'Phải đặt mình vào tình huống của chị em để chia sẻ và phân tích'
Với những trăn trở cùng với nỗ lực tuyên truyền để thay đổi cách nghĩ, cách làm của chị em người dân tộc thiểu số (DTTS), chị Trần Thị Thúy, Ủy viên Ban Thường vụ hội LHPN xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã góp phần nâng cao chất lượng dân số địa phương. Công tác dân số trên địa bàn xã Minh Đài đã đạt được những kết quả tích cực.
- Xin chị cho biết, vấn đề nổi cộm về dân số tại xã Minh Đài trong đồng bào DTTS hiện nay? Chị có trăn trở gì về các vấn đề này?
Có rất nhiều vấn đề liên quan đến dân số, nhưng tôi cho rằng, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, đặc biệt là những cặp vợ chồng sinh con 1 bề là gái muốn sinh thêm con trai để có người nối dõi tông đường, đang là vấn đề nhức nhối. Vấn đề này còn gây nhiều hệ lụy như: đông con, nghèo đói, thất học, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Mặc dù đã hết sức nỗ lực nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa có giải pháp triệt để nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.
- Từ những vấn đề trên, chị muốn làm gì để thay đổi suy nghĩ cũng như những hủ tục của chị em phụ nữ DTTS liên quan đến sinh đẻ có kế hoạch, sức khỏe sinh sản?
Trọng nam khinh nữ là một tư tưởng phân biệt đối xử về giới, coi nam giới quan trọng hơn phụ nữ chính vì vậy mà số đông chị em phụ nữ luôn chịu thiệt thòi. Khi không sinh được con trai thì bị đổ lỗi rằng "không biết đẻ".
Tôi mong rằng người dân dần thay đổi nhận thức, thay đổi tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ để nam - nữ được bình đẳng trong xã hội. Điều này sẽ giúp họ thực hiện tốt chính sách dân số. Ngoài ra, người phụ nữ cần quan tâm chăm sóc sức khỏe đặc biệt là sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và kiên quyết không sinh thêm con thứ 3, dù trai hay gái chỉ 2 con là đủ.
Công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng nhất để làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Là cán bộ dân số, tôi không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn để đạt được những mục tiêu trong công tác dân vận. Phối kết hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về những hệ lụy do mất cân bằng giới tính, bình đẳng giới; vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn, không phân biệt đối xử dù con trai hay con gái…
- Được biết, chị đã đến tận nhà đồng bào để làm công tác dân số. Những nội dung mà chị tuyên truyền, vận động chủ yếu là gì?
Hơn 10 năm làm công tác dân số tại xã, bản thân tôi đã tham gia rất nhiều cuộc tuyên truyền vận động, từ thuyết minh trên hội nghị cho đến việc vận động từng hộ dân. Tại hội nghị, tôi chia sẻ về các chuyên để chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình dịc, xâm hại,… cho thanh thiếu niên, học sinh. Tuyên truyền về pháp lệnh dân số, các biện pháp tránh thai, sức khỏe sinh sản, sinh con đúng chính sách,… cho chị em phụ nữ tại hội nghị, các lớp tập huấn, cũng như nhiều trường hợp phải đến tận nhà. Phải thuyết phục, tâm sự, tỉ tê và đặt mình vào tình huống khó xử mà chị em đang phải gánh chịu để chia sẻ và phân tích. Như vậy mới có hiệu quả, chứ không theo kiểu giáo điều, hình thức thì rất khó vận động và chị em sẽ né tránh, khó tiếp cận.
Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, truyền thống giáo dục sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường đến các em học sinh để hình thành kiến thức, kỹ năng về dân số một cách có hệ thống ở giới trẻ. Song song đó, đẩy mạnh vận động phong trào thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, chăm sóc người cao tuổi, thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe. Chính từ những hoạt động trên mà ngày nay người dân có nhận thức đầy đủ về công tác dân số. Cụ thể như các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai tăng 9% so với cùng kì, tỉ lệ sinh con thứ 3 giảm hơn 2%, việc tư vấn cho người cao tuổi tham thăm khám sức khỏe định kì tặng lên đáng kể.
- Điều gì khiến chị bất chấp những khó khăn để dành thời gian cho công tác dân số? Chị mong muốn có những chính sách gì cho phụ nữ dân tộc thiểu số?
Khi nói đến người làm dân số thì ai cũng bảo nhàn vì chỉ có việc "cấp bao su và thuốc tránh thai", nhưng để làm đúng trách nhiệm của người làm công tác dân số thì không hề nhàn hạ như mọi người nghĩ. Tuy vậy tôi đã chọn công việc này rồi thì có khó khăn nhưng vẫn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hàng ngày tôi vẫn tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền, vận động, mong sao tất cả mọi người đều hiểu và thay đổi nhận thức, từ đó góp phần thay đổi nhận thức chung của cộng đồng DTTS đối với dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Tôi mong muốn nhà nước tiếp tục có những chính sách nhằm nâng cao vị thế phụ nữ DTTS thông qua việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, cải thiện việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực cho phụ nữ. Ví dụ: tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ được tham gia các hoạt động tín dụng, tiếp cận với nguồn vốn, giúp họ được tham dự các khóa tập huấn về làm ăn kinh tế, khoa học kỹ thuật và nâng cao hiểu biết về luật pháp.
Khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ DTTS tham gia các hoạt động xã hội, giúp họ có điều kiện giao tiếp, gặp gỡ, trao đổi, mở mang kiến thức và hiểu biết xã hội, từ đó gián tiếp giúp họ tăng quyền năng, tăng cường năng lực ra quyết định và khả năng thực hiện quyết định về xã hội, kinh tế, chính trị và luật pháp của phụ nữ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ nữ hiểu nắm được những nội dung cơ bản của bình đẳng giới, về giá trị của bản thân trong xã hội, từ đó giúp họ tự tin, chủ động khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội, chủ động phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh và nâng cao trình độ mọi mặt.