Phải có 'lửa nghề' trong làm báo!

'Phải có 'lửa nghề' trong làm báo, như thế chúng ta mới xông xáo đi nhiều nơi, thấy nhiều vấn đề thì viết mới hay được'. Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng khi nói về những yếu tố cần có của một nhà báo hiện đại.

Kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023), phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã thực hiện cuộc phóng vấn Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nhân chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước của đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam mới đây.

* Xin ông cho biết quan điểm của ông về kinh tế báo chí?

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng: Khoảng 5-7 năm trở lại đây, chúng ta bắt đầu nhắc đến khái niệm kinh tế báo chí. Bên cạnh mục đích chính là tuyên truyền, báo chí còn là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, phải có người tiếp nhận, người mua, người bán. Có nghĩa là chúng ta phải làm thế nào đó để có được nguồn lực tái đầu tư sản xuất ngoài nguồn lực của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng trò chuyện cùng tác giả Ngọc Huyền - Ảnh: Đặng Hùng

Hiện nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Hội Nhà báo Việt Nam là phát huy tất cả nguồn lực mà pháp luật cho phép báo chí có thể tận dụng được để phát triển, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức một số diễn đàn, hội thảo về vấn đề này. Từ cơ chế đặt hàng của Nhà nước đến những hoạt động về thông tin, quảng cáo trên các nền tảng đa phương tiện, các hoạt động tổ chức sự kiện, liên kết với cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp. Qua đó, chúng ta có thể vận dụng được nguồn lực của xã hội dành cho công tác này.

* Theo ông, việc tuân thủ 10 quy định đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong thời buổi kinh tế báo chí hiện nay?

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng: Chúng ta đang bước vào sự phát triển của kỷ nguyên số, đặc biệt gần đây chúng ta nói nhiều đến trí tuệ nhân tạo AI, chat GPT… thì những vấn đề về đạo đức nhà báo lại càng phải quan tâm. Dịp kỷ niệm 21-6 năm ngoái, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí cũng như xây dựng văn hóa người làm báo.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng phát biểu trong chương trình trồng cây xanh tại huyện Bù Đăng - Ảnh: Trương Hiện

Khi công nghệ phát triển nhanh chóng, ranh giới giữa vấn đề đạo đức khi tác nghiệp và cám dỗ tư lợi đòi hỏi trách nhiệm cao của người làm báo. Anh có thể dễ dàng sao chép một bài viết ở đâu đó nhào nặn thành “tác phẩm” của mình mà không cần trực tiếp đến hiện trường. Tất cả điều đó đều rất dễ dàng thực hiện trong thời buổi công nghệ này. Vì vậy, cần có một quy định về đạo đức nghề báo để ràng buộc, thậm chí có chế tài về mặt đạo đức.

Trong 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo, chúng tôi quan tâm đặc biệt đến ứng xử của các nhà báo trên mạng xã hội, sau đó đã được chuyển thành những quy định ứng xử của nguời làm báo Việt Nam trên mạng xã hội. Việc quy định này phải làm sao để chúng ta vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận nhưng không được ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của nhân dân và các đồng nghiệp khác.

* Liên quan đến khía cạnh ông vừa chia sẻ về việc một số trường hợp sao chép bài viết của người khác, “nhào nặn” thành tác phẩm của mình, thực tế hiện nay, có một số người lợi dụng mác “nhà báo” làm những việc bất chính hoặc hành xử thiếu chuẩn mực gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của những người làm báo chân chính. Ý kiến của ông như thế nào về điều này? Theo ông, cần làm thế nào để hạn chế tình trạng đó?

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng: Nghề báo cũng như rất nhiều ngành nghề khác không tránh khỏi trường hợp có cá nhân do động cơ hoặc quá trình rèn luyện chưa đủ có những cư xử lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật. Để hạn chế vấn đề này, tôi nghĩ phải từ hai phía.

Một số hoạt động của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng và đoàn công tác trong chuyến thăm và làm việc của Hội Nhà báo Việt Nam tại tỉnh Bình Phước vừa qua - Ảnh: Trương Hiện

Thứ nhất, phía cơ quan báo chí phải có những quy định, quy trình công tác chặt chẽ. Quy trình này không phải để gây khó khăn cho cán bộ, phóng viên mà chính là cơ chế để bảo vệ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp. Mặt khác, cơ quan báo chí cũng cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên. Qua đó tạo môi trường đoàn kết, thân ái, giúp đỡ, chia sẻ những lúc khó khăn, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, phóng viên, đấy là trách nhiệm của cơ quan báo chí.

Thứ hai, về phía cán bộ, phóng viên, nhà báo phải tự rèn luyện, tự thấy nghề báo là nghề vinh quang, lấy danh dự người làm báo là điều quan trọng. Nếu cả hai phía cùng thực hiện tốt quyền lợi, trách nhiệm của mình thì chúng ta sẽ hạn chế được những tiêu cực trong nghề báo.

*Theo ông, một nhà báo hiện đại cần hội tụ đủ những yếu tố nào?

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng: Tôi nghĩ là ở bất cứ thời đại nào, làm báo đầu tiên phải có đam mê, có “lửa nghề”, sau nữa là tự rèn luyện. Đối với nghề báo, bên cạnh trường dạy, thầy dạy, người làm báo phải tự học, tự rèn luyện để có kiến thức nền tốt, có tư duy nghề báo, khả năng phát hiện vấn đề và bút pháp thể hiện.

Đặc biệt trong thời buổi số hóa hiện nay, người làm báo phải luôn cập nhật những ứng dụng, phần mềm công nghệ cho phép truyền tải ý tưởng bằng nhiều hình thức phong phú. Tóm lại, phải có “lửa nghề” trong làm báo, như thế chúng ta mới xông xáo đi nhiều nơi, thấy nhiều vấn đề thì viết mới hay được. Nếu chúng ta chỉ làm việc như một công chức, sáng cắp ô đi đến tòa soạn, chiều cắp ô về thì tôi nghĩ rất khó trở thành một nhà báo đúng nghĩa.

* Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà báo trẻ?

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng: Tôi cho rằng trước tiên là không nên quá bi quan trước mọi việc. Tuổi trẻ thường muốn thể hiện được sự thành công nhưng đôi lúc cuộc sống không phải như vậy. Có thể anh tốn nhiều công sức làm một bài báo nhưng tòa soạn không chấp nhận, lúc đó anh thấy quá chán nản, thì tôi thấy đó là bình thường. Chúng ta có thể chán nản nhưng phải biết vực dậy, lấy đó làm bài học kinh nghiệm để bước tiếp.

Nhưng ngược lại có những nhà báo trẻ, mới đạt được một chút vinh quang trong nghề nghiệp, ví dụ được giải thưởng này, giải thưởng kia, sinh lòng kiêu ngạo thì cũng nên tránh điều đó. Không nên quá kiêu hãnh với những cái đạt được mà nên nghĩ đó chỉ là bước tiến mới, ở phía trước còn rất nhiều cái cần cố gắng. Mình còn trẻ mà thỏa mãn những cái đạt được thì tôi nghĩ sẽ khó tiến xa được.

* Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn!

Ngọc Huyền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/145613/phai-co-lua-nghe-trong-lam-bao