Phải mạnh tay với tiêu cực trong bóng đá!
Tiêu cực, dù ở bất kỳ hình thức nào cũng giết chết bóng đá. Bài học kinh nghiệm đớn đau này nhiều nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia… đều trải qua.
Ở nước ta, tưởng "bóng ma sân cỏ" thuộc về quá khứ nhưng không, nó lại "hiện về" như một thách thức cho cả nền bóng đá, nếu không có biện pháp bài trừ quyết liệt. LĐBĐ châu Á (AFC) phối hợp cùng FIFA mạnh tay xóa sổ nạn dàn xếp tỉ số ở các trận đấu trong khu vực bằng cách ra án phạt cấm thi đấu vĩnh viễn đối với các cầu thủ có hành vi tiêu cực. Cách đây 3 tháng, hai ngôi sao bóng đá Lào gồm cựu đội trưởng tuyển quốc gia Khampheng Sayavutthi và tiền đạo 25 tuổi Lembo Saysana đã bị AFC phạt "treo giò" suốt đời vì hành vi bán độ. Vụ việc diễn ra chỉ vài ngày, trước khi LĐBĐ Việt Nam (VFF) phát hiện 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp dính nghi án cá cược, dàn xếp tỉ số ở vòng loại Giải U21 quốc gia 2019.
Mookt "Treo giò" 5 năm đối với kẻ cầm đầu và 6 tháng với nhóm cầu thủ còn lại là án phạt được VFF đưa ra đối với 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp - vẫn chưa đủ mạnh để răn đe hành vi tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng với số tiền cá cược lên đến hơn 150 triệu đồng, nhóm cầu thủ U21 Đồng Tháp bán độ cần bị truy cứu hình sự. Cũng có ý kiến khác là nên tạo điều kiện cho các em cơ hội sửa sai, bởi các em phạm tội khi tuổi đời vẫn còn quá trẻ nhưng nếu nương tay như vậy, tiêu cực sẽ giết chết cả nền bóng đá.
"Tuổi 18, 19 hãy còn quá non nớt trong suy nghĩ, dễ bị cám dỗ bởi đồng tiền nếu không được dạy dỗ nghiêm túc. Nên quy trách nhiệm, xử phạt nặng đối với những người quản lý các em" - trung vệ Lưu Ngọc Hùng, HLV Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ tại TP HCM, nhấn mạnh vai trò người thầy với các cầu thủ trẻ..
Trên cương vị HLV nhưng ông Bùi Văn Đông, người trực tiếp quản lý, huấn luyện lứa cầu thủ trẻ Đồng Tháp, lại không có quan điểm, trách nhiệm rõ ràng. Ông Đông, với tư cách là người thầy lại còn hướng dẫn Huỳnh Văn Tiến (cầu thủ cầm đầu bán độ) tìm cách "lấp liếm" vụ việc rồi điền tên nhóm cầu thủ ấy vào danh sách thi đấu của CLB Đồng Tháp ở mùa Giải Hạng nhất quốc gia 2020. Thầy như vậy sao dạy được trò?
Những giọt nước mắt hối hận muộn màng của các tuyển thủ quốc gia trong "Đại án Bacolod" ở SEA Games 23 (2005) làm rúng động bóng đá Việt Nam. Vụ 13 cầu thủ của CLB Vissai Ninh Bình nhận 800 triệu đồng để "làm độ" trong trận đấu ở vòng bảng AFC Cup 2014. Án phạt tù, "treo giò" vĩnh viễn đối với 6 cầu thủ CLB Đồng Nai vì tham gia cá cược, dàn xếp tỉ số ở V-League 2014 với số tiền gần 400 triệu đồng... Tất cả hình ảnh xấu xí đó nay vẫn còn vẹn nguyên và là nỗi ám ảnh của những người đã từng nhúng chàm. Đó cũng là bài học đắt giá để các cầu thủ trẻ nhận thức khi quyết định dấn thân vào nghiệp cầu thủ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/phai-manh-tay-voi-tieu-cuc-trong-bong-da-20200514220841117.htm