Phải điều tra lượng thủy ngân trong kho hàng của Công ty Rạng Đông

'Sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, mới chỉ có kết quả kiểm tra nhanh mà công bố an toàn là vội vàng, phi khoa học. Cơ quan chức năng phải truy xem có bao nhiêu thủy ngân đầu vào'.

GS.TSKH Trần Văn Sung (nguyên Viện trưởng Viện Hóa học - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) nêu quan điểm như trên khi trao đổi với Zing.vn về quan ngại thủy ngân từ kho của Công ty Rạng Đông sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân trong khu vực.

Đặc biệt, GS. Sung bày tỏ thái độ không đồng tình với cách xử lý vụ việc của chính quyền phường Hạ Đình và quận Thanh Xuân.

Quá vội vàng

- Là chuyên gia hóa học, ông bình luận gì khi quận Thanh Xuân ngay trong ngày hôm qua đã nhanh chóng công bố kết quả quan trắc môi trường xung quanh khu vực cháy của công ty Rạng Đông, đồng thời khẳng định các chỉ số trong ngưỡng an toàn?

GS Trần Văn Sung. Ảnh: Viện Hóa Học.

GS Trần Văn Sung. Ảnh: Viện Hóa Học.

- Kết quả đó chỉ là test ban đầu, kiểm tra một cách rất sơ bộ và mang tính chất định tính chứ chưa định lượng được, nên chưa thể kết luận chính xác.

Theo tôi, nếu chỉ lấy mẫu xong và kiểm tra rất nhanh như thế thì kết quả đó không nhiều ý nghĩa. Đặc biệt, không thể dựa vào kết quả đó để khẳng định các chỉ số trong ngưỡng cho phép và ở mức an toàn.

Kể cả những người bị nhiễm độc thủy ngân cũng không có biểu hiện ngay, nếu biểu hiện ngay là nhiễm quá nặng rồi, còn với nồng độ có thể gây ảnh hưởng như trong vụ việc này thì hóa chất sẽ ngấm dần vào môi trường xung quanh, gây nguy cơ mất an toàn. Bởi vậy, không nên vội vàng kết luận không có độc hại và người dân đã được an toàn trong vụ việc này.

- Tức là ông cho rằng chính quyền quận đã quá vội vàng khi đưa ra một kết luận an toàn?

- Rõ ràng là quá vội vàng, việc quan trọng như trong vụ việc cháy ở công ty Rạng Đông thì không thể kết luận vội vàng như thế, vì làm thế rất phi khoa học.

Anh làm rất định tính, lấy được vài mẫu rồi kiểm tra rất nhanh, trong vài tiếng cho ra kết quả thì kết quả ấy không có cơ sở khoa học. Đó chỉ là định tính ban đầu, phân tích thủy ngân chắc chắn không thể làm kiểu lấy mẫu rồi lắc lắc vài cái xong cho ra kết quả và kết luận được.

Thực tế, chúng ta đã biết có bao nhiêu thủy ngân trong kho hàng của Công ty Rạng Đông bị cháy đâu. Nếu chỉ dựa vào báo cáo của công ty có tin được? Nếu họ không công bố con số thực thì sao?

Nên nhớ đây là kho hàng có chứa hóa chất, nên việc này không đơn giản. Chúng ta phải tiến hành theo quy trình chặt chẽ, phân tích một cách khoa học để đưa ra kết quả làm người dân yên tâm.

Còn như cách làm vừa qua, với những người có chút kiến thức trong lĩnh vực này thì họ không tin.

Hàng nghìn bóng đèn trong kho hàng của Công ty Rạng Đông bị cháy dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thủy ngân trong bóng đèn sẽ phát tán vào môi trường. Ảnh: Việt Linh.

Hàng nghìn bóng đèn trong kho hàng của Công ty Rạng Đông bị cháy dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thủy ngân trong bóng đèn sẽ phát tán vào môi trường. Ảnh: Việt Linh.

Vì sao tôi nói việc này không đơn giản? Với vụ cháy lớn, cháy lâu như thế, lượng thủy ngân bị đốt cháy sẽ bốc hơi lên, gió sẽ đưa lượng chất này phát tán trong không khí. Sau trận cháy, dù Hà Nội có vài trận mưa lớn, lượng thủy ngân này cũng không giảm đi mà chỉ chuyển từ không khí sẽ ngấm dần vào đất và nước mà thôi. Như vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

- Vậy quy trình để cho ra được kết quả quan trắc môi trường thông thường sẽ được tiến hành thế nào, có kết quả trong bao nhiêu ngày, thưa ông?

- Để tiến hành quan trắc, các chuyên gia môi trường sẽ xác định địa điểm lấy mẫu và phải lấy mẫu đất, nước, không khí ở nhiều nơi khác nhau. Sau đó, các mẫu này phải được mã hóa, gửi tới các viện đầu ngành phân tích về thủy ngân và các chất độc khác.

Khi có kết quả sẽ được trả về cho bộ phận đã đưa mẫu, họ sẽ mở mã hóa để xem các kết quả phân tích thế nào.

Thông thường quy trình này một tuần có kết quả, nhưng nếu giao nhiệm vụ cụ thể và có yêu cầu khẩn cấp thì sẽ nhanh hơn.

