Phải hiểu phong tục, tập quán của người dân

CTVDS huyện Sông Hinh tuyên truyền cho người dân về công tác DS-CSSKSS. Ảnh: NGỌC LY

Công tác DS-KHHGĐ có vai trò rất quan trọng, góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), cung cấp các biện pháp tránh thai (BPTT) cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Để làm tốt công tác này, những cán bộ phụ trách công tác dân số huyện Sông Hinh luôn gần gũi người dân, tìm hiểu những phong tục tập quán của bà con để đề ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất.

Nhiều khác biệt, khó khăn

Chị Văn Thị Gái, cộng tác viên dân số (CTVDS) thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang, nói: Tập tục về sinh đẻ và sử dụng các BPTT của những cặp vợ chồng ở các xã vùng đồng bào DTTS ở miền núi có nhiều điểm khác biệt so với đồng bằng. Do đi làm nương rẫy xa, không gần các trạm y tế xã nên khi sinh đẻ, phụ nữ đồng bào DTTS thường nhờ vào các bà đỡ, bà lang hoặc tự mình làm hết mọi việc.

Thế nên mỗi lần đi vận động, tuyên truyền về dân số, mình phải tìm hiểu rõ phong tục tập quán của họ để vận động sẽ có hiệu quả hơn. Nhưng điều khó khăn thường gặp nhất trong công tác CSSKSS là chị em thường đi làm cho đến gần ngày sinh và có trường hợp sinh con khi đang làm việc tại rẫy.

Mí Len ở thôn Suối Biểu, nói: “Năm ngoái, khi gần đến ngày sinh nở, nhưng tôi vẫn phải ra đồng. Đúng lúc đó, bụng nặng, có dấu hiệu sắp sinh, may mắn là có chồng chở nhanh vô trạm y tế xã, chứ không là “đẻ rớt” rồi”. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được “mẹ tròn con vuông” như Mí Len, vì có nhiều trường hợp cả mẹ lẫn con đã tử vong ngay tại nương rẫy của gia đình.

Một trong những khó khăn nữa, đó là việc cung cấp và sử dụng các BPTT của phụ nữ miền núi cũng có sự khác biệt so với chị em ở đồng bằng. Chị Hờ Chăm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hai Riêng chia sẻ: Người Ê Đê, Ba Na… một gia đình thường có 2-3 thế hệ cùng chung sống, không có phòng riêng mà chỉ ngăn cách bởi tấm rèm vải nên các cặp vợ chồng trẻ muốn sử dụng các BPTT hiện đại, như dùng bao cao su cảm thấy rất bất tiện.

Bên cạnh đó, mặc dù theo mẫu hệ, nhưng việc quyết định sử dụng BPTT nào lại phụ thuộc vào người đàn ông. Vì thế, việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của người đàn ông trong gia đình về các BPTT cũng gặp không ít khó khăn.

Sâu sát và chân tình

Để giúp chị em DTTS ở miền núi hạn chế tỉ lệ tử vong ở mẹ và con lúc mới sinh, chủ động sử dụng các BPTT hiện đại an toàn và phù hợp, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh đã tập trung tuyên truyền, tư vấn, cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và cung cấp gói “đẻ sạch”. Hiện nay, đa số chị em trẻ tuổi, sinh con lần đầu đã tìm đến các trạm y tế xã để đảm bảo sức khỏe và an toàn; các cặp vợ chồng có 2 con trở lên chủ động đến trạm y tế đặt vòng hoặc đến bệnh viện huyện triệt sản…

Vợ chồng chị Bùi Thị Vi ở khu phố 8, thị trấn Hai Riêng có 4 con, điều kiện kinh tế khó khăn nên đã chủ động đi triệt sản để có thời gian làm ăn, nuôi dạy con tốt hơn. Chị Vi chia sẻ: “Vợ chồng tôi quyết định đi triệt sản để có thời gian chăm sóc, nuôi con tốt hơn, để chúng được học hành tới nơi tới chốn”.

Anh Phạm Minh Mỹ, Trưởng Phòng Dân số, y tế cơ sở (Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh) cho biết: Với cách làm truyền thông trực tiếp, bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu”, các CTVDS đã giúp người dân hiểu được việc CSSKSS/KHHGĐ là điều cần thiết. Đây là cách tốt nhất để giảm sinh, thoát nghèo, con cái được học hành, chăm sóc đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, cái khó của người làm công tác truyền thông dân số ở vùng đồng bào DTTS là phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt của người dân; cách chọn chủ đề tuyên truyền và thời gian thích hợp để tiếp cận đúng lúc, đúng nơi, đúng người. Khi người dân đã thấm nhuần, họ sẽ chủ động và tự nguyện sử dụng các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ vì lợi ích của chính bản thân và gia đình họ. Để làm được điều này, các cán bộ chuyên trách, đội ngũ CTVDS ở cơ sở cần phải sâu sát và chân tình để bà con tin tưởng, chia sẻ.

Để công tác DS-KHHGĐ và CSSKSS cho bà con vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao hơn, ngoài việc am hiểu phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý của bà con, các cán bộ chuyên trách, đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở cần phải sâu sát và chân tình để bà con tin tưởng, chia sẻ.

Trưởng Phòng Dân số, y tế cơ sở (Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh) Phạm Minh Mỹ

NGỌC LY - HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/249350/phai-hieu-phong-tuc-tap-quan-cua-nguoi-dan.html