Phá luật

Hồi đi dạy, tôi có nói với học trò, 'luật' là 'những điều buộc, những phép đã định, những lẽ dạy phải làm theo'(1); 'những điều quy định riêng buộc mọi người phải tuân theo trong một hoạt động nào đó (nói tổng quát)'(2). Chống đối, làm sai luật, là phạm pháp. Nhưng có những trường hợp phá luật lại làm cho vấn đề càng thêm hấp dẫn, lý thú, hay hơn. Học trò trố mắt nhìn, làm tôi bật cười: Có gì mà ngơ ngác, hôm nay tìm hiểu về luật thơ Đường, chúng lại cười ồ.

Phá luật

Cảm từ thi luật

Vừa rồi, một cô giáo (học trò cũ) đến thăm và trao đổi về luật thơ trong bài “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu, tôi nhớ và kể lại lời dẫn nhập bài giảng hồi xưa, cô cười. Tôi nói, nhà phê bình văn học Vũ Nghiêm, thời Tống, khen: “Thơ niêm luật đời Đường 7 chữ, phải xếp bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu vào hạng nhất”(3). Nhưng thực tế Hoàng Hạc lâu là bài thơ phá luật.

Quy định luật của bài thơ thất ngôn bát cú luật bằng, vần bằng, với cấu trúc thanh điệu bằng trắc, soi vào bài Hoàng Hạc lâu so sánh, nhận xét, thấy câu 1 và câu 3 như sau:

Xét theo nhất – tam – ngũ bất luận, nhị – tứ – lục phân minh thì câu 1 và câu 3 trong bàiHoàng Hạc lâu là hiện tượng vi phạm luật – phá luật. Chữ thứ 4 câu 1 phải là thanh trắc và chữ thứ 6 phải thanh bằng; câu 3, chữ thứ 4 phải là thanh bằng thì ở bài Hoàng Hạc lâu ngược lại. Về gieo vần cuối, chữ thứ 7 câu 1 lẽ ra vần bằng ôm vần với chữ thứ 7 (du) câu 2, ở đây lại vần trắc (khứ). Điểm này, có người nói đỡ cho rằng, ở quê Thôi Hiệu chữ “khứ” đọc là “khư”, hoặc đọc “khâu”, mang thanh “bằng”, nên chữ ấy là đúng vần, nhằm xác định, Thôi Hiệu làm thơ không sai luật! Nếu nói vậy, chữ “thừa” vị trí thứ 4 đúng ra thanh trắc mà ở đây lại thanh bằng thì sao? Thôi Hiệu sống vào thời Thịnh Đường, những luật thơ đã quy định khá nghiêm nhặt rồi, lẽ nào tài thơ như Thôi Hiệu không nắm được luật. Thế nên nhiều người cho rằng, không phải thi nhân cố tình phá luật, mà có lẽ xuất phát từ tiếng lòng, nên “phản xạ” tự nhiên của nội tâm, một cảm thức trước không gian trống trải, chẳng thấy hạc vàng ở đâu, khiến lòng hụt hẫng, bàng hoàng. Mạch cảm thức này dẫn đến hiện tượng phá luật trong câu 3, có đến 6 thanh trắc: “Hạc nhất khứ bất phục phản”, thanh vận nhịp điệu tuy ngắc ngứ, trúc trắc, nhưng có sự kết nối tự nhiên giữa chữ “khứ” cuối câu 1 với chữ “khứ” lặp lại trong cụm từ 6 thanh trắc ở câu 3, mỗi khi đọc lên nghe như vương vấn, như ấm ức tiếc nuối vọng về từ đáy sâu tâm trạng, bởi người tiên đã cưỡi hạc vàng đi mất – một đi không trở lại. Hạc vàng không thấy, cái đẹp đâu rồi, chỉ còn ở đó ngôi lầu trống trơ. Phải chăng để bộc lộ hết cảm xúc mạnh mẽ của mình mới có sự bứt phá khỏi quy cách nghiêm ngặt gò bó thi luật một cách tự nhiên như vậy.

Phá luật chuyển hóa thanh nhạc

Đến câu 4: Bạch vân thiên tải không du du tiếp tục phá luật, không theo bằng trắc, cách dùng lối “tam bình” (ba chữ “không du du” – phù bình thanh) ở cuối câu, âm hưởng nghe du dương, mênh mang, như đang trải lòng ra, thả hồn vào bầu trời mây trắng mênh mông chuyển động miên man, bất tận, bay từ ngàn xưa cho đến bây giờ. Khó biết được trạng thái “ngộ hứng” biểu đạt “thi trung hữu họa, hữu nhạc” của nhà thơ lúc đó thế nào, song dựa vào thanh nhạc và những tín hiệu “phá cách” bất thường, người đọc có thể cảm nhận được tình cảm dạt dào khó thể kìm nén của nhà thơ.

Điểm nữa, thơ Đường diễn đạt phải có độ nén, thật cô đúc, không nên dùng từ trùng lặp. Ở đây tác giả lại “vi phạm” vào quy ước ấy. Chỉ trong 4 câu thơ đầu mà sử dụng 2 chữ “không”, 2 chữ “khứ”, 3 lần nhắc đến từ “hoàng hạc” trong 3 câu thơ liên tiếp (1, 2, 3), hoàng hạc ở câu 1 và 3 là chim, câu 2 là nói đến lầu. Với Đường thi, thế là không kiệm từ, nhưng ở đây đọc lên không thấy nhàm chán, mà nghe nó xoắn quyện vào nhau, vừa neo đậu vừa bung rơi, chập chờn giữa ta bà cùng tiên giới, giữa thực và hư, giữa còn và mất, giữa xưa và nay, khoảnh khắc và vĩnh hằng, trải ra nỗi niềm miên man luyến tiếc.

Cảm nhận từ góc độ đó, nên tôi mới nói phá luật làm cho vấn đề thêm hấp dẫn, hay hơn. Cô giáo cười: Nhưng công dân sống giữa đời thường bây giờ mà phạm luật là nguy, có khi ở tù, thì đừng vin vào phá luật thơ Đường đấy.

Võ Nguyên

_____________

Trích: (1) Hùinh - Tịnh Paulus Của – Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895. (2) Từ điển tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học, 1992. (3) Trích Thượng Lang thi thoại: “Đường nhân thất ngôn luật thi, đương dĩ Thôi Hiệu Hoàng Hạc lâu đệ nhất”. Tài liệu tham khảo: 1. Nguyễn Đình Phúc, Thi pháp thơ Đường, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh – 2013; 2. Kim Thánh Thán – Trần Trọng San dịch, Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh – 1990.

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/pha-luat-130019.html