Phải làm gì khi mua nhầm xe máy trộm cắp?

Nếu phương tiện đang sử dụng là tang vật của vụ trộm cắp, chủ sở hữu có được tiếp tục sử dụng phương tiện?

Anh Phạm Xuân Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội) gửi thắc mắc đến Zing sau khi qua một diễn đàn trên mạng, anh mua chiếc xe máy. Lúc CSGT kiểm tra, anh Tiến mới biết chiếc xe đó là tang vật của vụ trộm cắp. Vấn đề anh Tiến quan tâm là trong trường hợp này, người mua tài sản phải xử lý như thế nào?"

Trả lời câu hỏi của anh Tiến, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư Kết nối) cho biết trong trường hợp này, giao dịch giữa anh Tiến và người bán là giao dịch dân sự vô hiệu do chiếc xe máy là sản phẩm do trộm cắp mà có được.

Theo quy định tại Điều 117, 122 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, giao dịch dân sự sẽ bị coi vô hiệu nếu mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Trong trường hợp này, chiếc xe máy là tang vật của một vụ trộm cắp. Do đó nội dung của giao dịch giữa anh Tiến và người bán bị coi là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.

Theo Khoản 2, Điều 131, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Như vậy trong trường hợp này, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, anh Tiến có thể đến cơ quan công an để trình báo sự việc, sau đó khởi kiện người bán tài sản ra tòa để yêu cầu hoàn trả lại số tiền bạn đã mua xe.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phai-lam-gi-khi-mua-nham-xe-may-trom-cap-post1100594.html