Phá rào cản bủa vây doanh nghiệp

Nền kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn. Theo các chuyên gia thực trạng này có nguyên nhân từ suy thoái kinh tế thế giới, nhưng cũng có một phần từ các vấn đề nội tại của môi trường kinh doanh.

Nhiều gánh nặng bất hợp lý

7 tháng năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường là 113.300, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Số khác phải "bán mình" tránh vỡ nợ, hoặc chọn cách co hẹp sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự. DN đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn.

Thực tế khó khăn đang bủa vây DN, nền kinh tế đã được Bộ KH&ĐT chỉ ra. “Đáng chú ý chúng ta chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua. Đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, DN, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu DN, bất động sản còn nhiều bất cập...”- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 mới đây.

Doanh nghiệp làm thủ tục hồ sơ hành chính tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Doanh nghiệp làm thủ tục hồ sơ hành chính tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Khó khăn với DN lúc này là cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại. TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) đánh giá, môi trường kinh doanh 3 năm qua ít chuyển biến, thậm chí có xu hướng đi ngược cải cách.

Bà Thảo đơn cử, rào cản về điều kiện kinh doanh đang nặng nề hơn so với trước, điển hình là các quy định về phòng cháy chữa cháy, xăng dầu; văn bản pháp luật thiếu rõ ràng, khó thực thi. "Rào cản môi trường kinh doanh trở nên nặng nề hơn khiến DN chưa kịp phục hồi sau dịch bệnh, nay trở nên đình trệ" - bà Thảo nhận xét.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp gỡ khó, song khâu thực thi đang có vấn đề. Nhiều dự án vẫn bị vướng về pháp lý, thủ tục phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ tại các địa phương rất lâu, ảnh hưởng lớn đến DN. Lúc này, theo ông Đậu Anh Tuấn, các chính sách giảm thuế, phí, lãi suất cần tiếp tục để DN dễ dàng tiếp cận dòng tiền.

TS Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng CIEM) đề xuất, gỡ ngay 2 điểm nóng đang làm khó khăn của DN thêm trầm trọng là hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) và vấn đề phòng cháy, chữa cháy (PCCC). "Cần hạn chế thấp nhất rào cản, tạo sự thông thoáng, triệt tiêu thủ tục hành chính không đáng có cho DN" - ông Cung nhấn mạnh.

Gỡ nút thắt phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế

Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy, có tới 71,7% DN đồng ý với nhận định "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN là phổ biến", cao so với 57,4% của năm 2021. Trong 5 lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của DN trong năm 2022, có phòng cháy và xây dựng (13%).

Hiện nay, đối với PCCC có 9 quy chuẩn, 52 tiêu chuẩn. Hàng loạt DN, hộ kinh doanh phản ánh nhiều quy định cứng nhắc về PCCC khiến họ không xây, sử dụng được nhà xưởng hoặc thậm chí phải đóng cửa. Nhiều quy định mới về PCCC vượt cả các nước phát triển và chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.

Có thể kể ra một số bất cập như: trước kia áp dụng tiêu chuẩn QC06.2010 được 10 năm thì thay thế bằng QC06.2020. Nhưng từ đó đến nay, cứ mỗi năm lại có một quy định mới như QC06.2021, rồi QC06.2022... khiến các DN không kịp trở tay với những thay đổi này.

Hoặc "Quy định PCCC yêu cầu sơn chuẩn châu Âu, nhưng DN không mua được sơn đó do trong nước chưa đủ nguồn cung. Khi không mua được sơn đúng tiêu chuẩn, DN không thể đáp ứng yêu cầu về PCCC, dẫn đến không được cấp phép, bị ngưng trệ sản xuất kinh doanh"… Đến tháng 5/2023, cả nước cũng chỉ có 3 DN sản xuất sơn chống cháy nội địa có mẫu kết cấu bọc sơn được cấp giấy chứng nhận kiểm định. Hai năm kể từ khi quy định mới ban hành, không có loại sơn chống cháy nào được cấp giấy chứng nhận kiểm định theo các quy định mới.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội nêu, nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC thì sẽ có hàng nghìn DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng cửa.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rà soát một cách hệ thống, tham mưu sửa đổi từ vấn đề luật, các nghị định, các văn bản pháp lý có liên quan, Bộ Xây dựng cho biết đang cùng Bộ Công an lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, để tháo gỡ khó khăn về quy định PCCC cho DN.

Với hoàn thuế VAT, hàng loạt DN than đã "hết oxy để thở" vì bị ách tiền thuế, trong khi ngành thuế cũng nêu lý do của mình. Cơ quan thuế phát hiện trong bộ hồ sơ có một số hóa đơn mua vật tư từ những DN có rủi ro cao về thuế và hóa đơn, hoặc DN bỏ trốn...

Chính phủ và đích thân Thủ tướng đã chỉ đạo cần giải quyết nhanh các vướng mắc về hoàn thuế VAT. Theo đó, chống gian lận, chống sai sót nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của DN.

Các chuyên gia cho rằng, ngành Thuế và Bộ Tài chính cần có một chương trình riêng để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc hoàn thuế. Cần phải đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, gặp mặt, giám sát những trường hợp chậm hoàn thuế kéo dài để các cơ quan chuyên môn của Tổng Cục thuế cùng ngành thuế địa phương nhanh chóng tháo gỡ. “Từ nay đến cuối năm, phải xem xét văn bản pháp luật nào liên quan đến hoàn thuế VAT chưa rõ, chưa phù hợp, đang tạo ra rủi ro cho cán bộ thực thi cần được sửa đổi ngay” - ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ.

Cần chế tài cho sự chậm trễ

Những tháng cuối năm 2023 rất quan trọng để bảo đảm thực hiện mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Chính phủ đã đề ra. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều lần phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề thể chế.

Theo Trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn có 2 lĩnh vực cần phải làm: một là rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn, những quy định đang hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tại các văn bản quy phạm pháp luật và nhanh chóng sửa đổi. Hai là tăng cường chất lượng thực thi các văn bản pháp luật để làm sao tạo thuận lợi cho DN.

Đồng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, Chính phủ cần yêu cầu các bộ ngành, địa phương siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành. Các bộ ngành, địa phương phương đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật, nhất là về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; theo dõi, đôn đốc, báo cáo, đề xuất kịp thời về công tác xây dựng pháp luật. Khi xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như trong điều hành của Chính phủ cần có chế tài nếu vi phạm, làm sai, thì cũng cần phải có chế tài về sự chậm trễ.

Hiện các rào cản điều kiện kinh doanh đang trở nên rất phổ biến. Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép. Nếu như các thủ tục về thuế là vấn đề bức xúc của nhiều DN thì kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, những khó khăn bất cập từ quy định an toàn PCCC, kinh doanh xăng dầu, giấy phép môi trường, kinh doanh vận tải, an ninh trật tự... tiếp tục là rào cản đối với DN.
Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM Phan Minh Thảo

Thể chế hiện đại, có tính thích ứng sẽ là chìa khóa để bảo đảm thành công trong tương lai. Có khung định chế vững chắc, thủ tục hành chính tinh giản, công cụ thị trường thông minh, tăng cường hiệu lực thực thi của chính quyền các cấp để bảo đảm nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/pha-rao-can-bua-vay-doanh-nghiep.html