'Phải lòng' bồ công anh
Một điều khá bất ngờ là cho mãi đến khi trốn nóng Biên Hòa lên thành phố sương mù Bảo Lộc “ẩn cư”, tôi mới biết tới một loại rau xanh ăn khá ngon mà chế biến cũng đơn giản như: xào tỏi, ăn sống, nấu canh, xào thịt bò… đặc biệt là làm món salad.
Người dân quanh hồ Lộc Thanh (trước đây gọi là ao Mọi) nơi ở mới của tôi tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi không biết loại rau thiên nhiên mọc khá phổ biến có công dụng làm mát ruột, giải độc gan, thanh lọc cơ thể… có tên gọi là bồ công anh.
* Rau dại, hoa… lãng mạn
Bồ công anh là một loài hoa khá độc đáo, hoa chùm màu vàng, thường nở từ đầu mùa xuân kéo dài đến mùa hè đổi thành màu trắng, từng cánh từng cánh mỏng manh bay theo gió… Chính cái việc bồ công anh có hoa nhưng không giữ được hoa và hoa chỉ luôn vươn mình theo gió nên được các văn nghệ sĩ ví với “sự tự do, tự tại trong thế giới rộng lớn”. Dù không có hương thơm hoặc sắc màu rực rỡ nhưng từ lâu bồ công anh được đề cập đến rất nhiều trong các câu chuyện cổ tích lẫn văn chương, mỹ thuật phương Tây. Theo đó hoa bồ công anh “tượng trưng cho một tình yêu đơn giản, thuần khiết và trong sáng. Nó nhẹ nhàng và mỏng manh”. Hoặc “Bay trong gió cũng là bắt đầu cho một khởi đầu mới, một cuộc đời mới ở những vùng đất phương xa”…
Nhiều năm gần đây loài hoa bồ công anh cũng đã xuất hiện trong thi đàn Việt Nam. Có vài câu thơ được nhiều người yêu thích như: “…Đừng trách gió mang hoa bay tứ xứ/ Dẫu em yêu, đừng chặt tay nắm giữ”, “Em biến thành đóa hoa trắng hình tròn/ Giữ khát vọng bay lên những khoảng trời mơ ước/ Tình yêu bất diệt vẫn chờ em phía trước/ Con đường nào cũng có gió và em”.
Qua mấy lần thưởng thức món rau bồ công anh do bà con hàng xóm “chiêu đãi” và tự tay chế biến loại cây tự mọc quanh nhà này tôi lại bị ám ảnh bởi những vần thơ lãng mạn về “loài hoa vươn mình bay theo gió”. Tìm hiểu thì biết bồ công anh là loại cây thân thảo thuộc họ cúc (Asteraceae) xuất xứ từ vùng ôn đới Bắc bán cầu, nhưng nay lan rộng khắp thế giới. Tùy theo môi trường phân bố, bồ công anh hình thành nhiều giống; nhưng mép lá đều khuyết dạng răng cưa. Có lẽ vì vậy mà ở phương Tây người ta đặt tên cho bồ công anh là dandelion khởi từ tiếng Pháp là “dent de lion” (răng sư tử). Người Trung Quốc nghe vậy bèn gọi bồ công anh là… “sư nha địa linh”. Ở Việt Nam cũng có hàng chục giống bồ công anh, nhưng phổ biến là 2 giống bồ công anh lùn (taraxacum officinale) và nhiều nhất là bồ công anh thân cao (lactuca indica) được bà con gọi bằng những cái tên rất mộc mạc là: rau bồ cóc, diếp dại, mũi mác...
* Đặc sản trà thanh nhiệt
Đáng chú ý, loại cây được dùng làm rau xanh này từ vài năm nay đã có một số doanh nghiệp khai thác chế biến thành trà thương phẩm được ưa chuộng không những trong nước mà còn nước ngoài nhờ công dụng mát gan, giải độc rượu, lợi tiểu, chống dị ứng thức ăn, trị chứng mất ngủ…
Một điều cũng khá đặc biệt là không quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, nhưng trà dược thảo bồ công anh Đà Lạt của ông Nguyễn Văn Nho có khách hàng trong cả nước.
Trong đó, từ cuối năm 2014 Công ty Vàng Xanh ở TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã triển khai trồng 5 ngàn m2 bồ công anh trên đất cao nguyên và xây một sân phơi ở Phan Rang để chế biến ra chuỗi “đồ uống vàng” là: trà bồ công anh túi lọc và mật ong hoa bồ công anh. Công ty Vàng Xanh đang tiếp tục triển khai thêm các sản phẩm: bột bồ công anh, cao bồ công anh, rượu bồ công anh và nước giải khát được chế biến từ nguyên liệu bồ công anh.
