Phải giữ doanh nghiệp 'sống' trước khi nghĩ đến giảm thuế cho họ

Hôm nay (11/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020.

Thông báo kết luận số 77 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là rất kịp thời. Vấn đề bây giờ là triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn Hà Nội cho rằng, tình huống đặc biệt thì cần phải có giải pháp đặc biệt.

“Chúng ta đều hiểu khi có khủng hoảng kinh tế, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ kích cầu nền kinh tế. Theo thống kê ngân sách nhà nước có khoảng 700.000 tỷ đồng, giải ngân dự kiến cho năm 2020. Đây là một khối lượng rất lớn, gấp hơn 2 lần so với số giải ngân thực tế của năm 2019. Vậy, nếu không có các giải pháp đặc biệt, rất khó cuối năm có thể giải ngân hết được, để góp phần giải cứu nền kinh tế, kích cầu và giúp kinh tế đứng vững và phát triển”, đại biểu Nguyễn Phi Thường phân tích.

Việt Nam vẫn chưa đủ cạnh tranh để thu hút khối ngoại

Sau Covid-19, đứt gãy chuỗi giá trị càng rõ nét, thể hiện ở xu hướng dịch chuyển khỏi công xưởng thế giới là Trung Quốc sang Ấn Độ, ASEAN… Chúng ta nếu không có những giải pháp đặc biệt về quy trình, nguồn lực, thủ tục đầu tư, con người, mặt bằng sẵn sàng thì khó chớp được thời cơ.

“Chúng ta có một loạt khu kinh tế, khu công nghiệp, tuy nhiên thống kê cho thấy đến 50% diện tích của chúng ta vẫn chưa sử dụng hết. Vậy làm sao để chúng ta cạnh tranh được với các nước ASSEAN, Ấn Độ. Chúng ta có gì đặc biệt thì họ mới vào. Còn nếu chúng ta không có giải pháp đặc biệt gì mà cứ bình bình như hiện nay, thì năng lực cạnh tranh của chúng ta về một số mặt là rất yếu”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu rõ.

Điều này thể hiện rõ khi cuối năm 2019, tổng vốn đầu tư của khối ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 36 tỷ đồng, hiện nay rút ròng liên tục còn ở mức khoảng 30 tỷ đồng.

Muốn huy động sức dân, lấy nguồn lực trong dân, cần phải có giải pháp đặc biệt. Chính phủ cũng đã kịp thời có chính sách hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên làm sao để đến đúng đối tượng vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

“Quốc hội đưa vào chương trình việc xem xét hỗ trợ miễn, giảm thuế của năm 2020 cho doanh nghiệp rất tốt và kịp thời. Tuy nhiên tôi cho rằng cần biện pháp mạnh hơn nữa. Bởi vì doanh nghiệp phải sống sót thì mới nói đến câu chuyện đóng thuế được”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Còn đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TPHCM thì cho rằng, cần xem chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống chưa. Tuy đã có hiệu quả nhưng đâu đó vẫn còn những tồn tại. Doanh nghiệp thành lập mới, do ảnh hưởng chung, trong 4 tháng đầu năm doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập. Cần có nhìn nhận đánh giá, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Đối với các chính sách hỗ trợ sau dịch, miễn giảm thuế, giãn nợ, đã làm như thế nào. Cần có đánh giá kỹ hơn, để thật sự các chính sách thực thi như thế nào có hiệu quả. Các doanh nghiệp sử dụng hỗ trợ nhà nước để vực dậy sản xuất, kinh doanh ra sao”, đại biểu Trần Anh Tuấn nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lên hầu hết các doanh nghiệp, tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn. Bởi lẽ khả năng tích lũy, nguồn vốn dự trữ để vượt qua giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp dạng này thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp lớn.

Chính sách của Chính phủ hướng vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là hoàn toàn phù hợp. Tất nhiên đây không phải chính sách dài hạn, mà chỉ là một chính sách để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đánh giá cao tiêu chí chính sách đưa ra lần này rất rõ ràng, nên sẽ không có tình trạng “đi đâu để hỏi?”

“Nhiều chính sách ban hành nhưng đối tượng thụ hưởng nhiều khi không được hưởng. Thế nhưng chính sách lần này đưa ra tiêu chí rất rõ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về vốn và số lượng lao động. Như vậy cứ doanh nghiệp nào cung cấp thông tin đầy đủ về hai yếu tố đó, sẽ đều được hưởng hỗ trợ này”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, nếu đối với doanh nghiệp lớn, chỉ cần thực hiện hoãn, giãn thuế thì sau một thời kỳ, họ có thể phục hồi lại; Còn đối với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vì nguồn tích lũy rất ít, việc giảm thuế đấy sẽ là một khoản hỗ trợ trực tiếp, giúp doanh nghiệp đỡ đi một phần gánh nặng về nghĩa vụ, để dành nguồn lực để tái tạo hoạt động./.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phai-giu-doanh-nghiep-song-truoc-khi-nghi-den-giam-thue-cho-ho-1058308.vov