Đám tang ông Cố Cự là một chuyện thể hiện nghĩa tình ấy.

Ông Cố Cự vốn là cán bộ huyện - một cán bộ “bôn-sê-vích” đúng nghĩa. Tài sản đáng giá nhất và cũng là duy nhất của ông sau khi nghỉ hưu về quê là chiếc xe đạp cũ với rương sách.

Ông khi sống giản dị, hết lòng hết sức với quê hương, mất cũng nhẹ nhàng, thanh thản. Bởi vậy, họ hàng, xóm giềng, thân hữu gần xa đến viếng đông lắm, cảm mến và tiếc thương.

Có điều, gia đình không nhận tiền phúng điếu. Trên cáo phó và trên các trang facebook cá nhân, con cháu đều chia sẻ dòng trạng thái gia đình không nhận tiền phúng điếu của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Việc này không tránh khỏi những băn khoăn, thắc mắc. Có người còn than: “Nhà tôi công lớn việc nhỏ, hiếu hỷ ông ấy đều có mặt... Nay không nhận phúng điếu phong bì, thì thành ra... nợ ông ấy à?”.

Cho đến lễ an táng, thay mặt gia đình phát biểu cảm tạ, người con trưởng của ông Cố Cự xúc động bày tỏ: “... Bố tôi sống một đời hiền hậu. Với bà con xóm giềng chưa từng nói xấu hay làm ác với ai điều gì. Đó là tài sản và là di sản quý giá nhất ông để lại cho gia đình, con cháu và gia đình có trách nhiệm gìn giữ di sản ấy. Bà con cô bác, bạn bè thân hữu có mặt ở đây và cả những người không thể có mặt để tiễn đưa bố tôi chặng đường cuối cùng trên dương gian, đã vì cái tình, cái nghĩa với ông mà luôn động viên, chia buồn với gia đình, hết lòng giúp đỡ khi tang gia bối rối. Đó là tài sản quý giá nhất mà gia đình nhận được, hơn hết thảy tiền bạc, vật chất và chúng tôi hiểu rằng phải sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với xã hội để đền đáp ân tình ấy... Kính mong bà con, bạn hữu hoan hỷ với di nguyện của bố tôi và tấm chân tình của gia đình...”.

Cũng từ đó, rất nhiều đám hiếu của làng tôi đã không còn phúng điếu bằng tiền.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/pha-le-33390.htm