Cũng ở Lâm Đồng, vào cuối năm 2021 Công ty Nông sản thuộc Tổ hợp tác Hiếu Linh ở H.Lạc Dương chuyên sản xuất nông sản sạch bằng phương pháp canh tác hữu cơ hàng chục loại rau, củ, quả trong đó có tía tô, hương nhu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; đã nhập hạt giống bồ công anh từ Mỹ về trồng trên diện tích 2 ngàn m2 trong nông trại nằm dưới chân núi Lang Biang. Công ty Nông sản Hiếu Linh đã khai thác toàn bộ cây bồ công anh và sấy khô theo từng phần lá, thân, hoa, rễ để chế biến thành 2 dạng là trà khô và trà túi lọc. 2 loại trà này đều được tham gia vào CLB sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) H.Lạc Dương. Lá bồ công anh non của Hiếu Linh cũng được bà con nơi đây ưa chuộng trong việc làm rau ăn lẩu và ép lấy nước uống…
Nhưng có lẽ người để mắt đến cây bồ công anh sớm nhất ở Lâm Đồng lại là ông Nguyễn Văn Nho, Giám đốc Công ty TNHH Bồ Công Anh Đà Lạt. Sinh năm 1958 tại làng hoa Vạn Thành nổi tiếng ở thành phố ngàn hoa nhưng vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi rau, hoa chưa lên ngôi như bây giờ, ông Nho phải rời khỏi Vạn Thành. Năm 2000 thấy việc trồng cây lập vườn phát triển mạnh, ông Nho quyết định quay lại nghề làm vườn.
Ông Nho tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu những loài cây mới lạ có thể trồng làm rau xanh. Qua đó, ông để ý đến bồ công anh - một loại cây mọc tự nhiên và có sức phát tán mạnh thường được người dân vùng cao nguyên Lâm Viên hái về chế biến làm thức ăn. Tham khảo sách viết về cây thuốc của GS Phạm Hoàng Hộ, Đỗ Tất Lợi cùng sách báo nước ngoài viết loài thực vật, ông Nguyễn Văn Nho càng thích thú với những công dụng của loài bồ công anh trong việc bồi dưỡng sức khỏe cho con người. Từ cuối năm 2005, ông Nho tiến hành thu gom bông bồ công anh đem về gieo ươm. Được chăm bón chu đáo, loài bồ công anh hoang dại trong vườn nhà ông Nho xanh tốt và cho sản lượng thu hoạch nhiều đến không ngờ. Trong nhà xào, nấu canh ăn đến chán, đem cho bạn bè, người thân cũng không hết, ông Nho bèn đem “rau sạch” bồ công anh lên TP.HCM giao cho các siêu thị.
Được một thời gian, thấy tiền bán rau không bù tiền xe, ông cắt đường cung này và nghĩ đến việc chế biến trà. Đầu tiên ông dùng lò vi sóng để sấy lá bồ công anh làm trà khô để uống thử; tiếp đó là mời bạn bè người quen thưởng thức trà bồ công anh. Trà có vị hơi chát và thơm nhẹ, ai uống thử vài lần đều cho là… ăn được, ngủ được! Và nhiều người giới thiệu nhau về thức uống mới có tên là trà dược thảo bồ công anh.
Đầu năm 2006, ông Nho trang bị quả cầu rang cà phê để thực hiện công đoạn sấy trà bồ công anh với công suất mỗi mẻ 30kg. Khách hàng của ông Nho ngày một nhiều. Mối lớn tiêu thụ trà dược thảo bồ công anh Đà Lạt là các nhà chùa có đông phật tử và khách thập phương. Để giải quyết khâu nguyên liệu ngày một lớn, ngoài mấy sào bồ công anh trồng ở vườn nhà, ông Nho hợp đồng với một số hộ trồng rau trong thôn R’Chai tham gia trồng bồ công anh. Ban đầu chỉ có vài hộ trong thôn tham gia, nay thì khắp vùng hồ thủy điện như: Phú Hội, Ninh Gia, Tân Hội, Tân Thạnh… dân trồng rau đều rất phấn khởi nhận đặt trồng bồ công anh cho công ty trà dược thảo của ông Nho vì bồ công anh dễ trồng, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tốn kém mà có thu nhập gấp đôi và ổn định hơn so với trồng các loại rau xanh khác.
Do sản xuất theo tính chất gia đình, mấy năm gần đây, ngoài những loại trà dược thảo đặc chế theo đối tượng khách hàng, ông Nho tập trung vào việc chế biến trà bồ công anh túi lọc rất tiện dụng, phù hợp với thị trường hiện nay...