Phá rừng chiếm đất ở N'Thol Hạ
Từ đầu năm 2019 đến nay, các khu vực rừng thông nằm dọc theo cung đường nhựa lớn và giáp ranh với vườn đất canh tác cà phê thuộc địa phận xã N'Thol Hạ, huyện Ðức Trọng nhiều lần bị chặt phá, đầu độc, nhưng thủ phạm vẫn chưa được truy tìm làm rõ.
Một ngày đầu tháng 6/2019, theo chân kiểm lâm viên Nguyễn Trọng Ngọc kiểm tra địa bàn phụ trách, phóng viên “mục sở thị” từ hàng ngàn đến cả chục ngàn mét vuông cây rừng bên này bị chặt trơ gốc, bên kia đang vàng lá chết dần chết mòn trên địa phận xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng. Từ ngã tư trung tâm xã N’Thol Hạ, Đức Trọng, phóng viên đi trên cung đường nhựa lớn theo hướng lên Nam Ban - Đà Lạt ước khoảng hơn một cây số thì dừng lại trước khoảnh rừng thông bị chặt hạ và đầu độc trên diện tích gần 3.000 m2. Hiện trường đã là khu đất đồi cỏ mọc um tùm, nhưng bên trong vẫn còn nhô lên những gốc thông với dấu vết cưa cắt và những cành cây thông bị nhiễm hóa chất khô quắp, nằm vất vưởng nhiều nơi. Kiểm lâm viên Nguyễn Trọng Ngọc thông tin: “Thống kê trên 3.000 m2 khu vực rừng mặt tiền đường nhựa nơi đây bị cưa hạ và đầu độc hơn 70 cây thông các loại trồng từ năm 1983. Thủ phạm đã liều lĩnh phá rừng từ 22 giờ ngày hôm trước đến tầm 2 giờ sáng ngày hôm sau, thực hiện liên tục những ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ trong những tháng đầu năm 2019. Trong đó, bộc lộ thủ phạm dùng cưa tay đốn hạ hơn 60 cây thông và dùng mũi khoan từng ô nhỏ vào gốc để bơm hóa chất tận diệt khoảng 10 cây thông. Ngay sau khi phát hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã phối hợp cùng các cơ quan pháp luật địa phương và đơn vị chủ rừng đo đếm tổng khối lượng gỗ thông bị thiệt hại gần 25 m3...”.
Cũng trong thời điểm từ đầu năm 2019 đến nay, khu vực rừng xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng giáp ranh với địa phận xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (cách khu vực “rừng đường nhựa” khoảng năm cây số), thủ phạm đã ra tay chặt phá không thương tiếc lên đến 800 cây thông trồng từ năm 2003 trên phạm vi diện tích gần 10.000 m2. Phân tích thủ đoạn phá rừng của thủ phạm ở đây thường đi theo từng nhóm người với cưa tay vào đêm khuya, cưa hạ, chặt trắng cây rừng trên diện tích hàng trăm mét vuông đến hàng ngàn rồi cả chục ngàn mét vuông, để lấn chiếm đất lâm nghiệp đưa vào sản xuất nông nghiệp trái phép, sau đó mua đi bán lại, thu tiền bất chính. Khi lực lượng chức năng của huyện Đức Trọng tuần tra phát hiện, thủ phạm đã rời khỏi hiện trường nên chưa kịp tác động lên toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp vừa bị chặt trắng 800 cây thông trồng, chăm sóc từ năm 2003.
Đáng nói hơn nữa, vào ngày 4/6/2019, lực lượng kiểm lâm địa bàn huyện Đức Trọng kiểm tra, phát hiện tại khoảnh 3, Tiểu khu 271, xã N’Thol Hạ (cách hiện trường 800 cây thông trồng đã bị chặt trắng kéo dài hơn một cây số) cũng bị hủy hoại.
Thủ phạm đã dùng khoan điện cầm tay khoan sâu vào phần gốc của 537 cây thông để bơm hóa chất làm cây chết, cũng với mục đích lấn chiếm khoảng 4.100 m2 diện tích đất rừng để trồng cà phê.
Ngày 6/6/2019, phóng viên vào tận nơi, chứng kiến một cụm rừng thông được trồng từ năm 2003 đang bị héo úa tán lá trên cao 10 - 12 m, báo trước mức độ thiệt hại trầm trọng đang xảy ra. Phần dưới gốc cây thông với từng ô tròn khoan sâu vào phần ruột bên trong, chảy ra những dòng nhựa vàng đục, khô cứng. Cũng theo nhận định của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng và đơn vị chủ rừng, thủ phạm thường lợi dụng đêm tối, chia ra theo nhóm vào đây vừa khoan vừa bơm hóa chất để sát hại cây rừng từ 5 - 7 ngày trước đó, cũng nhằm xâm chiếm, biến đất lâm nghiệp thành đất mới canh tác cà phê. Hiện tại đơn vị chủ rừng đang bơm dầu nhớt để cứu chữa, nhưng có thể hiệu quả sẽ rất thấp vì hóa chất (nghi thuốc diệt cỏ) sau 5 - 7 ngày đã lưu dẫn hủy hoại hầu hết phần ruột cây thông, dẫn đến các phần gốc, thân, cành, lá sẽ khô chết dần dần từ 1 - 2 tháng tới.
Rõ ràng tình trạng phá rừng ở xã N’Thol Hạ với thủ đoạn tinh vi, táo tợn, diễn ra trên quy mô tập trung, tính chất và mức độ phạm pháp ngày một nghiêm trọng, thiết nghĩ, các cơ quan pháp luật của huyện Đức Trọng nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra xác định thủ phạm, sớm đưa ra xử lý nghiêm minh để răn đe và phòng ngừa chung, trả lại sự bình yên vốn có của những cánh rừng địa phương.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201906/pha-rung-chiem-dat-o-nthol-ha-2950183/