Phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để xảy ra nợ đọng bảo hiểm xã hội

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Đây là dự án luật lớn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, tác động đến đông đảo người dân.

Đặc biệt là tầng lớp công nhân, người lao động rất quan tâm vì các chính sách trong dự án luật có liên quan quyền lợi thiết thực của họ như: chính sách bảo hiểm xã hội, chế độ tiền lương, chế độ thai sản đối với lao động nữ... Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trừ tỷ lệ hưởng lương hưu mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi là không hợp lý

+ Thưa Đại biểu Quốc hội, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Trong đó, về chế độ hưu trí, điều kiện hưởng lương hưu, nếu người lao động đi làm từ 18 tuổi và phải chờ đến 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi với nữ mới đủ tuổi nghỉ hưu, thì người lao động phải đóng Bảo hiểm xã hội tới 44 năm với nam và 42 năm với nữ. Như vậy là thời gian rất dài. Về vấn đề này, cử tri kiến nghị, nếu người lao động đã đóng đủ số năm đóng Bảo hiểm xã hội để được nghỉ hưu và nghỉ trước trong vòng 5 năm so với độ tuổi quy định thì được hưởng 100% tỷ lệ lương hưu mà không bị trừ % khi nghỉ trước tuổi. Quan điểm của Đại biểu như thế nào?

- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Tôi rất đồng tình quan điểm này! Thực sự mà nói, đối với công nhân, người lao động hiện nay, có những người ngoài 50 tuổi đi làm công nhân là họ cũng đã cảm thấy mệt mỏi lắm rồi. Những người này rất muốn nghỉ hưu, thế nhưng, nghỉ thì không được. Bởi vì, có thể số năm đóng Bảo hiểm xã hội để được nghỉ hưu thì đủ, nhưng tuổi nghỉ hưu thì không đủ theo quy định, như vậy, nếu họ nghỉ hưu sớm thì sẽ bị trừ đi % lương hưu, sẽ rất thiệt thòi. Do đó, dù sức khỏe không đảm bảo nhưng họ vẫn phải cố gắng làm việc thêm vài năm nữa để không bị trừ % lương hưu.

Việc quy định bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi là không hợp lý. Tôi cho rằng, cần sửa đổi quy định này.

 Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được người lao động hết sức quan tâm. Ảnh: NLĐ

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được người lao động hết sức quan tâm. Ảnh: NLĐ

+ Theo quy định pháp luật, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, khi các cháu ốm đau hoặc bị bệnh phải điều trị dài ngày tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cha mẹ vẫn phải nghỉ việc để chăm con ốm. Nhưng hiện tại, Luật Bảo hiểm xã hội chỉ quy định những trường hợp có con dưới 7 tuổi, khi ốm đau thì cha mẹ mới được nghỉ. Do đó, có ý kiến cho rằng, cần xem xét chính sách để người lao động có con từ 7 đến dưới 16 tuổi, khi ốm đau cũng được nghỉ việc để chăm sóc? Đại biểu nghĩ sao về điều này?

- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Tôi cho rằng, quan điểm này chưa phù hợp. Bởi vì, các cháu dưới 7 tuổi còn nhỏ, chưa tự lập được nên rất cần cha mẹ chăm sóc và khi người lao động nghỉ làm để chăm con ốm sẽ vẫn được hỗ trợ hưởng lương. Còn với các cháu lớn hơn, nếu như quy định chính sách cho người lao động nghỉ để chăm con mà vẫn hưởng lương thì sẽ rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước.

Trên thực tế, về vấn đề này, các quốc gia trên thế giới cũng đang có quy định giống như ở Việt Nam hiện nay.

+ Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn hàng tháng chỉ đóng bảo hiểm xã hội bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất. Vì vậy, khi người hoạt động không chuyên trách nghỉ thai sản, ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp thì không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Do đó, cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, quy định để người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội. Đại biểu Quốc hội có cho rằng, đề xuất này là hợp lý không?

- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Tôi thấy điều này hợp lý! Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì đã đưa người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn vào nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc rồi. Quá trình tiếp xúc cử tri, tôi cũng đã nhiều lần giải thích dự thảo quy định này cho bà con nắm bắt.

Nếu dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua thì đây là chính sách rất nhân văn của Nhà nước dành cho người hoạt động không chuyên trách. Nếu như những người này được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội giống như công chức, viên chức bình thường.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Tổ chức công đoàn biết mà cứ “lặng thinh” là không thể được!

+ Quá trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Đại biểu nhận thấy ngoài các vấn đề nêu trên thì cử tri còn bày tỏ quan tâm đến nội dung nào khác?

- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Rất nhiều công nhân, người lao động phản ánh, đối với trường hợp chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì cần phải xử lý nghiêm. Thậm chí, đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Có những người lao động, khi nghỉ việc mới biết mình không được chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho, hay nói cách khác là chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nên khi người lao động nghỉ việc mới tá hỏa nhận ra mình không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Người lao động lúc này chới với, không biết thưa ai, kiện ai! Rất thiệt thòi cho họ!

Một lần nữa, tôi đề nghị, phải xử lý nghiêm các doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Những trường hợp chậm thì bị phạt, nếu phạt rồi mà vẫn tái phạm thì cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương.

Đồng thời, cử tri cũng đề xuất Quốc hội cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thu bảo hiểm xã hội để xảy ra nợ đọng bảo hiểm. Đối với tổ chức công đoàn, đặc biệt là tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, khi phát hiện chủ doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân thì phải “lên tiếng” với chủ doanh nghiệp, đồng thời, báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tổ chức công đoàn biết mà cứ “lặng thinh” là không thể được!

+ Đại biểu Quốc hội kỳ vọng như thế nào khi dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây?

- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Tôi rất kỳ vọng tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, dự án Luật này sẽ được Quốc hội thông qua. Cũng có ý kiến cho rằng, Quốc hội cần xem xét, thảo luận thêm một kỳ họp nữa rồi mới thông qua, nhưng tôi cho rằng, vẫn đủ điều kiện để thảo luận kỹ càng và xem xét thông qua tại Kỳ họp 7. Tôi mong rằng, dự án Luật sớm được triển khai đi vào cuộc sống để người lao động yên tâm về những quyền lợi thiết thực của mình. Tôi cũng kỳ vọng, dự án Luật sẽ được dư luận, người lao động đồng tình ủng hộ.

+ Trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội về những trao đổi vừa rồi!

Nguyễn Hường (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phai-quy-dinh-ro-trach-nhiem-cua-cac-co-quan-don-vi-de-xay-ra-no-dong-bao-hiem-xa-hoi-post295656.html