Phải lấy người dân làm trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Chiều 24-5, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 1 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Ở điểm cầu CATP Đà Nẵng, Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng chủ trì.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng.

Trong năm 2021, tình hình cháy lớn và gây thiệt hại về người và tài sản có nhiều diễn biến phức tạp. Theo thống kê từ ngày 15-4-2021 đến 15-4-2022, toàn quốc đã xảy ra 1.908 vụ cháy và 2.925 sự cố cháy làm chết 80 người và bị thương 113 người. Tài sản thiệt hại ước tính gần 830 tỷ đồng, hơn 825ha rừng. Trong đó, 850 vụ xảy ra tại khu vực nhà dân, 445 vụ xảy ra ở khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ văn phòng. Đặc biệt, 45 vụ cháy lớn đã làm chết 1 người, bị thương 4 người, tài sản thiệt hại hơn 225 tỷ đồng. 46 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người làm chết 79 người, bị thương 25 người, tài sản thiệt hại gần 14 tỷ đồng. Thời gian các vụ cháy xảy ra chủ yếu vào ban đêm, ngoài giờ làm việc. Nguyên nhân vụ cháy chủ yếu xuất phát từ sự cố hệ thống, thiết bị điện, sơ suất khi sử dụng lửa, bất cẩn khi hàn cắt kim loại, nổ pin máy khoan cầm tay, tàng trữ và sử dụng các vật liệu nổ, rò rỉ gas. Trong khi đó, ở Đà Nẵng, từ ngày 15-4-2021 đến ngày 15-4-2022, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 94 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, tài sản thiệt hại ước tính sơ bộ 4,383 tỷ đồng (trong đó thiệt hại đối với nhà ở hộ gia đình: 82,42 triệu đồng, nhà để ở kết hợp SXKD: 53,175 triệu đồng), 8ha rừng và thực bì.

Riêng đối với CATP Đà Nẵng, qua đợt cao điểm, CATP đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các đơn vị đã khẩn trương hoàn thành bàn giao hồ sơ 2.230 cơ sở thuộc Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP cho UBND cấp xã quản lý, xây dựng Kế hoạch tham mưu cho UBND các cấp ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo 56 xã, phường, các phòng, ban tập trung triển khai kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, gắn với xây dựng, củng cố mô hình cụm dân cư an toàn PCCC. Đến nay CATP Đà Nẵng đã tổ chức rà soát, thống kê phân loại nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh đảm bảo đúng số lượng, củng cố 755 Cụm dân cư (thôn) an toàn PCCC đảm bảo Tiêu chí đề ra 14.393/14.393 nhà thực hiện các biện pháp mở lối thoát nạn thứ 2, 951/951 căn nhà tháo dỡ “chuồng cọp” tạo lối thoát nạn thứ 2, 240.001/251.574 căn nhà đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay. Đà Nẵng đã xây dựng được 58 Đội dân phòng với 1.872 thành viên, hơn 8.314 đội PCCC cơ sở với 26.659 đội viên, 7 đội PCCC chuyên ngành với 245 thành viên.

Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cho biết, CATP sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Thành ủy, UBNDTP về “Quy định về điều kiện an toàn về PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. CA cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, đồng thời, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến và củng cố lực lượng PCCC tại chỗ trên địa bàn. Đặc biệt, các hành vi vi phạm về PCCC sẽ bị xử lý nghiêm nhất là các trường hợp không đảm bảo các yêu cầu về lối thoát nạn, các biện pháp ngăn cháy lan và các cơ sở đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chây ì, không thực hiện các yêu cầu kiến nghị của cơ quan chức năng, rà soát, xây dựng, lập và tổ chức thực tập phương án PCCC &CNCH đối với cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, khu dân cư nằm sâu trong kiệt hẻm, xe chữa cháy không thể tiếp cận được.

Diễn tập PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận, CA các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các công tác liên quan đến PCCC và CNCH, tổ chức tốt công tác tuyên truyền đến người dân. 48/63 địa phương đã không để xảy ra cháy lớn (trong đó có Đà Nẵng). Tuy nhiên, các mặt còn tồn tại, hạn chế vẫn còn: công tác nghiệp vụ chưa bảo đảm, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về PCCC chưa theo quy định, số lượt kiểm tra còn hạn chế, việc triển khai xử lý các công trình không đảm bảo về PCCC còn chậm. Đặc biệt, công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy còn chưa chuẩn, việc triển khai các hoạt động chữa cháy, CNCH đối với một số vụ cháy chưa tốt.

Trong thời gian đến, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long đã yêu cầu, CA các địa phương cần tập trung làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND địa phương chỉ đạo các ban ngành có liên quan cùng vào cuộc tham gia công tác PCCC và đảm bảo TTATGT, thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện tốt Nghị định 136 của Chính phủ. Ngoài ra, CA các địa phương phải tuyên truyền hướng dẫn người dân về phương pháp phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm như vận động người trang bị dụng cụ, bình chữa cháy, phá cửa nhà… để phối kết hợp giữa phòng cháy và chữa cháy đạt hiệu quả tối ưu. “Trong công tác PCCC, phải xác định lấy phòng cháy là chính và lấy người dân làm trọng tâm bởi người dân là lực lượng gần nhất, có mặt nhanh nhất vào thời điểm vàng để có thể dập tắt nhanh nhất đám cháy”- Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

LÊ ANH TUẤN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/phai-lay-nguoi-dan-lam-trong-tam-trong-cong-tac-phong-chay-chua-chay-post261429.html