Phải làm gì khi ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa?

Ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư dạ dày nói riêng ở nước ta đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân chỉ mới 20 tuổi thậm chí có những bệnh nhân là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.

Vì sao bị ung thư dạ dày?

Những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt không khoa học là một trong những nguyên nhân khiến ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa. Hiện tại, nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định quá rõ ràng ngoại trừ việc mắc vi khuẩn HP. Nếu trong trường hợp người bệnh mắc vi khuẩn HP thì có thể diệt trừ vi khuẩn HP để làm giảm nguy cơ mắc.

Ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày như tiền sử gia đình có người mắc, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 10 lần so với bình thường.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày như:

Ăn nhiều đồ muối, đồ ủ chua, đồ hun khói, đồ ăn nhanh làm tăng nguy cơ xuất hiện những tổn thương ung thư tại đường tiêu hóa.
Ăn ít chất xơ, lười vận động.

Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác như:

Hút thuốc kể cả hút thụ động
Người có polyp dạ dày
Bị viêm dạ dày mạn tính
Bị thiếu máu ác tính

Một ca bệnh mắc cùng lúc ung thư dạ dày và ung thư đại tràng.

Một ca bệnh mắc cùng lúc ung thư dạ dày và ung thư đại tràng.

Biểu hiện ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày cùng với ung thư đại tràng chiếm tỷ lệ cao trong các loại ung thư đường tiêu hóa. Biểu hiện của ung thư dạ dày phụ thuộc vào từng giai đoạn, ở giai đoạn sớm bệnh gần như không có dấu hiệu gì hoặc các triệu chứng có thể gây nhầm lần với viêm dạ dày như:

Đau tức vùng thượng vị
Ợ hơi, ợ chua nhiều và thường xuyên
Có cảm giác đau bụng sau khi ăn, mệt mỏi
Khó tiêu, buồn nôn không rõ nguyên nhân

Tầm soát ung thư dạ dày bằng nội soi tiêu hóa là cách giúp phát hiện sớm ung thư dạ dày.

Tầm soát ung thư dạ dày bằng nội soi tiêu hóa là cách giúp phát hiện sớm ung thư dạ dày.

Khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn sẽ xuất hiện các khối u to gây xuất huyết khiến người bệnh có các biểu hiện như:

Gầy sút cân, thiếu máu
Mệt mỏi, chán ăn
Nôn ra dịch xuất huyết hoặc đi ngoài phân đen

Nhiều bệnh nhân thường đến thăm khám trong tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến tỷ lệ điều trị giảm.

Ung thư dạ dày có chữa được không? Nếu được phát hiện sớm, ung thư dạ dày có thể chữa trị được bằng nhiều phương pháp. Bệnh càng được phát hiện sớm tỷ lệ điều trị thành công càng cao. Với những trường hợp chưa di căn có thể áp dụng phương pháp nội soi để loại bỏ vùng niêm mạc bị tổn thương.

Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày kèm theo nạo các tổ chức hạch để tìm tổn thương ung thư. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân và giai đoạn bệnh các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Phòng ngừa ung thư dạ dày

Do những nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ nên không có cách nào phòng ngừa hoàn toàn, chỉ có thể giảm các yếu tố nguy cơ như:

Bổ sung chất xơ trong bữa ăn như ăn nhiều rau xanh, trái cây…
Duy trì tập luyện thể dục thể thao, có thời gian nghỉ ngơi thư giãn hợp lý
Bỏ thuốc lá
Hạn chế các loại đồ ăn không tốt cho đường tiêu hóa như đồ cay nóng, đồ ăn muối chua, lên men và giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Tầm soát ung thư để phát hiện sớm những tổn thương và nâng cao tỷ lệ điều trị.

Mỗi ngày, tại Bệnh viện Bạch Mai thực hiện khoảng 2.000 ca nội soi đường tiêu hóa, trong số đó có khoảng 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và khoảng 1-2% trường hợp ung thư dạ dày.

ThS.BS Nguyễn Huy Du

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phai-lam-gi-khi-ung-thu-da-day-ngay-cang-tre-hoa-169240318110500328.htm