Phải chăng có sự thao túng giá vaccin - trục lợi lớn nhất lịch sử?

Câu chuyện các nhà sản xuất vaccin thu lợi khổng lồ từ dịch Covid-19 đã được nhóm chuyên gia thuộc Liên minh vaccin cho mọi người nêu ra trong một báo cáo phân tích vào tuần qua đã góp thêm một lời cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng về vaccin trên toàn cầu.

 Chi phí tiêm vaccin ngừa Covid-19 có thể giảm xuống ít nhất 5 lần nếu các hãng dược đồng ý hủy bỏ thế độc quyền đang nắm giữ.

Chi phí tiêm vaccin ngừa Covid-19 có thể giảm xuống ít nhất 5 lần nếu các hãng dược đồng ý hủy bỏ thế độc quyền đang nắm giữ.

Nhóm chuyên gia thuộc Liên minh vaccin cho mọi người (PVA) cho biết, các công ty Pfizer, BioNTech và Moderna đang tính giá bán vaccin cho các chính phủ cao hơn 41 tỉ đô la Mỹ so với chi phí sản xuất(*). Theo PVA, chi phí tiêm vaccin ngừa Covid-19 có thể giảm xuống ít nhất 5 lần nếu các hãng dược đồng ý hủy bỏ thế độc quyền đang nắm giữ.

Đào sâu khoảng cách giàu nghèo

“Kết quả phân tích các kỹ thuật sản xuất vaccin mRNA ngừa Covid-19 do Pfizer, BioNTech và Moderna sản xuất - các kỹ thuật được phát triển nhờ nguồn ngân sách công với chi phí khoảng 8,3 tỉ đô la - cho thấy giá sản xuất những loại vaccin này có thể chỉ ở mức 1,2 đô la/một liều.

Trong khi, chương trình giúp tiếp cận vaccin toàn cầu COVAX đã phải chi trả trung bình cao gần gấp 5 lần chi phí nêu trên và đương nhiên phải vật lộn để có đủ số lượng khi mà nhu cầu sử dụng luôn tăng cao do tốc độ lây lan nhanh của biến thể Delta. Các nước giàu nhanh tay đã chiếm các vị trí đầu tiên trong danh sách chờ vaccin vì họ sẵn sàng trả giá cao hơn rất nhiều”, báo cáo của PVA cho biết.

Theo PVA, đến thời điểm hiện tại, ba hãng Pfizer, BioNTech và Moderna đã bán hơn 90% số vaccin ngừa Covid-19 cho các quốc gia giàu có với mức giá cao gấp 24 lần chi phí sản xuất ước tính, bất chấp sự gia tăng nhanh chóng số trường hợp mắc bệnh và tử vong do Covid-19 tại các nước đang phát triển.

Cả hai hãng dược Pfizer và BioNTech cũng không đồng ý chuyển giao đầy đủ công nghệ vaccin với bất kỳ nhà sản xuất có năng lực nào ở các nước đang phát triển như một cách tăng nguồn cung vaccin. Một số quốc gia giàu có vẫn không ủng hộ việc dỡ bỏ độc quyền hướng tới việc giảm giá vaccin, giảm bớt áp lực khan hiếm vaccin ở các quốc gia nghèo hơn.

Nếu không có sự độc quyền về công nghệ vaccin làm hạn chế nguồn cung và đẩy giá như đã nói trên, số tiền mà COVAX chi ra cho đến nay có thể đủ để tiêm chủng đầy đủ cho mọi người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bằng giá thành sản xuất (nếu có đủ nguồn cung). Trong tình huống như vậy, COVAX chỉ đủ vaccin cho nhiều nhất là 23% dân số vào cuối năm 2021.

Trong 1,1 tỉ liều vaccin sản xuất vào tháng 6-2021, chỉ 1,4% đến tay người dân châu Phi và 0,24% cho các nước có thu nhập thấp. Ở các nước phát triển, 94 liều vaccin đã được tiêm cho mỗi 100 người dân. Trong khi châu Phi, tỷ lệ này là 4,5, còn ở các nước thu nhập thấp con số là 1,6, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bà Anna Marriott, Trưởng bộ phận chính sách y tế của Oxfam - một tổ chức thành viên của PVA - nói: “Đây có lẽ là một trong những vụ trục lợi lớn nhất trong lịch sử. Những khoản ngân sách quý giá lẽ ra có thể được sử dụng để xây dựng thêm các cơ sở y tế ở các nước nghèo hơn đang được nắm giữ bởi các giám đốc điều hành và cổ đông của các tập đoàn đầy quyền lực này”, bà Anna Marriott nói.