Đặc biệt, nên có 2-3 đơn vị cùng làm để kiểm tra chéo lẫn nhau. Việc lấy mẫu và mã hóa cũng như tên các đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra phải hoàn toàn được giữ bí mật để tránh có đối tượng đứng sau tác động, làm sai lệch kết quả.

 Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm quanh khu vực đám cháy Rạng Đông. Ảnh: Hồng Quang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm quanh khu vực đám cháy Rạng Đông. Ảnh: Hồng Quang.

Thu hồi cảnh báo một cách khó hiểu

- Như vậy, cảnh báo mà phường Hạ Đình đưa ra ban đầu là rất có ý nghĩa và trách nhiệm. Nhưng sau đó văn bản cảnh báo này đã bị thu hồi. Ông nhìn nhận trách nhiệm của chính quyền trong vụ việc này thế nào?

- Đúng vậy. Tôi đánh giá cao cảnh báo ban đầu của phường Hạ Đình sau khi vụ cháy, còn việc thu hồi văn bản cảnh báo sau đó thì… lạ quá, khó hiểu quá.

Việc cảnh báo là cần thiết vì sức khỏe cộng đồng của rất đông người trong khu vực. Nếu nói như quận Thanh Xuân là thu hồi vì “không đủ cơ sở” thì không thuyết phục, bởi đây chỉ là cảnh báo chứ đã có kết luận gì đâu.

Việc cảnh báo là trách nhiệm của chính quyền địa phương, giúp người dân đề phòng các nguy cơ. Việc xảy ra trên địa bàn của anh, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của rất nhiều người dân thì chính quyền phải là người cảnh báo.

Hành động thu hồi cảnh báo đang đi ngược lại với nhiều nước tiên tiến khác. Thông thường, cảnh báo chỉ được thu hồi khi đã kết luận an toàn tuyệt đối sau khi đã kiểm tra môi trường và có kết quả giám định mẫu.

Nhưng chúng ta lại đi thu hồi văn bản cảnh báo ngay khi các đơn vị chuyên môn đang tiến hành lấy mẫu để xác định mức độ an toàn của môi trường, khiến nhiều người có thể đặt dấu hỏi về trách nhiệm của chính quyền, họ đã thực sự coi trọng tính an toàn cho cuộc sống người dân?

Các cơ quan chuyên môn tiến hành quan trắc môi trường ở khu vực xung quanh vụ cháy Công ty Rạng Đông. Ảnh: Hồng Quang.

Các cơ quan chuyên môn tiến hành quan trắc môi trường ở khu vực xung quanh vụ cháy Công ty Rạng Đông. Ảnh: Hồng Quang.

- Là chuyên gia, ông nhận định thế nào về nguy cơ mất an toàn khi xảy ra vụ cháy kho hàng của Công ty Rạng Đông?

- Giờ phải có số liệu về lượng thủy ngân lưu giữ trong kho của công ty này mới có thể nhận định. Từ số liệu chính xác mới tính ra được theo công thức với số lượng thủy ngân như thế thì tỷ lệ bốc hơi là bao nhiêu, phát tán trong không gian thế nào, nồng độ ra sao và đâu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.

Đến nay chúng ta mới có con số từ thông báo của “người trong cuộc” là Công ty Rạng Đông, nhưng lẽ thường, người ta có quyền nghi ngờ con số thực mà chính công ty này đưa ra. Đây là vấn đề phải tính đến.

Bởi vậy, việc cần thiết bây giờ là các cơ quan chức năng phải vào cuộc sớm, phải điều tra, làm rõ lượng thủy ngân trong kho hàng của Công ty Rạng Đông là bao nhiêu. Việc này cần cơ quan độc lập chứ không thể hoàn toàn dựa vào báo cáo của công ty.

Việc nhập các hóa chất độc hại như thủy ngân phải qua cửa hải quan hoặc Bộ Công Thương, có quy trình chặt chẽ, giấy tờ chứng thực đầy đủ nên nếu cơ quan chức năng vào cuộc sẽ không khó làm rõ vấn đề này.

Hơn nữa, trong kho hàng đó, ngoài thủy ngân trong các bóng đèn, có thể còn lượng dự trữ trong kho hoặc còn các loại hóa chất khác, nên cơ quan chức năng cần sớm làm rõ để thông tin, để người dân không hoang mang.

Ngay trong thông báo của Công ty Rạng Đông, đơn vị này “lập lờ” cho rằng đã sử dụng amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng, nhưng người trong lĩnh vực mới biết rằng amalgam chính là hỗn hợp của thủy ngân với một kim loại ở thể rắn.

Khi bóng đèn vỡ, nó có thể an toàn hơn khi dùng thủy ngân lỏng, nhưng trong vụ cháy mà nhiệt độ lên tới hàng nghìn độ C thì không còn an toàn nữa, nó hoàn toàn có khả năng khuếch tán vào không khí.

- Cảm ơn ông!

Hoài Thu (Thực hiện)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phai-dieu-tra-luong-thuy-ngan-trong-kho-hang-cua-cong-ty-rang-dong-post984997.html