Phái đoàn Việt Nam tại Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp hiệp hội ngành nghề

Phái đoàn Việt Nam tại Thụy Sĩ luôn sẵn sàng cùng các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề liên quan trong nước nhằm góp phần tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Đại sứ Mai Phan Dũng tham dự hội thảo chuyên đề. Ảnh: TTXVN phát

Đại sứ Mai Phan Dũng tham dự hội thảo chuyên đề. Ảnh: TTXVN phát

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, tại hội thảo chuyên đề về “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế” do trường Đại học Ngoại thương và Ban Quản lý chương trình WTO Chair cùng Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức ngày 6/8, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã tham dự trực tuyến và có bài phát biểu.

Theo Đại sứ Mai Phan Dũng, thời gian qua tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức hơn đối với thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó, các nước có xu hướng tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại và sửa đổi quy định luật pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ hơn nữa ngành sản xuất trong nước của mình. Điều này đã gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, theo số liệu cập nhật nhất tại báo cáo thường niên của WTO vừa công bố ngày 30/7 vừa qua, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, EU, Canada, … những đối tác thương mại lớn của Việt Nam - cũng là những thành viên WTO tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và điều tra nhiều vụ việc với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, cũng theo báo cáo này, số vụ việc điều tra tự vệ năm 2023 gia tăng so với giai đoạn trước đó.

Ngoài ra, chỉ tính trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, số vụ việc chống bán phá giá liên quan đến sản phẩm thép đã chiếm gần 15% các vụ việc mới và tiếp tục là đề tài thảo luận chính trong các phiên họp của Ủy ban Chống bán phá giá tại WTO.

Ở chiều ngược lại, trong việc vận dụng công cụ phòng vệ thương mại để tiến hành điều tra đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam, qua số liệu Phái đoàn có được thông qua hoạt động phối hợp với Cục phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương, Việt Nam đã tiến hành điều tra gần 30 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến sản phẩm thép.

Đại sứ Mai Phan Dũng cho rằng, các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam đã sử dụng hiệu quả công cụ được pháp luật cho phép này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu.

Thời gian qua, tại phiên họp của các ủy ban phòng vệ thương mại WTO, một số chủ đề được các thành viên quan tâm thảo luận đáng lưu ý là vấn đề các chính sách trợ cấp công nghiệp và dư thừa công suất trong một số ngành như thép, nhôm, chất bán dẫn, vấn đề trợ cấp xanh...

Đại sứ Mai Phan Dũng cho rằng các đơn vị, hiệp hội liên quan trong nước có thể có những quan tâm nghiên cứu, phân tích thêm để đánh giá về tác động đối với ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam tại Geneva cũng khuyến nghị cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, hiệp hội tận dụng hiệu quả hơn nữa các diễn đàn liên quan tại WTO, nên coi đây là kênh đa phương rất hữu ích, bên cạnh các kênh song phương khác, để có thể bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu bị nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong phạm vi công việc phụ trách, Phái đoàn Việt Nam tại Thụy Sĩ luôn sẵn sàng nỗ lực đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề liên quan trong nước nhằm góp phần tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Anh Hiển/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phai-doan-viet-nam-tai-thuy-si-san-sang-ho-tro-cac-doanh-nghiep-hiep-hoi-nganh-nghe/342955.html