Nhiều thách thức khi tìm lời giải

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, trong bản báo cáo ngày 29-7, cảnh báo sự chênh lệch trong tỷ lệ tiêm vaccin ngừa Covid-19 trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Theo các nhà phân tích, bất bình đẳng trong tiếp cận vaccin là lý do chính dẫn tới kinh tế toàn cầu phục hồi theo hình chữ K, trong đó các nước giàu vượt lên phía trước, phần còn lại ngày càng bị tụt hậu. Giải bài toán tiếp cận công bằng vaccin gặp nhiều thách thức.

Người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng việc chia sẻ liều lượng vaccin khẩn cấp hiện nay là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, thế giới cần mở rộng quy mô sản xuất để tăng đáng kể số lượng vaccin. Điều này có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ các rào cản đối với việc mở rộng quy mô sản xuất, bao gồm thông qua chuyển giao công nghệ, giải phóng chuỗi cung ứng và từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.

WHO đang kêu gọi thiết lập các trung tâm chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ các quốc gia có được công nghệ và bí quyết phát triển vaccin càng nhanh càng tốt. Tổ chức này cũng hối thúc các nhà tài trợ và các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép tự nguyện, minh bạch và không độc quyền đối với các bằng sáng chế, chuyển giao bí quyết và dữ liệu thông qua Nhóm tiếp cận công nghệ Covid-19 (C-TAP).

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ông Daren Tang, nhấn mạnh công bằng vaccin không chỉ là vấn đề đạo đức và dịch tễ học, mà còn là nền tảng để xây dựng thế giới trở lại tốt hơn.

Trên thực tế, yêu cầu tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccin ngừa Covid-19 đã được hơn 100 quốc gia ủng hộ, bao gồm cả Mỹ và Pháp, trong khi một lần nữa bị khước từ bởi Đức, Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, một công ty Nam Phi được Pfizer và BioNTech chọn làm đại diện cung cấp vaccin và đóng gói 100 triệu liều cho châu lục này. Trên thực tế, cả hai hãng dược Pfizer và BioNTech đều không đồng ý chuyển giao đầy đủ công nghệ vaccin với bất kỳ nhà sản xuất có năng lực nào ở các nước đang phát triển, một động thái có thể giúp tăng nguồn cung toàn cầu, từ đó hạ giá thành và cứu sống hàng triệu người.

Việt Nam thay đổi chính sách ưu tiên vaccin

Tại Việt Nam, Văn phòng Chính phủ tối 30-7 đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó có đề cập đến các thay đổi chính sách ưu tiên về vaccin phòng Covid-19, các yêu cầu của Thủ tướng về thúc đẩy nhiệm vụ ngoại giao vaccin, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể; tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vaccin và thời gian; rút gọn thủ tục hành chính để tập trung thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ, kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vaccin trong nước để có thể làm chủ vấn đề này.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu, sản xuất, nhà khoa học trong nước hôm 23-7(**), Bộ Y tế cho biết hiện cả nước có hai ứng viên vaccin Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng gồm vaccin Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen và vaccin Covivac của Viện Vaccin và Sinh phẩm y tế. Trong đó dự kiến ngày 15-8 sẽ hoàn thành việc tiêm Nanocovax mũi 2 của cả giai đoạn 3.

Hiện có ba đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận, đàm phán chuyển giao công nghệ vaccin từ các đối tác của Mỹ, Nhật Bản và Nga. Quá trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, nếu thuận lợi từ cuối năm nay sẽ bắt đầu sản xuất, với tổng công suất từ 200-300 triệu liều vaccin/năm.

Các vấn đề quan trọng khác như quy trình đánh giá, cấp phép, việc bảo đảm nguồn nguyên liệu để sản xuất vaccin, một số vướng mắc về thể chế, cơ chế... có liên quan đến sản xuất vaccin đã được đặt lên bàn họp. Các đơn vị có liên quan mong Chính phủ sớm trình Quốc hội về việc sửa Luật Dược để phục vụ cấp phép khẩn cấp lưu hành vaccin phòng dịch Covid-19.

(*)https://www.oxfam.org/en/press-releases/vaccin-monopolies-make-cost-vaccinating-world-against-covid-least-5-times-more

(**) http://baochinhphu.vn/Ung-ho-Quy-vaccin-phong-chong-COVID19/Thu-tuong-yeu-cau-quan-tam-uu-tien-dac-biet-de-san-xuat-bang-duoc-vaccin-nhanh-nhat-som-nhat/439645.vgp

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 của hãng Pfizer (Mỹ) công bố ngày 30-7, vaccin ngừa Covid-19 là mặt hàng bán chạy nhất với doanh thu 7,84 tỉ đô la từ bán hàng trực tiếp cũng như phân chia doanh thu với đối tác BioNTech của Đức. Doanh thu từ vaccin hai liều qua các hợp đồng đã ký trong năm nay sẽ đạt 33,5 tỉ đô la cho 2,1 tỉ liều.

Yên Minh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/319097/phai-chang-co-su-thao-tung-gia-vaccin--truc-loi-lon-nhat-lich-su.html