Phải chế tài mạnh nhà đầu tư trúng đấu giá đất 'bỏ cọc'
Ngày 20-4, tại hội thảo 'Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn và giải pháp' do Báo Pháp luật TPHCM phối hợp Viện Kinh tế Xanh và Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM tổ chức, các chuyên gia kinh tế, luật sư cho rằng, từ thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) các lô đất tại Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (TPHCM), cho thấy chưa chặt chẽ, chưa có biện pháp chế tài mạnh.
Do vậy, cần khẩn trương hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đấu giá QSDĐ, lựa chọn nhà đầu tư các dự án có nhu cầu sử dụng đất.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, cho rằng, hiện nay để đáp ứng nhu cầu phát triển cần tiếp tục đấu giá QSDĐ trong cả nước. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, góp ý kiến đa chiều để hướng tới việc hoàn thiện pháp lý cho phương thức này trong thời gian tới.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc tổ chức tham gia đấu giá QSDĐ phải có đủ các điều kiện như thuộc đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Theo đó, vốn sở hữu của doanh nghiệp để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên và phải có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá, nhằm đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá. Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Nếu người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//phai-che-tai-manh-nha-dau-tu-trung-dau-gia-dat-bo-coc-807799.html