Phá sản vì viện phí
MỸ - Khoảng 41% số người Mỹ đang mắc một khoản nợ liên quan tới viện phí, nhiều trường hợp phải nộp đơn phá sản. Tình cảnh đặc biệt khó khăn với những người không có bảo hiểm y tế.
Nền y tế Mỹ nổi tiếng với chất lượng cao và công nghệ hàng đầu nhưng kèm theo là viện phí đắt đỏ bậc nhất thế giới. Theo thống kê, 41% dân số Mỹ đang có một khoản nợ y tế. Hàng triệu người trì hoãn đi khám chữa bệnh vì không kham nổi chi phí. Bảo hiểm y tế là con đường duy nhất giúp giảm gánh nặng nhưng đôi khi cũng không trả hết mọi khoản.
VietNamNet đăng tải loạt bài viết "Chi phí y tế đắt không tưởng ở Mỹ" chia sẻ góc nhìn về vấn đề viện phí ở Mỹ so sánh với một số nước phát triển khác trên thế giới cùng những hoàn cảnh éo le của người bệnh tại đây.
Bài 1:Chưa được chữa trị đã mất trăm triệu đồng ở bệnh viện tại Mỹ
Hơn 90% dân số Mỹ có bảo hiểm y tế dưới các hình thức khác nhau nhưng theo Business Insider, khoảng 41% người dân đang mắc một khoản nợ y tế với tổng số tiền lên tới 220 tỷ USD. Theo CNBC, 25% dân số Mỹ nợ chi phí chăm sóc sức khỏe từ 10.000 USD trở lên dù một nửa trong số họ có bảo hiểm y tế đã giảm thiểu được phần lớn tiền viện phí.
Theo Balance Money, khoảng 62% số vụ phá sản ở Mỹ liên quan đến y tế tuy nhiên, một số trường hợp cũng có các khoản nợ khác, bị mất việc, không có tiền tiết kiệm.
Trên thực tế, mức tăng lương ở Mỹ không theo kịp tốc độ tăng của chi phí chăm sóc sức khỏe. Phí bảo hiểm y tế cũng tăng 54% trong khi thu nhập chỉ tăng 26% trong khoảng thời gian 2009-2019.
Chữa Covid-19 hết triệu đô
Năm 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, báo chí Mỹ đã lên tiếng về nhiều trường hợp phải đối mặt với hóa đơn khổng lồ sau khi điều trị bệnh do rắc rối thủ tục bệnh viện và bảo hiểm.
Một người đàn ông có cha mất vì virus SARS-CoV-2 vào mùa thu năm 2020 phải sử dụng Excel để sắp xếp các khoản nợ chưa thanh toán. Bảng Excel có tới 457 hàng, mỗi hàng là một hóa đơn của cha anh, tổng số tiền hơn 1 triệu USD.
Những người Mỹ mắc các bệnh nghiêm trọng thường xuyên phải đối mặt với các hóa đơn đắt đỏ, nhưng mọi chuyện được cho sẽ khác đối với bệnh nhân Covid-19. Nhiều chương trình y tế lớn đã đưa ra các quy tắc đặc biệt, miễn các khoản thanh toán cho người nhập viện vì virus SARS-CoV-2.
Theo New York Times, Mỹ đã chi hơn 30 tỷ USD cho các ca nhập viện do Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chi phí trung bình cho mỗi bệnh nhân nằm viện là hơn 23.500 USD. Khi bệnh viện nhận các khoản cứu trợ, Quốc hội đã ra lệnh cấm không để người bệnh “thanh toán số dư” vượt quá những khoản công ty bảo hiểm đã trả.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những nỗ lực đó đã thất bại. Một số người có bảo hiểm tư nhân vẫn phải trả các hóa đơn có thể lên tới hàng chục nghìn USD.
Các bệnh viện và công ty bảo hiểm nói rằng họ đã cố gắng thích ứng với các hướng dẫn thanh toán khác nhau cho đại dịch. Nhưng những rắc rối có thể nảy sinh khi các quy tắc mới được thiết lập nhanh chóng.
Bệnh nhân Covid-19 phải rút tiền từ tài khoản tiết kiệm và quỹ hưu trí để trả cho bệnh viện. Nhiều người phải vật lộn với các chi phí phát sinh, như hàng giờ đồng hồ gọi điện cho công ty bảo hiểm để giải quyết các thủ tục.
“Tôi có bằng tiến sĩ, nhưng điều này nằm ngoài khả năng của tôi. Tôi còn chưa xem các hóa đơn năm 2021 vì vẫn đang xử lý các hóa đơn năm 2020”, Jennifer Miller, một bệnh nhân Covid-19, cho hay vào cuộc phỏng vấn năm 2021.
Một số người không bị bệnh nhưng đang đối mặt với những hóa đơn mà người thân đã khuất để lại.
