Phá sản kế hoạch di dời trường đại học ra ngoại thành
Năm 2006, Thủ tướng Chỉnh phủ ra quyết định quy hoạch các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020. Theo đó, các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội và TP. HCM đang có trụ sở tại các quận trung tâm phải chuyển ra ngoại thành, nhưng đến nay chỉ có 1 - 2 trường di dời ra ngoại thành.
Hàng chục trường phải di dời
Theo quy định của Bộ GD - ĐT, có 2 tiêu chí di dời trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành. Tiêu chí 1: Diện tích đất/1 sinh viên quy đổi: đất học tập từ 20 - 30m2/sinh viên quy đổi; đất ký túc xá: 10 - 15m2/SV quy đổi; đất phục vụ thể dục thể thao tối thiểu 10m2/sinh viên quy đổi; đất công cộng 5 - 10m2/sinh viên quy đổi.
Tiêu chí 2: Diện tích xây dựng sử dụng/1 sinh viên quy đổi: bình quân cho 1 sinh viên quy đổi từ 9 - 11m2 ; trong đó diện tích giảng đường và lớp học/1 sinh viên phải đảm bảo 1,4 - 1,5m2; cơ sở nghiên cứu 1,2m2; thư viện 0,5m2; hành chính quản lý 0,5m2; khu ở và sinh hoạt 3 - 5m2.
Cả 2 tiêu chí trên đều quy định diện tích này được xác định trên cơ sở “thuộc quyền quản lý và sử dụng của nhà trường được pháp luật công nhận, không thuộc phần đất thuê, đất mượn”. Áp dụng theo tiêu chí trên, các trường đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đạt được từ 90% trở lên của tiêu chí 1 thì không thuộc diện di dời.
Các trường tại Hà Nội thành lập từ năm 1975 trở về trước và ở TP. HCM từ năm 1980 trở về trước, trường đào tạo các ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội nhân văn, Kinh tế, Giáo dục, Âm nhạc, Luật, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, ngành đặc thù, trường đào tạo năng khiếu và trường y khoa bên cạnh các bệnh viện… cam kết giữ ổn định quy mô hiện đang đào tạo và đáp ứng từ 50% trở lên của tiêu chí 1 và 100% tiêu chí 2 cũng sẽ không thuộc diện di dời.
Các trường tại Hà Nội thành lập từ 1975 trở về trước và tại TP
HCM từ năm 1980 trở về trước, trường đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đạt từ 50% đến dưới 90% của tiêu chí 1 và không đạt tiêu chí 2 thuộc diện di dời một phần.
Các trường đào tạo ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, trường mới thành lập và trường có nhu cầu tiếp tục tăng quy mô không hội đủ trên cả 2 tiêu chí trên sẽ nằm trong diện di dời toàn bộ.
Với 2 tiêu chí trên, tại Hà Nội dự kiến có khoảng 19 trường thuộc diện di dời toàn bộ và 16 trường di dời một phần. TP. HCM dự kiến có khoảng 17 trường di dời toàn bộ và 13 trường di dời một phần.
Về đất đai để di dời các trường, theo Bộ GD - ĐT, Hà Nội sẽ cần tối thiểu khoảng 3.500 ha, TP. HCM cần 1.750 ha cho việc di dời các trường đại học, cao đẳng.
Chưa ai di dời
Ngay sau đó, theo đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND TP. HCM chấp thuận điều chỉnh quy hoạch cáckhu giáo dục đào tạo đại học tập trung trên địa bàn TP. HCM với cơ cấu sử dụng đất phù hợp, nhu cầu thực hiện theo hướng xã hội hóa.
Có các cơ chế, chính sách hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhằm chấm dứt tình trạng chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. HCM, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong khu vực quy hoạch.
Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM được giao rà soát các khu vực đã có quy hoạch các khu đại học tập trung để mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, tham gia nghiên cứu tổ chức và góp ý điều chỉnh các quy hoạch phân khu trên đảm bảo hiệu quả giáo dục, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp đầu tư.
Đồng thời nghiên cứu bổ sung các chức năng hỗ trợ cho khu đại học tập trung như chức năng ở cho sinh viên, dịch vụ đô thị... hình thành các khu, cụm đô thị đại học với sự tương tác hỗ trợ nhau, chia sẻ tiện ích công cộng giữa đô thị và đại học.
Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án và giải pháp thực hiện, để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm trên lĩnh vực này.
Ưu tiên các trường đã có chủ trương của cấp có thẩm quyền, được bố trí tại khu vực quy hoạch. Đối với các trường chậm triển khai, không xây dựng lộ trình, kế hoạch hoặc không đảm bảo nguồn lực thực hiện dự án, sẽ được đề xuất thay thế các trường khác có nhu cầu cấp bách.
Đối với khu giáo dục đào tạo đại học Long Phước, phường Long Phước, quận 9, UBND TP. HCM yêu cầu nội dung điều chỉnh quy hoạch cần gắn với yêu cầu, mục tiêu phát triển theo cấu trúc đô thị phù hợp mô hình một đô thị sáng tạo, giáo dục đào tạo kết hợp khoa học công nghệ tại khu vực phía Đông TP. HCM.
Theo đó, các khu đại học tập trung của TP. HCM dự kiến phát triển theo nhiều mô hình: đô thị đại học, khu đại học và cụm trường đại học, cao đẳng. Theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ba khu đại học tập trung của TP. HCM là: khu đại học phía tây bắc (thuộc huyện Hóc Môn và Củ Chi) diện tích 660ha, đã bố trí cho các trường: ĐH Sư phạm TP. HCM (53ha), ĐH Y dược TP. HCM (115ha), ĐH Mở TP. HCM (20ha), trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (5ha) và đô thị đại học Quốc tế VIUT (304,7ha).
Khu đại học phía nam (quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) tổng diện tích 735ha (khu đô thị Nam TP
HCM 119,26ha, khu Hưng Long - Bình Chánh 500ha, khu Long Thới - Nhơn Đức, huyện Nhà Bè 116ha). Trong khu này sẽ có các trường ngành khoa học xã hội và nhân văn, thể dục thể thao, tài chính - kế toán, ĐH RMIT, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Cảnh sát nhân dân, ĐH Tài nguyên Môi trường, ĐH Công nghệ TP. HCM...
Khu đại học đông bắc (quận 9, Thủ Đức và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) tổng diện tích 815ha, trong đó khu ĐHQG TP. HCM 643,7ha, khu cù lao Long Phước 172ha (đã bố trí các trường: ĐH Luật TP. HCM, ĐH Kinh tế TP. HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Marketing, trường Đào tạo cán bộ quản lý giáo dục TP. HCM.
Thế nhưng, đến nay chưa có trường nào di dời ra ngoại thành.