Phải quy trách nhiệm và xử lý nghiêm minh
Có tình trạng hàng loạt công trình giao thông vừa đưa vào khai thác đã xuống cấp trầm trọng, bong tróc...
Mới đây, đoạn đường tránh đi qua địa phận thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có vốn đầu tư 250 tỉ đồng mới làm xong đã nứt toác khiến dư luận rất quan tâm và bức xúc. Mặc dù mặt đường dài gần 200m bị biến dạng, hở rộng nhiều đoạn hơn nửa mét, có những nơi hở sâu khoảng 1 m, khiến ôtô không thể lưu thông, thế nhưng, nhà thầu vẫn khẳng định "thi công đảm bảo chất lượng" và công trình được "Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu"! Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, mặt đường bị ngậm nước nên đã phát sinh hư hỏng bởi mưa lớn kéo dài từ ngày 23/8 đến 3/9 nên mới xảy ra sự cố!
Tương tự, trước đó, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng, đưa vào sử dụng chỉ mới 1 tháng có đoạn đã bong tróc, chi chít ổ gà. Quốc lộ 1 qua 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, đưa vào sử dụng chỉ thời gian ngắn đã hư hỏng trầm trọng.
Tại TP.HCM cũng vậy, liên tục tại các kỳ họp HĐND, nhiều đại biểu đã đứng ra phản ánh tình trạng hàng loạt công trình giao thông vừa đưa vào khai thác đã xuống cấp trầm trọng, bong tróc... Nhiều tuyến đường mới như đường Trần Văn Giàu, đường dẫn vào cao tốc TP HCM - Trung Lương, Nguyễn Hữu Thọ vừa làm xong đã nhanh chóng bị xuống cấp và hư hỏng. Dư luận thắc mắc không biết đường hỏng là do chất lượng thi công của nhà thầu hay do giám sát lỏng lẻo?
Lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM cũng đưa ra nguyên nhân sự cố là do đường được xây dựng trên nền đất yếu và việc triển khai lập thiết kế khảo sát từ nhiều năm trước nên có những bất cập. Như đường dẫn vào cao tốc TP HCM - Trung Lương là dự án do Bộ GTVT thực hiện, quan điểm thiết kế trước đây chấp nhận thực hiện trên nền đất yếu, nếu khi sử dụng bị lún thì sẽ sửa chữa. “Còn hiện tại, quan điểm thiết kế đã khác. Đối với các công trình, nhà đầu tư sẽ xử lý nền đất yếu một lần để sau này không chịu lún nữa…", lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM lý giải.
Theo các chuyên gia về giao thông, bất kỳ công trình đường sá nào cũng phải tính đến các yêu cầu tối thiểu về trọng tải, về lưu lượng xe chạy và phù hợp với các điều kiện thời tiết khác nhau… Khảo sát, thiết kế phải tuân thủ quy trình, quy phạm chuyên ngành mới được cấp thẩm quyền phê duyệt. Do đó, thật khó viện bất kỳ lý do gì để biện minh cho việc đường mới làm xong đã hư hỏng.
Trước bức xúc của dư luận về sự cố đường tránh thị trấn Chư Sê, Gia Lai, ngày 5/9, Bộ Giao thông - Vận tải đã có công điện yêu cầu Ban quản lý dự án 6 khẩn trương chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra hiện trường trên toàn tuyến, đánh giá xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời những hư hỏng. “Việc để xảy ra sự cố nêu trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành lẫn niềm tin trong nhân dân”, Bộ Giao thông – Vận tải nhận định.
Bộ cũng yêu cầu Ban quản lý dự án 6 và các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khẩn trương làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hư hỏng công trình, báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết sự cố theo quy định trước ngày 20/9. Đồng thời yêu cầu các đơn vị trên tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Đặc biệt là việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức và các cá nhân được phân công trực tiếp quản lý, điều hành dự án. Trước mắt, thực hiện đình chỉ chức vụ các cá nhân liên quan để tập trung khắc phục xử lý sự cố.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phai-quy-trach-nhiem-va-xu-ly-nghiem-minh-92141.html