Phải làm tốt công tác sàng lọc nhân sự

Nhiều địa phương trên cả nước đang tiến hành đại hội điểm đảng bộ cấp cơ sở; tiến tới đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm 2021. Để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, công tác nhân sự luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Việc chuẩn bị, lựa chọn được và đúng nhân sự đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới có vai trò hết sức quan trọng; quyết định đường hướng phát triển mọi mặt của mỗi địa phương, bộ ngành cho tới cả nước trong nhiệm kỳ tới. Vì vậy, cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải được đặc biệt coi trọng về chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ngày 30-5-2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ngày 2-1-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây được xem là những cơ sở quan trọng, để chuẩn bị công tác nhân sự các cấp, nhất là những vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ tới.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Quy định 214 đã tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW (ngày 19-5-2018) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Quy định 214 cũng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đó, thực sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp không chỉ là nhiệm vụ của ngành tổ chức xây dựng Đảng, mà còn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Bài học về công tác nhân sự các cấp, kể cả ở Trung ương trong 2 nhiệm kỳ qua cho thấy, đó là vấn đề cốt lõi, quyết định thành công hay thất bại của nhiều bộ ngành, địa phương.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, hàng loạt cán bộ đương chức, kể cả cấp cao đã bị Đảng thi hành kỷ luật, pháp luật xử lý bởi những khuyết điểm, sai phạm không phải chỉ mới diễn mà đã có từ trước. Vì sao trong quá trình chuẩn bị nhân sự, những con người đó vẫn “lọt qua” được các vòng kiểm tra, bầu cử ở đại hội đảng bộ các cấp; để rồi khi đảm nhiệm chức vụ mới, cao hơn thì mới bị xử lý kỷ luật? Những cán bộ, vụ việc đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Đó là những bài học lớn, cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm sâu sắc cho nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tới. Đó là phải kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; không chấp nhận những cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cùng với đó là cương quyết ngăn chặn, đấu tranh với tình trạng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước; không cơ cấu những nhân sự quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao…

Nếu làm tốt những điều đó, chắc chắn, Đảng sẽ có những cán bộ thực sự “vừa hồng, vừa chuyên” trong nhiệm kỳ mới ở các cấp; đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển toàn diện, bền vững.

TRẦN LƯU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phai-lam-tot-cong-tac-sang-loc-nhan-su-648568.html