Phải làm bằng được!

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tạo và khai thác dữ liệu để sinh ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số...

Thời gian qua, việc phát triển và ứng dụng dữ liệu số đã có bước phát triển vượt trội. Như chỉ trong năm 2022, các nền tảng số nước ta đã thu hút 500 triệu tài khoản. Đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021...

Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi năm 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu nhằm tạo sự thay đổi cơ bản về dữ liệu. Theo đó, Bộ TT - TTsẽ cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về dữ liệu số, tạo điều kiện để tạo ra các "doanh nghiệp kỳ lân", đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng về sở hữu và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân.

Hoàn thiện kiến trúc hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu ở cấp độ quốc gia và cấp độ bộ, ngành, địa phương, trong cơ quan nhà nước. Hình thành mạng lưới quốc gia phục vụ liên thông giữa các hệ thống thông tin, các nền tảng số, các cơ sở dữ liệu quốc gia; các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ số, dữ liệu số cho người dân tốt hơn nữa trên không gian số; phát triển nguồn nhân lực...

Những vấn đề sẽ thực hiện trong năm về dữ liệu 2023 là trúng và đúng. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu này cũng như các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 là nước ta trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Thực hiện mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu - phải đồng thời xóa bỏ nhiều "điểm nghẽn".

Cụ thể như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, dù dữ liệu là quan trọng nhất trong công cuộc chuyển đổi số nhưng các nguồn dữ liệu hiện nay còn rời rạc, cục bộ, chưa có sự thống nhất. Các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến dữ liệu. Mỗi lần làm gì lại phải đi tìm dữ liệu. Rất khổ. Nguyên nhân là do các bộ, ngành, địa phương còn nghĩ đến lợi ích của mình hơn là lợi ích chung, chưa chủ động chia sẻ, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tích hợp dữ liệu. Do đó, các bộ, ngành phải tập trung cùng Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây là tài sản, tài nguyên đặc biệt cần được lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tạo nên giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia, tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Dữ liệu số là dữ liệu được thu thập và tạo ra trên các nền tảng số, các hệ thống thông tin, có thể sử dụng, khai thác để tạo ra thông tin, tri thức. Đây là loại tài nguyên mới nên theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số thì phải làm bằng được.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/phai-lam-bang-duoc-i311814/