Phái đoàn hòa bình châu Phi đến Nga, Ukraine không đúng lúc

Tuần trước, phái đoàn gồm đại diện 7 quốc gia châu Phi lần lượt sang thăm Ukaine và Nga.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gửi đến hai người đồng cấp Nga và Ukraine cùng một thông điệp: “Chúng tôi muốn cuộc chiến này kết thúc”.

Ông cũng nhấn mạnh lắng nghe cả hai bên rất quan trọng với phái đoàn. Nhưng những gì họ nghe được không lạc quan lắm.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nhấn mạnh chỉ chấp nhận ngồi lại đàm phán khi lực lượng Nga rút khỏi lãnh thổ nước này. Nhà lãnh đạo Ukraine còn đặt nghi vấn về động cơ chuyến thăm, công khai hỏi rằng vì sao phái đoàn còn đến St.Petersburg sau khi Nga tấn công tên lửa vào Kyiv ngay ngày họ đến.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại nhưng Ukraine không đáng tin cậy. Nhà lãnh đạo Nga cho phái đoàn xem dự thảo thỏa thuận hòa bình ở đợt đàm phán lúc cuộc chiến mới bắt đầu mà phía Ukraine từ chối.

Thời điểm phái đoàn châu Phi thực hiện chuyến thăm - trong lúc Ukraine tiến hành phản công ngoài chiến trường - bị nghi ngờ ngay từ đầu. Cả Ukraine lẫn Nga đều chưa hứng chịu thất bại quân sự lớn đến mức phải ngồi vào bàn đàm phán. Chuyến thăm không đúng lúc này cho thấy rõ hiện tại hai nước đều đang tìm kiếm đồng minh hơn là người hòa giải.

Phái đoàn châu Phi tại Ukraine - Ảnh: AP

Phái đoàn châu Phi tại Ukraine - Ảnh: AP

Ukraine hoài nghi động cơ của Tổng thống Ramaphosa

Dù phái đoàn châu Phi cố gắng nhấn mạnh họ giữ lập trường trung lập, nhưng Ukraine vẫn hoài nghi đặc biệt là với Tổng thống Ramaphosa.

Đảng ANC của Tổng thống Ramaphosa có quan hệ chặt chẽ với Nga suốt nhiều thập kỷ. Cáo buộc Nam Phi cung cấp vũ khí cho Nga do phía Mỹ đưa ra gần đây càng làm tăng thêm nghi ngờ.

Nhà phân tích Hanna Shelest (Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ) cho biết chính phủ Ukraine vốn hy vọng việc tận mắt chứng kiến cảnh chiến tranh sẽ khiến phái đoàn châu Phi thay đổi lập trường. Nhưng cuối cùng lại chẳng có lời lên án nào, thậm chí chỉ trích Nga tấn công tên lửa vào Kyiv đúng dịp phái đoàn sang cũng không.

Khi Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly gọi cuộc chiến hiện tại là “xung đột”, Tổng thống Zelensky không ngần ngại bày tỏ sự thất vọng trong cuộc họp báo chung.

Sang thăm để cứu thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc?

Mặc dù không đúng lúc để thúc đẩy đàm phán hòa bình, chuyến thăm lại có ý nghĩa ở một khía cạnh: giá lương thực.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sắp hết hạn vào ngày 17.7. Các nhà lãnh đạo châu Phi nhấn mạnh thỏa thuận cần được tiếp tục gia hạn, nhưng tín hiệu từ Điện Kremlin không hứa hẹn lắm.

Trước đây Nga nhiều lần đe dọa không đàm phán gia hạn, thậm chí rút khỏi trong vài ngày trước khi đồng ý duy trì thỏa thuận. Tuy nhiên giới phân tích lo ngại lần này họ sẽ hành động mạnh tay hơn.

Tổng thống Nga (phải) đón tiếp phái đoàn châu Phi tại St.Petersburg - Ảnh: AP

Tổng thống Nga (phải) đón tiếp phái đoàn châu Phi tại St.Petersburg - Ảnh: AP

Tổng thống Putin nói với phái đoàn châu Phi rằng không phải cuộc chiến khiến giá lương thực tăng vọt, chính sách kinh tế của phương Tây trong đại dịch COVID-19 mới là nguyên nhân. Ông từng cáo buộc Ukraine lợi dụng thỏa thuận để bán nông sản cho châu Âu thay vì các nước đang phát triển.

Phái đoàn châu Phi nhận được một cam kết mơ hồ: Nga sẽ cung cấp một lượng ngũ cốc hạn chế cho các quốc gia nghèo nhất – động thái khó lòng làm giảm tác động của việc tăng giá nếu thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen hết hạn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phai-doan-hoa-binh-chau-phi-den-nga-ukraine-khong-dung-luc-201336.html