Phải dễ nhớ, dễ hiểu để cảnh tỉnh, răn đe

Bày tỏ sự đồng tình với việc Trung ương đang xem xét, thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm, nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành quy định nên theo quan điểm 'ít nhưng hiệu quả'. Đặc biệt quy định cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu để tạo ra tiếng chuông cảnh tỉnh, răn đe đối với những đảng viên, nhất là những đảng viên giữ các chức vụ quản lý trước 'ranh giới' của sự vi phạm.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục:

Dễ thuộc để tạo sự cảnh tỉnh

Ông Nguyễn Viết Chức

Quy định những điều đảng viên không được làm chỉ có 19 điều thôi, song lại có nhiều điểm bên trong nên không phải ai cũng nhớ hết được. Vì vậy việc Hội nghị Trung ương thảo luận, xem xét sửa đổi quy định này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc sửa đổi lần này làm sao bảo đảm các quy định phải ngắn gọn dễ thuộc, dễ hiểu để làm sao mỗi đảng viên, đặc biệt là các đảng viên có chức, có quyền lúc nào cũng nhớ trong đầu về những điều không được làm. Từ đó, tạo ra sự nhắc nhở, cảnh báo, cảnh tỉnh để họ tránh được những vi phạm, những cám dỗ.

Hiện nay, không chỉ những điều không được làm, trong Đảng còn có rất nhiều các văn bản, quy định về những nội dung trên như: Điều lệ Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, quy định về trách nhiệm nêu gương, quy định về kiểm soát quyền lực và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Cũng có ý kiến cho rằng, đảng viên cũng là con người, sao lại không được làm điều này, điều kia.

Tuy nhiên, đảng viên vừa là những người tiên phong, vừa là những người có chức, có quyền trong bộ máy nên phải có những quy định khác để quản lý, để ngăn chặn những hành vi vi phạm có thể xảy ra. Mục đích là làm sao giữ được sự trong sạch, tiên phong, gương mẫu của Đảng. Vào Đảng không phải là để làm quan cách mạng mà để cống hiến, để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Đảng không có lợi ích gì khác, ngoài lợi ích của nhân dân, của đất nước nên đảng viên phải có trách nhiệm trong việc thực thi những điều được làm và những điều không được làm. Tất cả những hành vi vi phạm vào những điều đảng viên không được làm đều phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng.

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra T.Ư

Quy định ít nhưng hiệu quả

Ông Ngô Văn Sửu

Quy định những điều đảng viên không được làm đã ban hành lâu rồi. Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến năm 2011, Trung ương đã ban hành Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm để thay thế cho những quy định trước đó. Mặc dù chỉ có 19 điều, song trong mỗi điều lại có những chi tiết, những điểm, thành ra rất khó nhớ, khó thuộc. Khi đảng viên đã không thuộc, không nhớ rồi hiệu quả của sự nhắc nhở, cảnh tỉnh cũng giảm đi ít nhiều. Do đó, việc sửa đổi lần này nên theo quan điểm “thà quy định ít mà hiệu quả còn hơn nhiều mà khó thực hiện”, tức là quy định ngắn thôi, nhưng không chỉ đảng viên mà kể cả người dân cũng có thể nhớ. Đặc biệt, nên xem xét lựa chọn những điều cấm mà nếu thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần ngăn chặn được sự suy thoái, tiêu cực, tham ô, tham nhũng. Như thế thì không chỉ đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện mà công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm cũng có hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Ngăn ngừa và xử lý mạnh mẽ hơn

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm được ban hành từ năm 2011. Mọi đảng viên, dù đang giữ trọng trách, cương vị nào cũng đều phải chấp hành theo quy định này. Từ khi được ban hành đến nay, cho thấy các quy định này là rất cần thiết, đi vào thực chất, làm căn cứ xử lý cán bộ đảng viên vi phạm, cũng góp phần phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh để cán bộ, đảng viên không làm trái, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Đồng thời Quy định cũng góp phần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Từ khi được ban hành đến nay, Quy định số 47 được đa số cán bộ đảng viên đồng tình, ủng hộ.

Tôi cũng đồng tình với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4, khi cho rằng, những nội dung của Quy định 47 đến nay cơ bản vẫn còn phù hợp, đáp ứng được yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Bên cạnh đó, cũng có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên…

Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, giống như Quốc hội xem xét, sửa đổi luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo tôi, việc xem xét sửa đổi, bổ sung những điều đảng viên không được làm là hết sức cần thiết. Chẳng hạn có quy định còn hơi dài, cần xem xét sửa đổi sao cho ngắn gọn hơn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện hơn. Cần sửa đổi bổ sung để làm sao Quy định mới vừa đẩy đủ, chính xác cũng vừa dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, đồng thời cũng dễ kiểm tra, giám sát.

Có thể khẳng định, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần thiết, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng bị xử lý kỷ luật. Mới đây thôi, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát Biển… Mọi hành vi vi phạm thường bắt nguồn từ sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Văn Kiên - Luân Dũng (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phai-de-nho-de-hieu-de-canh-tinh-ran-de-post1382733.tpo