Phải có cơ chế kiểm soát việc ủy quyền
Phát biểu tại hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam tổ chức hôm nay, bà Dương Thị Thanh Mai, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và pháp luật cho biết: chúng ta đang thiếu cơ chế để kiểm soát việc ủy quyền. Mặc dù chúng ta đưa ra cơ chế nhưng lại mang tính hình thức.
Chính sách chưa bắt nguồn từ thực tiễn
Cho rằng một trong những vấn đề yếu nhất của hệ thống pháp luật hiện nay là sự “cắt khúc” giữa quá trình xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, bà Dương Thị Thanh Mai, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và pháp luật (UBTW MTTQ Việt Nam) đã liệt kê một loạt nguyên nhân của tình trạng này. Điển hình là câu chuyện ủy quyền lập pháp trong quá trình xây dựng pháp luật.
Theo bà Mai, chúng ta đang thiếu cơ chế để kiểm soát việc ủy quyền, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng lại giao cho Chính phủ hoặc cơ quan khác thực hiện.
“Chuyện chúng ta kiểm soát quá trình ủy quyền và thực hiện ủy quyền ấy như thế nào thì hiện nay chưa có. Mặc dù chúng ta đưa ra cơ chế nhưng lại mang tính hình thức. Ví dụ là khi trình dự án luật lên Quốc hội thì đồng thời phải có dự thảo Nghị định, điều đấy là không thể thực hiện được và trên thực tế cũng không thể thực hiện được.
"Khi tổng kết Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị thì có tới 50% các văn bản quy định chi tiết trong thời gian từ 2005 đến nay bị chậm so với yêu cầu, có những văn bản chậm đến 10 năm...Vì vậy, câu chuyện ở đây là ủy quyền quá nhiều nhưng lại không có kiểm soát, cho nên văn bản quy định chi tiết cứ từ từ mà ra, còn người dân và các cơ quan thì không thể thực hiện được, đó là chưa nói đến những tổn thất về mặt kinh tế”- bà Mai cho biết.
Vẫn theo bà Mai, bất cập tiếp theo là có nhiều chính sách của chúng ta không bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn và chưa dựa trên bằng chứng thực tiễn. Chúng ta hiện nay hoàn toàn không có cơ chế, cách thức, công cụ để đánh giá xem sau khi chính sách ấy được ban hành, nó đi vào cuộc sống như thế nào? có thực sự đạt được mục tiêu đề ra khi làm chính sách hay không.
“Tức là chúng ta bỏ hẳn giai đoạn đằng sau việc thực thi chính sách. Do vậy, dường như chính sách sau khi được ban hành là xong nhiệm vụ, còn đời sống tiếp theo của nó trong thực tiễn thế nào thì lại không có công cụ để đánh giá. Chúng ta cứ để văn bản luật đó thi hành như thế cho đến khi có vấn đề nghiêm trọng, phải thay đổi rồi thì mới đánh giá xem thế nào. Còn toàn bộ phản ứng chính sách trong quá trình luật đi vào cuộc sống, chúng ta đã bỏ lơ nó đi”- bà Dương Thị Thanh Mai thẳng thắn.
Chính vì vậy, theo bà Mai, trong quá trình xây dựng pháp luật, Chính phủ phải chịu trách nhiệm đến cùng với những chính sách đã đề ra trên cơ sở lắng nghe và tiếp thu tối đa những yêu cầu của Quốc hội; đồng thời phải phân tích chính sách ấy để làm sao phản ánh được nhu cầu thực tiễn của đời sống.
Phải lấy ý kiến phản biện trước khi thông qua
Phát biểu tại nghị, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua, vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với việc xây dựng VBQPPL ngày càng được quan tâm, lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Quy định này cũng đã được cụ thể hóa thành một Chương riêng trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.
Tuy nhiên, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 lại không có bất cứ một quy định nào về thẩm quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Hạn chế này trên thực tế cũng đã ảnh hưởng rất bất lợi đến việc thực hiện chức năng phản biện xã hội đối với các dự án văn bản quy phạm pháp luật của MTTQ Việt Nam trong những năm qua.
Bên cạnh đó, một số văn bản góp ý gửi tới Mặt trận có thời gian quá gấp; tài liệu gửi đến chưa thực sự đầy đủ và đáp ứng yêu cầu nghiên cứu góp ý; việc tiếp thu và phản hồi ý kiến phản biện của Mặt trận còn chưa rõ...
Ông Ngô Sách Thực đề nghị, đối với những dự án Luật có tác động lớn đến quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân và xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau thì phải lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hoặc các tổ chức chính trị - xã hội trước khi thông qua và cần quy định rõ quy trình, thời gian, hồ sơ gửi lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam./.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội :
Theo tôi, cần thiết phải bổ sung hình thức thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) với Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam; cũng như bổ sung hình thức thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam...
Đây là những chủ thể đều có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, và những chủ thể này đều có mối quan hệ phối hợp công tác với nhau. Do đó, việc ban hành thông tư nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, phản biện của MTTQ đối với Tòa án, Viện kiểm sát và một số chủ thể khác là rất cần thiết.
PGS.TS Lê Hồng Hạnh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật (UBTW MTTQ Việt Nam):
Vấn đề thông tư liên tịch, lâu nay hiệu quả vô cùng kém, bây giờ chúng ta lại mở rộng ra thì liệu có nên không. Ban soạn thảo phải trả lời được câu hỏi: Tại sao giữa TANDTC và VKSNDTC phải có thông tư liên tịch? Thông tư liên tịch nếu ban hành thì giải quyết được vấn đề gì?
Vì sao Chính phủ phải liên tịch với Tòa án trong khi chúng ta đang cần sự phối hợp, sự phân công rất rõ ràng. Chúng ta phải làm rõ, trong trường hợp nào phải phối hợp chứ không phải cái gì cũng phối hợp? đồng thời đánh giá tác động thế nào tới đời sống kinh tế- xã hội..