Phải kiên quyết hơn với phí 'bôi trơn'
Tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vòi vĩnh, để muốn 'có qua, có lại', nhận hay đòi 'lại quả', nhận phí 'bôi trơn'… đã tồn tại từ lâu. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quyết liệt ra tay xóa bỏ nhưng đâu đó nó vẫn còn hiện diện và gây ra không ít phiền hà, thiệt hại cho nhân dân, doanh nghiệp (DN), đất nước. Và điều đáng mừng là, theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 4-2021, thì chi phí không chính thức hay dân gian gọi là phí 'bôi trơn' tiếp tục giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá cao, điều này đòi hỏi chính quyền các tỉnh, thành phố yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan chức năng của địa phương tăng cường sự công khai, minh bạch hơn nữa, quyết liệt trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh - gốc của cơ chế 'xin - cho', một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Những con số vẫn còn lo ngại
Thực tế cuộc sống đã chứng minh, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Vì vậy, quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa. Ngày nay, một số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất thường có tính gian dối trong thái độ, hành vi và có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Và ở những người này, 2 tính xấu nêu trên thường song hành với nhau. Trong cuộc sống đã có không ít người đi làm thủ tục hành chính nhưng không đưa quà biếu, không "lót tay" cho cán bộ, công chức thì bị hành bằng cách vẽ ra thiếu cái này, thiếu cái kia, cần bổ sung thêm. Khi người dân mang đủ hồ sơ thì lại vẽ ra thiếu cái khác. Thậm chí có trường hợp nộp đủ hồ sơ, không còn gì bắt bẻ nữa thì bảo lúc này hết giờ làm việc, mai lên nộp, mai lên nộp thì bảo lãnh đạo đi họp nên chưa trình ký… và hàng loạt lý do khác gây chậm trễ, phiền hà cho người dân.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn không ít người quen với triết lý khôn vặt “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Do đó, khi đi làm thủ tục hành chính hay bất cứ việc gì có liên quan đến công quyền thì họ mong muốn hồ sơ của mình được tiếp nhận và giải quyết nhanh hơn, hoặc chí ít là đúng thời hạn luật định nên họ đã tự nguyện biếu quà, sẵn sàng phong bì để “lót tay” cho những cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước. Lại có những kẻ không chịu nhận tiền của người dân nên không làm cho dân. Thậm chí có người muốn nhận tiền của dân nhưng không dám nói ra và khi người dân không biết, không biếu quà thì gây khó dễ, chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính. Nếu có ai đó thắc mắc, khiếu nại hay tố cáo thì họ ngụy trang bằng hàng loạt lý do.
Theo báo cáo PCI năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vẫn còn tới 44,9% DN phải trả chi phí không chính thức và trong năm 2019, con số này là 53,6%. Tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra còn 27,7%. Tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “Việc chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” là 40%, trong khi đó ở năm 2017 là 54,9%. Tỷ lệ DN lo ngại tình trạng “chạy án” nên không đưa vụ việc tranh chấp qua tòa án còn 23%. DN có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai năm 2020 là 32%. Đặc biệt, tỷ lệ DN cho biết: “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến” còn tới 54,1% trong năm 2020… Từ số liệu nêu trên cho thấy tỷ lệ DN chi trả phí “bôi trơn” đã giảm dần và điều này thể hiện sự nỗ lực của các tỉnh, thành trong việc cải thiện thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không chính thức. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá cao, cần tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa.
Giải pháp triệt tiêu phí “bôi trơn”
Từ thực tiễn ở Bình Phước những năm qua cho thấy, giải pháp quan trọng nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và đặc biệt là kiểm tra, giám sát của thủ trưởng các sở, ngành và từng cơ quan, đơn vị. Nếu người đứng đầu quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thủ tục, đồng thời tổ chức hướng dẫn tận tình cho người dân, giám sát kỹ việc làm của cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị… thì việc làm khó người dân chắc chắn sẽ không xảy ra. Bên cạnh đó, chính các cơ quan liên quan tự mình tuyên truyền cho người dân khi đi làm thủ tục hành chính không nên giữ suy nghĩ đó là việc “xin - cho”, mà là quyền lợi chính đáng của mình. Việc làm thủ tục hành chính cho mình là trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, năng lực của cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc "ngâm" hồ sơ. Khi mà năng lực không đủ thì việc giải quyết hồ sơ sẽ bị chậm. Vì vậy, đối với cán bộ, công chức, viên chức có năng lực kém thì “Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ” - Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019.
Về lâu dài, rất cần cơ chế pháp lý để người dân thực hiện quyền đòi bồi thường thiệt hại trong những trường hợp cán bộ, công chức không làm tròn trọng trách của mình, từ đó dẫn đến thiệt hại cho người dân. Theo đó, đối với các trường hợp cố tình "ngâm" hồ sơ, gây phiền hà, chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cần được xử lý nghiêm để làm gương. Cụ thể, đối với hành vi “ngâm” hồ sơ dẫn đến việc người dân đưa tiền - cán bộ, công chức nhận tiền dưới 2 triệu đồng thì xử lý kỷ luật về hành vi “Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi” theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu số tiền đưa - nhận từ 2 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật mà vẫn vi phạm thì có thể bị khởi tố tội nhận hối lộ.
Nếu hành vi “ngâm” hồ sơ nhưng không dẫn đến hệ quả người dân đưa tiền - cán bộ, công chức nhận tiền nhưng gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của người dân vì không thực hiện được đúng hạn thủ tục hành chính thì có thể xem xét dưới góc độ hình sự về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo đó, tại Điều 356, Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.
Tội nhận hối lộ - Bộ luật Hình sự 2015
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm... Hình phạt cao nhất đối với tội danh này là phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Đồng thời, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/128244/phai-kien-quyet-hon-voi-phi-boi-tron