Shubham Chandra phải rời bỏ công việc lương cao tại một công ty khởi nghiệp ở TP New York để xoay xở với hàng trăm hóa đơn trong thời gian nằm viện 7 tháng của cha mình. Cha của anh, một bác sĩ tim mạch, đã mất vì Covid-19 vào mùa thu năm ngoái.
Trong nhiều tháng, Chandra dành buổi sáng để đọc các hóa đơn, buổi chiều gọi cho các công ty bảo hiểm và bệnh viện. 97 hóa đơn bị bảo hiểm từ chối khiến gia đình có nguy cơ rơi vào khoản nợ hơn 400.000 USD.
“Một phần lớn cuộc đời tôi vướng bận với những giấy tờ này. Thật khó để ngủ ngon khi bạn phải trả hàng trăm nghìn USD", Chandra tâm sự.
Hàng triệu người trì hoãn khám chữa bệnh
Susan Finley quay trở lại công việc tại một cửa hàng bán lẻ ở bang Colorado sau thời gian bị viêm phổi. Nhưng người phụ nữ 53 tuổi đã bị sa thải do nghỉ quá một ngày cho phép sau khi làm việc 10 năm tại đây.
Không có việc làm, Finley cũng không còn bảo hiểm y tế và chật vật tìm công việc mới. Ba tháng sau, bà được phát hiện đã chết trong căn hộ của mình sau khi không đi khám bác sĩ dù có các triệu chứng giống cúm.
Finley là một trong hàng triệu người Mỹ không điều trị y tế do vấn đề chi phí. Một cuộc thăm dò vào tháng 12/2019 do Gallup thực hiện cho thấy 25% số người Mỹ cho biết họ hoặc một thành viên trong gia đình đã trì hoãn việc điều trị do vấn đề chi phí.
Mỹ là nước chi nhiều nhất cho việc chăm sóc sức khỏe so với bất kỳ quốc gia phát triển nào trên thế giới nhưng lại chữa cho ít người hơn. Năm 2018, 3,65 nghìn tỷ USD tiêu tốn cho y tế ở Mỹ và khoản này được dự đoán sẽ tăng với tốc độ hằng năm là 5,5%.
Viện phí cao đang khiến các bệnh nhân Mỹ ốm nặng hơn do trì hoãn hoặc ngừng điều trị.
Anamaria Markle làm nhân viên bán hàng 20 năm tại một công ty ở bang New Jersey. Bà được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng giai đoạn ba vào năm 2017. Người chủ đã sa thải bà với trợ cấp thôi việc và bảo hiểm y tế một năm.
Khi hợp đồng bảo hiểm trên kết thúc, Markle gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh thông qua Cobra (chương trình bảo hiểm y tế dành cho những nhân viên mất việc hoặc bị giảm giờ làm). Một số chi phí y tế không được bảo hiểm chi trả.
Markle quyết định ngừng điều trị do nợ nần ngày càng tăng và qua đời vào tháng 9/2018 ở tuổi 52.
Một nghiên cứu năm 2009 của Trường Y Harvard cho thấy 45.000 người Mỹ chết mỗi năm do không có bảo hiểm y tế. Theo CNBC, ở Mỹ vẫn còn 8% dân số không có bảo hiểm y tế, tương đương với 26 triệu người (số liệu năm 2022).
Giáo viên dạy thay Gretchen Hess Miller, 48 tuổi, ở bang Pennsylvania, nhận chẩn đoán mắc ung thư miệng vào năm 2009 khi đang mang thai. Cô đã phẫu thuật để loại bỏ khối u. Bác sĩ căn dặn cô phải chiếu chụp hằng năm để theo dõi bệnh tình nhưng cô không thể làm như vậy do không đủ khả năng chi trả.
Hess-Miller tâm sự: “Bác sĩ nói với tôi rằng đây là một dạng ung thư nguy hiểm sẽ quay trở lại vào một ngày nào đó nhưng khoản khấu trừ và khó khăn trong thanh toán bảo hiểm đã khiến tôi không thể thực hiện được việc kiểm tra định kỳ”.
Amy Keeling, 51 tuổi, trợ lý pháp lý ở bang Iowa, đã không tới gặp gặp bác sĩ trong hơn một năm dù mắc bệnh Graves - chứng rối loạn tự miễn dịch. “Tôi cảm thấy không khỏe trong một thời gian nhưng tôi chỉ nghĩ đó là do tuổi tác của mình. Vào tháng 9/2019, tôi bị cúm và phải nhập viện cấp cứu vì không thở được”, Keeling nói.
“Nếu đến gặp bác sĩ sớm hơn, tôi đã có thể xử lý vấn đề này trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng tới vậy. Tôi đang ở thời điểm mà thuốc men không thể kiểm soát được bệnh và lựa chọn duy nhất là phẫu thuật”, nữ bệnh nhân bày tỏ.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/pha-san-vi-vien-phi-o-my-2257941.html