Phải công khai những bí thư, chủ tịch vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Những bí thư, chủ tịch vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là ai? Phải công khai danh tính những trường hợp vi phạm.

Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã bố trí 6 tổ công tác sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp, tham gia thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm tại các địa phương trong toàn quốc. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, ma túy theo quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong phát hiện, xử lý vi phạm.

Kết quả cho thấy, tổ công tác đã phát hiện xử lý nhiều trường hợp vi phạm điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn, đáng lưu ý trong đó 88 trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn là công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, thậm chí có cả giáo viên dạy lái xe... Đáng chú ý, một số lái xe khi vi phạm được xác minh, làm rõ là bí thư, chủ tịch huyện hoặc cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu.

Như đã thấy, những trường hợp vi phạm trên bao gồm cả những người đương chức, đương quyền và đã nghỉ công tác. Tuy nhiên, có điểm chung là họ đã không chấp hành các quy định về việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, lái xe khi trong người có nồng độ cồn.

Cần xử nghiêm người đứng đầu coi thường việc nêu gương, vi phạm khi tham gia giao thông. (Ảnh minh họa)

Cần xử nghiêm người đứng đầu coi thường việc nêu gương, vi phạm khi tham gia giao thông. (Ảnh minh họa)

Đã có những quy định về việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Thế nhưng, những cá nhân trên dù biết vẫn cố tình vi phạm, thậm chí là nhiều lần với mức độ khác nhau. Có thể việc vi phạm nồng độ cồn mới chỉ dừng ở mức độ bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng sự coi thường những quy định an toàn khi tham gia giao thông chính là mầm họa dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đáng nói, trong số những trường hợp vi phạm ấy có cả những đảng viên, người đứng đầu của một đơn vị, thế nhưng họ đã quên mất việc cần phải tự nêu gương. Đã là người đứng đầu, cán bộ ấy phải luôn coi trọng và biến việc nêu gương thành nền nếp thường xuyên, từ đó tạo ra sự lan tỏa sâu rộng không chỉ với cấp dưới, mà còn cả gia đình, xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu: "Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ" và "Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".

Thế nhưng, thực tế đã có không ít những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đã coi thường sự nêu gương. Những việc tưởng như rất đơn giản như uống chén rượu, cốc bia, nhưng khi người đứng đầu bị xử lý vi phạm, thì làm sao để có thể chỉ đạo được cấp dưới. Bản thân người đứng đầu không gương mẫu, không làm mực thước từ trong công việc cho đến đạo đức, lối sống và việc tuân thủ quy định pháp luật, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, thì ai có thể noi theo.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn của những người đứng đầu các đơn vị là quá nhẹ. Những trường hợp ấy cần phải xử lý nghiêm minh, phải công khai danh tính để giáo dục, làm gương.

Ngoài ra, đối với những cán bộ cấp dưới nếu vi phạm, cần phải xem xét trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Từ đó, người đứng đầu mới thấy được trách nhiệm của mình trong công tác nêu gương, công tác chỉ đạo, điều hành và tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn giao thông trong cơ quan, đơn vị.

Để làm tốt được việc này, có lẽ cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền. Hãy nhìn Nghệ An làm gương. Theo đó, ngày 21/9/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản về việc tăng cường chấp hành pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Văn bản của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An sẽ xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông gây ra tai nạn giao thông, nhất là lỗi vi phạm về nồng độ cồn. Bị tổ công tác của Bộ Công an phát hiện và có văn bản thông báo gửi về cho đơn vị, địa phương quản lý.

Những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nên nhớ rằng, pháp luật Việt Nam rất bình đẳng và nghiêm minh những hành vi vi phạm, dù là vi phạm hành chính hay vi phạm pháp luật. Và hơn hết, các cơ quan chức năng làm việc rất khách quan, công tâm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Bởi vậy, những cán bộ, đảng viên người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải biết tự ý thức được việc nêu gương cho cấp dưới và tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông. Điều này cũng là để bảo vệ cho chính cá nhân họ và sự an toàn của người lưu thông trên đường.

Khôi Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phai-cong-khai-nhung-bi-thu-chu-tich-vi-pham-nong-do-con-khi-tham-gia-giao-thong-274458.html