Phái đoàn Việt Nam tại Geneva trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám
Chiều 19/8, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám. Lễ kỷ niệm có sự tham dự của các đảng viên Chi bộ Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, gồm cán bộ, nhân viên, phu nhân và phu quân.
Các cán bộ, nhân viên Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva chụp ảnh lưu niệm tại Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám diễn ra tại trụ sở Phái đoàn.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu tham dự đã cùng nhau xem bộ phim tài liệu Ngày Độc lập, với những hình ảnh sống động của sự kiện lịch sử Cách mạng tháng Tám và Lễ Tuyên ngôn Độc lập cách đây 75 năm. Ngay khi được tin Nhật đầu hàng đồng minh, nửa đêm ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân Tổng khởi nghĩa. Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội đã phát động nhân dân Hà Nội nổi dậy và đã giành chính quyền ngày 19/8/1945.
Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8/1945 cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn trên cả nước, chính quyền đã về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ôn lại ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva nhấn mạnh, cách đây 75 năm, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám, một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót nghìn năm; giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam độc lập, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; đồng thời đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân dân các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Phát huy các bài học của Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất hai miền Nam-Bắc, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đặc biệt, qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...
Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Đời sống Nhân dân ngày càng cải thiện, nâng cao, không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, văn hóa xã hội không ngừng phát triển. Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình, đạt được hầu hết các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs); đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc...
Vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Các cán bộ, nhân viên Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva tham dự Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám cùng nhau xem bộ phim tài liệu về Cách mạng tháng Tám và Ngày Độc lập 2/9/1945.
Ngày nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước và là thành viên của rất nhiều tổ chức hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế. Việt Nam có quan hệ thương mại, kinh tế với hầu khắp các nước, nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam đã hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021). Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép, Chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Việt Nam có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam tiếp tục vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013), thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu thực hiện các mục tiêu: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân; rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết, trong không khí cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, toàn thể đảng viên, cán bộ, nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam và đại diện của cơ quan khác của Việt Nam tại Geneva cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử vĩ đại, để hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị của Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập, quyết tâm phát huy thành quả, kinh nghiệm của sự nghiệp cách mạng, không ngừng trau dồi học tập lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đúng quy định đối với đảng viên, quán triệt đường lối, các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong đó trọng tâm là xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, làm việc với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm và hiệu quả cao nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Phái đoàn Việt Nam tại Geneva có bề dày hoạt động đối ngoại từ năm 1974 với nhiều thành tích đóng góp quan trọng cho hoạt động đối ngoại và thành tựu chung của đất nước trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Phát huy thành quả, kinh nghiệm của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva quyết tâm tiếp tục thi đua đạt thành tích, đóng góp tích cực vào việc triển khai chính sách đối ngoại và công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước, đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.