Phá lệ tặng vàng mừng cưới ở TP.HCM

Giá cả có thể khiến không ít người đắn đo trước thông lệ tặng vàng trong đám cưới. Nhiều người tìm kiếm những giải pháp kinh tế hơn thay thế cho món quà truyền thống.

Cuối tháng 4, Hà Trang (29 tuổi, TP.HCM) dự hôn lễ của bạn thân học chung từ cấp 3 lên đại học. Trước đây, Trang và người bạn này từng “nửa đùa nửa thật” nói rằng “sẽ tặng nhau vài chỉ vàng” trong đám cưới. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng trong thời gian gần đây, Trang cho biết ngay cả một chỉ cũng đã rất khó khăn với cô, chứ chưa nói đến vài chỉ vàng.

Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ và hỏi ý kiến mọi người xung quanh, Trang quyết định tặng bạn một chiếc nhẫn 5 phân (0,5 chỉ vàng). Vào thời điểm cô mua hồi cuối tháng 4, chiếc nhẫn này có giá 3,74 triệu đồng.

“Với giá vàng như hiện tại, tôi chỉ có thể tặng bạn mình chừng đó. Tình cảm bạn bè không thể đo đếm quá số vàng hay số tiền mừng đám cưới được”, cô nói với Tri thức - Znews.

Tặng vàng trong đám cưới đã trở thành một nghi thức phổ biến của người Việt. Người thân, bạn bè thường tặng từ nhẫn, lắc đến dây chuyền, kiềng vàng cho cô dâu, chú rể trong ngày trọng đại để thể hiện tình cảm, lời chúc phúc, đồng thời giúp đôi trẻ “có chút vốn” bắt đầu cuộc sống chung.

Thế nhưng, khi giá vàng tăng trong thời gian gần đây, nhiều người chia sẻ cảm thấy áp lực với thông lệ mừng cưới bằng vàng. Nếu chưa tổ chức đám cưới và “mắc nợ” bạn bè, người thân chỉ vàng nào, một số người bắt đầu nghĩ đến chuyện phá lệ. Thay vì tặng vàng, họ có thể sẽ chúc phúc bằng một món quà khác vẫn ý nghĩa nhưng không còn quá nặng nề về vật chất.

Áp lực "trả nợ"

Khoảng 2-3 năm trước, Hà Trang vẫn quan niệm rằng bạn bè càng thân thiết thì quà cưới phải càng giá trị. Ví dụ, nếu là bạn thân sơ, đồng nghiệp bình thường, cô sẽ mừng tiền; nếu là bạn bè thân thiết, thì sẽ tặng vàng. Mức độ thân cũng quyết định cô sẽ tặng 5 phân, 1 chỉ hay 2 chỉ vàng.

Bây giờ, ngẫm lại, Trang thấy đây là suy nghĩ sai lầm. Ngoài vật chất hóa tình cảm bạn bè, cô cảm giác mình đang biến đám cưới của mọi người thành cuộc giao dịch. “Khi làm như vậy, ít nhiều tôi cũng hy vọng người nhận sẽ ‘đáp lễ’ giống vậy trong đám cưới tương lai của mình. Điều đó vô tình tạo ra một món nợ cho cô dâu, chú rể. Quà cáp nếu quá giá trị cũng gây áp lực cho cả người nhận”.

 Nhiều người mừng cưới cảm thấy áp lực khi giá vàng ở mức cao.

Nhiều người mừng cưới cảm thấy áp lực khi giá vàng ở mức cao.

“Mắc nợ” chính xác là những gì Anh Thư (33 tuổi, TP.HCM) cảm thấy khi nhận được hai tấm thiệp cưới trong tháng 5. Thời điểm làm đám cưới cách đây 5 năm, vợ chồng cô cũng nhận được kha khá vàng mừng cưới của người thân, bạn bè. Lúc đó, cô nhớ giá vàng khoảng hơn 40 triệu đồng/lượng.

Hai vợ chồng cô giữ số vàng này đến cuối năm 2019 thì bán. Trong những năm tiếp theo, giá vàng đã không còn ở mốc giá đó nữa. Hiện tại, giá vàng nhẫn trên mốc 75 triệu đồng/lượng.

“Ngày trước được tặng vàng thì cười tít mắt, nhưng bây giờ lo đáp lễ thì mới biết thế nào là áp lực”, Anh Thư nói.

Mặc dù hiện tại giá vàng đang cao, kinh tế gia đình không thực sự thuận lợi, cô cho biết mình không đắn đo chuyện tặng vàng hay tặng tiền. “Nhận tiền thì trả tiền mà nhận vàng thì trả vàng. Đó là điều hiển nhiên, luật bất thành văn nên chẳng có gì phải nghĩ nữa”, Anh Thư giải thích.

Phá lệ tặng vàng

Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm 2023 của người Việt đã giảm 6% so với năm 2022, từ mức 59,1 tấn xuống còn 55,5 tấn. WGC đánh giá nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức tại Việt Nam đã giảm đáng kể, tới 16% so với 2022, xuống còn 15 tấn.

