Phải giúp dân thoát nghèo bền vững

Người dân chưa muốn thoát nghèo là do cách làm và chất lượng của chương trình mục tiêu chưa tốt, chưa có sự bền vững

Ngày 30-10, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) dành trọn ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện các nghị quyết của QH về 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Mong trở lại hộ nghèo

Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho biết còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025. Nguyên nhân là các xã sợ khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức. "Đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm" - ông Minh nói.

Theo ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên), việc thoát nghèo và giảm nghèo, nghèo hay không nghèo là biến số, giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. "Một gia đình có thể đang rất bình thường nhưng nếu chỉ cần có một người ốm, một người bị bệnh nặng đi điều trị, tự nhiên trở thành người nghèo" - ông Nghĩa nói. Theo ĐB Đỗ Chí Nghĩa, quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo và ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, của các chương trình mục tiêu, các chính sách nhà nước vẫn chỉ là sự hỗ trợ và chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể đã có ý thức vươn lên. Phải có một sự thay đổi rất cơ bản về mặt nhận thức của đối tượng, của các chủ thể được thụ hưởng các chính sách này. "Tại sao cùng trong một điều kiện của khu vực, hoàn cảnh có những người vươn lên thoát nghèo nhưng có những người cứ khó khăn mãi và chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo? Tại sao có những người thoát nghèo thì buồn nhưng trở lại hộ nghèo lại vui? Vì họ quan tâm đến chính sách hỗ trợ" - ĐB Nghĩa nói.

Ở góc nhìn khác, ông Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho rằng việc người dân nhận thức chưa tốt, chưa muốn thoát nghèo, không hẳn do họ không có ý chí. Nguyên nhân căn cơ là chương trình của chúng ta từ cách làm, đến chất lượng chưa tốt, chưa có sự bền vững hoặc bền vững chưa cao để người dân có thể tin tưởng. Theo ông Hạ, các chương trình mục tiêu quốc gia có thực trạng hết chương trình, hết dự án, người dân nghèo lại hoàn nghèo. "Vì vậy, cách làm và chất lượng của chương trình phải bền vững để người dân tự nhận thức, không ai muốn quay lại nghèo".

Nói về nguy cơ tái nghèo do ốm đau, bệnh tật, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhận định vấn đề này có một phần nguyên nhân từ thiết kế các chương trình giảm nghèo. Theo ông Hiếu, có 7 dự án nhưng chưa có dự án cụ thể nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân ở các địa bàn khó khăn. Qua thực tế giám sát cho thấy một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tái nghèo là nhà có người ốm. Một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh là tất cả tiền dự trữ trong nhà "đội nón ra đi", chưa kể phải vay mượn khắp nơi. Ra viện về nhà kèm theo tàn phế không còn khả năng lao động, lại là một gánh nặng để gia đình phải chăm sóc. ĐB Hiếu mong QH đặc biệt lưu ý vấn đề này và bố trí nguồn lực tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luậnẢnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luậnẢnh: Phạm Thắng

3 chương trình đều giải ngân chậm

Trước khi QH thảo luận, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, đã trình bày báo cáo của đoàn giám sát QH về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bên cạnh nêu những kết quả tích cực đã dẫn ra nhiều tồn tại, hạn chế, cần phải khắc phục.

Với chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến độ giải ngân ngân sách trung bình năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp (đến 30-6) mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm. Việc huy động nguồn lực nhân dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới hạn chế; cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp; công việc duy trì kết quả ổn định ở một số xã sau khi hoàn thành nông thôn mới còn hạn chế. Về chương trình giảm nghèo, việc phân bổ ngân sách trung ương cũng còn chậm. Tại các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỉ lệ hộ nghèo, chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm. Bên cạnh đó, trong công tác giảm nghèo nói chung còn có tình trạng một số địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc để phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã "chạy theo thành tích" giảm nghèo đa chiều nhưng trên thực tế nhiều tiêu chí quan trọng về chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất, bền vững.

Với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến tháng 6-2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Giải ngân vốn sự nghiệp là vấn đề rất đáng quan tâm, năm 2022 giải ngân đạt 5,2%, năm 2023 (đến 30-6) giải ngân được 3,9% kế hoạch năm. Do đó, chương trình khó có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến hết năm 2025; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao.

Cuối phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ đã báo cáo giải trình, làm rõ những nội dung ĐB nêu và đề xuất những giải pháp để thực hiện chương trình tốt hơn trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn QH đã lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề này, chỉ ra nhiều vấn đề quan trọng, cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này.

Hôm nay (31-10), QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024...

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/phai-giup-dan-thoat-ngheo-ben-vung-20231030212003826.htm