Phải hài hòa giữa kinh tế và môi trường

Việt Nam hiện có 11 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận vào ngày 2-12-2004, nằm trong mạng lưới 11 khu sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Tổng diện tích của khu dự trữ sinh quyển theo báo cáo định kỳ đệ trình UNESCO năm 2014 là 105,557 ha, trong đó: Vùng lõi: 14.167 ha, bao gồm vùng lõi 1 với 7.100 ha thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy và vùng lõi 2 với 7.067 ha thuộc KBTTN đất ngập nước Tiền Hải; vùng đệm: 36.849 ha; vùng chuyển tiếp: 54.541 ha.

Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là nơi bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển đặc trưng của miền Bắc Việt Nam với nhiều sinh cảnh khác nhau như thảm rừng và cây gỗ ngập mặn, sinh cảnh rừng trồng phi lao, sinh cảnh đầm tôm, sinh cảnh cồn cát và bãi cát, sinh cảnh phù sa bồi lắng, sinh cảnh mặt nước.

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Ảnh: Văn Duẩn

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Ảnh: Văn Duẩn

Đây cũng là nơi cư trú và kiếm ăn của các loài chim, đặc biệt là chim nước và chim di cư, với số lượng lên đến trên 220 loài. Trong đó, phải kể đến loài cò thìa (Platalea minor) - loài gần như bị tuyệt chủng toàn cầu vào những năm 1980. Sau những nỗ lực bảo tồn giữa nhiều quốc gia châu Á trong những năm gần đây, quần thể loài này quay trở lại với xu hướng tăng đều đặn. Khu vực này cũng có gần 100 loài thực vật ngập mặn bậc cao và là nơi cung cấp nơi sống và bãi đẻ của rất nhiều loài động vật thủy sinh.

KBTTN đất ngập nước Tiền Hải có lịch sử hình thành đã 30 năm, kể từ khi UBND huyện Tiền Hải xây dựng đề án thành lập vào năm 1993. Mục đích của việc thành lập là nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của châu thổ sông Hồng, bảo vệ các loài chim nước và chim di cư có tầm quan trọng quốc gia và toàn cầu, bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.

KBTTN đất ngập nước Tiền Hải cũng được các tổ chức quốc tế xếp trong danh sách 63 khu vực được xác định là vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu ở Việt Nam. Vùng chim quan trọng (Important Bird Area - IBA) là khu vực có tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn các loài chim ở các cấp độ toàn cầu, vùng và quốc gia, dựa trên các tiêu chí đã được cộng đồng quốc tế công nhận. IBA không chỉ quan trọng đối với các loài chim mà còn quan trọng đối với nhiều nhóm động thực vật khác. Hơn thế nữa, nhiều IBA còn có ý nghĩa đối với sức khỏe và kinh tế của con người thông qua việc bảo vệ các lưu vực, điều tiết lũ lụt hoặc là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên.

Tiền Hải cũng thuộc danh sách 122 khu vực đa dạng sinh học trọng điểm của Việt Nam (khu vực đa dạng sinh học trọng điểm - KBA). KBA là những nơi quan trọng nhất trên thế giới đối với các loài và môi trường sống của chúng. Các tiêu chí của KBA cũng đóng vai trò quan trọng để xác lập một khu bảo tồn thiên nhiên.

Với tầm quan trọng đối với đa dạng sinh học của Việt Nam cũng như toàn cầu, KBTTN đất ngập nước Tiền Hải được xác định là vùng lõi 2 của Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Có thể nói đây là một nửa trái tim của khu dự trữ sinh quyển.

Với việc giảm diện tích KBTTN đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, UBND tỉnh Thái Bình có thể đã đặt dấu chấm hết cho Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Với việc mất hầu hết diện tích vùng lõi 2, khu dự trữ sinh quyển đã không còn bảo đảm các tiêu chí đã được công nhận.

Với việc giảm 9/10 diện tích, KBTTN đất ngập nước Tiền Hải không thể bảo đảm được các chức năng và dịch vụ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học như đã đặt ra khi xây dựng khu vực bảo tồn này. Nói "xóa sổ" khu bảo tồn cũng hoàn toàn đúng vì với diện tích quá nhỏ như vậy, việc đáp ứng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học là không thể đáp ứng được.

Tỉnh Thái Bình cần rà soát lại quá trình xây dựng quy hoạch khu kinh tế nhằm bảo đảm không có các sai sót dẫn đến chồng lấn diện tích với KBTTN đất ngập nước Tiền Hải. Các quy hoạch phát triển vẫn phải đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa kinh tế và môi trường, bảo tồn thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Chính phủ đặt ra.

Thái Bình cần phục hồi lại nguyên trạng diện tích KBTTN đất ngập nước Tiền Hải, duy trì danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng.

Bên cạnh đó, cần rà soát những diện tích chồng lấn hoặc bị lấn chiếm phục vụ các hoạt động kinh tế để bảo đảm không phá vỡ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

Văn Duẩn ghi

Chuyên gia Trịnh Lê Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/phai-hai-hoa-giua-kinh-te-va-moi-truong-20230907213348009.htm