Nhiều người trẻ ngày nay cũng không tha thiết đầu tư, tích lũy thông qua vàng, mà sẽ ưu tiên gửi tiết kiệm, kinh doanh hoặc các kênh đầu từ khác như cổ phiếu. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thông lệ tặng vàng tại đám cưới.

Lê Hà (25 tuổi) thừa nhận cô chỉ thực sự quan tâm khi thông tin về giá vàng thay đổi nhiều trong thời gian gần đây. Còn bình thường, cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mua, tích trữ hay đầu tư vào vàng. Hà cũng chưa từng tặng vàng cho bạn bè, người thân trong hôn lễ.

 Tại thị trường Việt Nam, WGC đánh giá nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm 2023 giảm 6% so với năm 2022.

Tại thị trường Việt Nam, WGC đánh giá nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm 2023 giảm 6% so với năm 2022.

“Vài người bạn đã lập gia đình và tôi đều tặng phong bì tiền. Nếu là bạn bè thân thiết, tôi có thể mua thêm một món quà gì đó, ví dụ như đồ ngủ, đồ gia dụng, vật trang trí trong nhà…”.

Hà cho biết lý do cô không tặng vàng là vì điều kiện kinh tế không cho phép và sợ gây áp lực cho người nhận. "Ngoài ra, tôi chưa cưới nên không nợ ai và cũng chẳng muốn ai cảm thấy mắc nợ mình. Tôi nghĩ quà cáp không nên tạo gánh nặng cho cả người tặng và người nhận", Hà giải thích.

Văn hóa tặng vàng

Không chỉ ở Việt Nam, thông lệ lấy vàng làm quà xuất hiện trong văn hóa nhiều nước châu Á. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng, những truyền thống này bị đe dọa và có thể dần mai một.

Ở Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, vàng là một phần không thể thiếu trong đám cưới và mùa cưới thường rơi vào những tháng ngày hè. Thế nhưng, trong năm nay, giá vàng cao kỷ lục đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong mùa cưới.

Hồi tháng 3, khi giá vàng ở Ấn Độ đạt mức 65.587 rupee/10 gram, Ashok Jain, chủ sở hữu của cửa hàng vàng Chenaji Narsinghji ở Mumbai, cho biết: “Người tiêu dùng có nhu cầu chỉ đang đổi trang sức cũ lấy trang sức mới, thay vì mua mới hoàn toàn”.

 Giá vàng tăng ảnh hưởng đến truyền thống tặng vàng trên khắp châu Á.

Giá vàng tăng ảnh hưởng đến truyền thống tặng vàng trên khắp châu Á.

Còn tại Hàn Quốc, nhẫn vàng từ lâu đã là món quà phổ biến và được ưa chuộng nhất trong bữa tiệc “dol” (sinh nhật đầu tiên) của trẻ em.

Truyền thống này bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, sau khi những người nhập cư Trung Quốc đến Hàn Quốc tặng những chiếc nhẫn hoặc vòng tay bằng vàng hoặc bạc làm quà.

Quà tặng vàng này phục vụ hai mục đích là tượng trưng cho sự thịnh vượng, cầu mong sức khỏe, bình an và cung cấp mạng lưới an toàn tài chính cho đứa trẻ trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, giá vàng tăng có thể ngăn cản mọi người mua những chiếc nhẫn như vậy. Thay vào đó, người Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm giải pháp kinh tế hơn thay thế cho món quà truyền thống.

Kim, ông bố 2 con, nói với The Korea Herald rằng ngày nay mọi người có xu hướng tặng những chiếc nhẫn mỏng hơn. “Trước đây nhẫn 1 chỉ phổ biến nhưng nay nó thường chỉ là nửa chỉ. Tôi thực sự đã nhận được những món quà như vậy. Nhưng với giá vàng ngày càng tăng như hiện nay, việc mọi người muốn giảm giá trị quà tặng một chút là điều dễ hiểu”.

Lee Yoon-seon (55 tuổi), người tổ chức tiệc “dol” cho hai con trai vào những năm 1990, nhớ lại đã nhận được rất nhiều quà tặng nhẫn vàng từ các thành viên trong gia đình như chị gái và bố mẹ.

“Hồi đó, một chiếc nhẫn 1 chỉ vàng không phải là áp lực tài chính. Tôi nhớ giá của chúng là khoảng 50.000 won, số tiền đáng kể nhưng hầu hết gia đình đều có thể chi trả được”, bà nhớ lại.

Tuy nhiên, Lee nói thêm rằng phong tục thiết yếu một thời này dần mất đi vì giá vàng tăng cao. “Tại bữa tiệc ‘dol’ của gia đình anh họ năm ngoái, tôi đã chọn tặng tiền mặt thay vì nhẫn vàng. Giá vàng cao cộng với rắc rối khi phải đến cửa hàng vàng đã khiến tôi từ bỏ truyền thống lâu đời”, bà giải thích.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/pha-le-tang-vang-mung-cuoi-o-tphcm-post1475976.html